banner 728x90

Tản văn: Mùa xuân quê tôi

15/01/2025 Lượt xem: 2606

Sau một mùa đông, từng tia nắng ấm áp của mùa xuân đã theo tháng giêng về cùng. Ngọn gió giao mùa cứ xôn xao như từng khúc hát gọi xuân về. Ánh nắng của mùa này cũng vàng hơn. Những tia nắng ấm áp báo hiệu một mùa xuân lại đang về. Bầu trời xanh cũng cao hơn cho những đàn chim én bay về. 

Có lẽ chỉ có trải qua những ngày đông thật lạnh giá trước Tết vừa rồi thì người ta mới cảm thấy sự ấm áp của mùa xuân quý giá biết nhường nào.

Xuân đến như một nàng thiếu nữ e ấp, chỉ chợt vỡ òa bao cảm xúc mỗi khi có dịp. Xuân đến trên từng góc phố, nụ hoa đến từng cơn gió nhẹ, cái nắng ấm áp của đất trời vào xuân và mùa xuân đã đến với tất cả mọi người. Những cảm xúc chợt tràn đầy, mới mẻ như thể tất cả  chỉ vừa mới bắt đầu. 

Đất nước vào xuân nơi nào cũng đẹp, thơ mộng đến nao lòng. Nhưng mùa xuân với sức sống mãnh liệt đậm chất hoang sơ của thiên nhiên núi rừng và con người đưa ta phiêu du về một vùng đất thấm đượm màu huyền thoại thì phải nhắc đến mùa xuân trên núi rừng Tây Bắc. Mùa xuân quê tôi không lấp lánh ánh đèn, không có các khu trung tâm thương mại mua sắm sang trọng đắt tiền hay các khu vui chơi nhộn nhịp như ở các thành phố mà đi vào chiều sâu của không gian và thời gian, của cảnh vật và lòng người, cứ nguyên sơ, mộc mạc mà làm say đắm lòng người. 

Đó là những triền núi, những sườn đồi tràn ngập sắc trắng, sắc đỏ của hoa ban. Hoa ban trắng tinh khiết dịu dàng, hoa ban đỏ nồng nàn, say đắm. Ôi cái sắc hoa Đào, hoa Ban cùng muôn loài hoa rừng khoe sắc đua hương, thơm đến từng lá cây ngọn cỏ đã hóa thân trong mỗi nụ cười duyên, mỗi làn da trắng hồng, mỗi búp tay thon như búp măng rừng, mỗi đường nét tuyệt mỹ trên tấm thân ngà ngọc của người sơn nữ. Nàng xuân ưu ái đã tặng cho đất trời Tây Bắc những nhành hoa Ban độc đáo đến lạ kỳ. Ôi loài hoa bình dị mà rất đỗi thân thương đã trở thành nguồn đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca nhạc hoạ. Bởi vì khi hoa nở, ta biết mùa xuân đã về. 

Từ xưa đến nay, dẫu cho những quan niệm về những cái đẹp đã bao lần thay đổi, hoa vẫn mãi mãi có sức hấp dẫn lạ kỳ. Hoa hấp dẫn bởi không phải chỉ vì hương sắc quyến rũ, dáng vẻ yêu kiều, mà còn bởi một sức mạnh tinh thần rất kỳ diệu huyền bí mà con người cảm nhận được ở hoa. Hoa luôn luôn là biểu tượng của cuộc sống tâm hồn, là tình yêu, là cái đẹp. Hoa góp vui, chia buồn, góp phần làm cho tình người thêm đẹp, cuộc sống thêm tươi. Hoa làm cho tâm hồn người ta vui tươi, thanh thản. 

Rừng hoa trên triền núi, sườn đồi qua mùa đông sương giá trơ cành vụt bừng sáng cả núi rừng. Sắc hồng dịu dàng như má hồng thiếu nữ e thẹn trước tiếng khèn gọi bạn đi chơi núi đầu xuân. Những dòng suối đổ từ vách núi cao reo vui tung bọt trắng xoá tạo nên muôn ánh cầu vồng trong nắng xuân. Những chú chim trong rừng cất tiếng hót thiết tha tìm bạn cặp đôi. Những thửa ruộng bậc thang bắt đầu lốm đốm những mầm xanh của lúa. Ven bờ ruộng nở đầy những bông hoa dại màu tím nhạt, ngắm từ xa có thể tưởng là những ruộng hoa. Hoa cải vàng rực trong những mảnh vườn nhỏ trước những ngôi nhà nhỏ. Núi rừng đêm đêm lung linh, huyền ảo cùng những vì sao. Các chàng trai, cô gái gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, tiếng đàn môi ngọt lịm là những hình ảnh đặc trưng mang vẻ đẹp bình yên của Tây Bắc mỗi độ xuân về.

Đón mùa xuân, đón thêm tuổi mới, lòng người chợt bâng khuâng suy nghĩ về hiện tại, về tương lai cùng biết bao ước mơ và hy vọng những điều yên lành hạnh phúc sẽ đến với mình.

Những cái Tết của tuổi thơ tôi đã trôi qua rồi. Nhưng không hiểu sao mỗi khi mùa xuân đến thì lòng tôi lại da diết mà nhớ về tuổi thơ và nhớ những cái Tết bên nồi bánh chưng đầy ắp tiếng cười, nhớ tâm trạng vui vẻ, háo hức khi được đi hái lộc đầu năm cùng bố rồi về xông nhà, được mẹ lì xì mừng tuổi đầu năm…

Xuân về, Tết đến nhắc con người ta tìm về với nhau, lòng người hướng về cố hương, nhớ về cố nhân. Thắp nén nhang lên bàn thờ, bỗng chốc thấy cuộc đời được mất ẩn hiện đâu đó khiến người ta vẫn cứ phải khám phá, phải bươn chải. Vui vì còn được cười đùa bên nhau, được gặp nhau và chuyện trò cùng nhau. Hạnh phúc vì được sum họp, được đoàn viên với gia đình, quên đi bao muộn phiền năm cũ, gửi đến nhau những lời chúc ấm áp trong ngày đầu năm mới. Chén rượu đầu xuân cũng tràn trề cảm xúc, cùng nhau sẻ chia tình cảm, tâm sự những nỗi niềm nhân dịp xuân về. 

Một mùa xuân nữa đã đến. Bầu trời trong xanh, màu nắng cũng long lanh và những làn gió xuân cứ xôn xao tự tình như từng khúc hát bâng khuâng. Những cây Đào, cây Quất, cây Mai trong vườn nhà cũng e ấp khoe sắc.

Nhớ về mùa xuân quê hương, lại nhớ  đến bài thơ  “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

Chỉ một bông hoa, một dòng sông, một tiếng chim hót, đơn giản thế nhưng vui và đẹp biết bao! Chỉ bằng vài nét phác họa chọn lọc hình ảnh màu sắc và âm thanh, nhà thơ như vẽ ra cả một không gian cao rộng, dòng sông, mặt đất, bầu trời, dòng sông xanh, hoa tím biếc và âm thanh rộn rã, tiếng chim chiền chiện hót vang trời .

Mùa xuân trong bài hát được báo hiệu bằng một bông hoa Lục Bình tím biếc, vươn lên đầy sức sống, một sức sống tràn trề tuơi trẻ. Chỉ với hai câu thơ mở đầu, nhà thơ đã miêu tả được cả một sắc xuân đằm thắm dịu dàng mà xao xuyến lòng người.

Tôi miên man trong suy nghĩ. Cả tuổi thơ tôi gắn bó cùng với hơi ấm của những mùa xuân Tây Bắc với những tên đất, con người lịch sử và huyền thoại của Tây Bắc, những lễ hội dân gian của các dân tộc cùng hương rượu cần ngọt lịm…

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Mấy năm nay đón xuân ở vùng đất Bà Rịa Vũng Tàu, tôi lại tha thiết nhớ Tây Bắc mùa xuân với vẻ đẹp, trong sáng vô ngần. Nơi đó có tất cả tuổi thơ tôi./. 

Hương Lan

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Nhớ mùa mía năm xưa

Ai đã từng sống ở vùng quê trồng mía chắc chắn sẽ biết đường non là gì, và bánh tráng nhúng vào đường non, khi ăn sẽ thấy nó ngon thế nào. Với tôi, mỗi lần đi qua những vùng trồng mía, trước mắt lại hiện ra hình ảnh cái chòi ép mía, nấu đường nằm trên mảnh đất nhỏ bên con đường ở đầu thôn cùng bao hình ảnh đầy yêu thương lúc mình còn bé.

Tản văn: Giọt mồ hôi của mẹ

Sau mùa gặt, cánh đồng vàng thơm óng ánh. Đó là màu vàng ruộm của những sợi rơm cong mình trong nắng, là màu vàng xanh của những cây rạ còn tươi, giẫm chân lên gãy rạp, nghe giòn rụm. Đó là mùi thơm của rơm khô, của khói đốt đồng. Đứa con nào của đồng ruộng mà chẳng mê mẩn màu vàng của cánh đồng sau vụ gặt, mà chẳng hít no nê mùi thơm của rơm rạ quyện với mùi mồ hôi của ba, của mẹ trên cánh đồng.

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.
Top