banner 728x90

Tản văn: Gia vị nhà quê

03/04/2025 Lượt xem: 2453

Trong căn bếp mới tinh khôi, tất cả đều sáng loáng màu men đá, màu gỗ, lặng lẽ nơi góc bếp có một hũ nhỏ, anh vẫn nuôi mẻ từ hồi xưa. Con gái ngạc nhiên hỏi, nhà mình có mấy khi nấu món gì cần mẻ đâu mà ba nuôi cả hũ, để rồi đến khi đầy, ba lại xúc đổ đi? Anh chỉ cười hiền, trong bếp phải có hũ mẻ cho vui con à…

Ngày xưa, trong căn bếp ám khói của mẹ ở quê bao giờ cũng có một hũ mẻ chua nơi góc. Chỉ là cái ấm nước sứt vòi, mẹ tận dụng để nuôi mẻ. Mẹ luôn căn dặn mấy chị em nhớ cho mẻ ăn, cấm được để mẻ chết, sẽ xui rủi. Quê vẫn có thành ngữ “nuôi như nuôi mẻ”, chỉ việc nuôi nấng ai đó quá đạm bạc, dễ dãi. Phải, nuôi mẻ thì chỉ cần có con cái mẻ, vài ngày bỏ chút cơm nguội là xong!

Ở quê, nhiều món ăn phải có mẻ. Bắt được mớ cá trê, đem kho riềng mẻ. Đi chợ mua được cái đầu cá mè, nấu riêu có mẻ, cà chua, thêm rau thì là tha hồ chan húp. Lâu lâu muốn ăn tươi, mua đùi heo với riềng, mẻ, mắm tôm về nấu món giả cầy, mấy chị em ăn hết thịt, tranh nhau lấy nước chan cơm. Ngày Tết hoặc ngày giỗ, mẹ vẫn làm món chả nướng, thịt nạc vai cắt vuông quân cờ, ướp riềng, mẻ, mắm tôm rồi xiên que nướng trên bếp than, thơm lừng cả xóm…

Cái món gia vị nhà quê ấy nghĩ lại toàn thấy gắn liền với những món ngon. Với riêng anh, thực ra hũ mẻ của nhà chả mấy khi được tham gia vào những món ngon như thế. Anh không thể quên tuổi thơ của mấy chị em ngày ấy, dùng mẻ toàn với những thứ không thể rẻ hơn: rau lang xào mẻ tỏi, món bắp chuối xắt bóp mẻ… lâu thật lâu mới bắt được mấy con lươn, mẹ ướp mẻ, mắm tôm nấu với chuối xanh, lá lốt. Những ngày thơ ấu thiếu thốn nhưng đầm ấm cứ mãi sống trong ký ức của mấy chị em. Để bây giờ những bữa giỗ mẹ, mấy chị em ngồi tụm làm món chả nướng ướp riềng, mẻ, mắm tôm lại kể mãi cho nhau nghe về những ngày xưa ấy...

Ngày nay, trong những nhà hàng sang trọng, vẫn thấy thấp thoáng những món có mẻ làm gia vị chủ đạo: thịt trâu nhúng mẻ, thịt gà chọi ướp chao, mẻ nướng, vịt xiêm ướp mẻ nướng... Những bữa ấy, anh cứ tần ngần nghĩ không biết họ có nuôi mẻ như cách ngày xưa mẹ vẫn nuôi? Cái vị chua chua rất riêng của mẻ làm anh cứ nhớ mãi những bữa cơm đơn sơ thuở ấy.

Hũ mẻ nằm có phần lạc lõng nơi góc bếp sáng choang, nhưng anh cứ vài hôm lại cho thêm chút cơm nguội. Rồi khi hũ mẻ đầy, anh lại lặng lẽ xúc đổ bớt. Trước khi đi công tác luôn dặn con nhớ cho mẻ ăn…

Phúc Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Bố ơi

Bố mẹ thường cãi nhau. Tôi bênh mẹ, ghét bố. Khi công việc làm ăn của mẹ phất lên thì bố bị mất việc. Từ đó, mọi việc sinh hoạt chi tiêu trong gia đình đều do mẹ quyết định. Bây giờ, khi cãi nhau với bố, mẹ thường nói thêm: “Vô dụng!”. Tôi thấy mẹ nói đúng và càng xem thường bố...

Tản văn: Tuổi thơ còn mãi

Tôi rất xúc động mỗi lần nghe ca khúc “Thằng Cuội” của Lê Thương. Bài hát quen thuộc đến cũ kỹ ấy được phối với tiếng guitar chậm rãi, cùng giọng hát trong trẻo như bầu trời sớm mai bỗng nhiên hôm nay nghe hay đến ngỡ ngàng. “Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”, những ca từ mộc mạc như lời hát dồng dao đưa người nghe về với ký ức tuổi thơ ngọt ngào.

Tản văn: Khói lam chiều

Có những buổi chiều miên man trôi trong tôi với mùi khói bay lên từ đâu đó. Ngút ngát một niềm yêu phủ lấy tôi, với miền khói phủ từ những đợt đốt rạ đồng, vọng những bữa cơm tối sắp về, hay khói un lúa lép trong ngõ nhà ai cuối mùa gặt. Chút lòng quê ấy đâu phải ai cũng có, đâu phải ai cũng hiểu...

Câu chuyện gia đình: Làm đẹp

Tôi làm việc ở một công ty nước ngoài, lương cao nhưng không sung sướng chút nào. Tôi chỉ biết làm, không có thời gian đi chơi, du lịch. Tôi tự nhủ mình còn trẻ, ráng làm nuôi vợ con, về sau có tiền dư dả rồi đi chơi cũng chưa muộn.

Câu chuyện gia đình: Mẹ tôi

Một mình mẹ chăm sóc, yêu thương con vô bờ bến từ khi tôi được 6 tháng tuổi. Một mình trên một đất nước hoàn toàn xa lạ, không một đồng xu dính túi và cũng không có người thân nào bên cạnh, mẹ tôi gạt nước mắt, quên đi sự buồn đau, mạnh mẽ đối diện với thực tại. Nếu như cuộc đời đem lại sự cay đắng cho mẹ thì mẹ làm mọi cách để vứt bỏ nó. Mẹ đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống để nuôi tôi lớn khôn và cho tôi tất cả những gì có thể được.

Truyện ngắn: Nhân nào quả nấy

Đầu tuần, tôi cùng đồng nghiệp đi mua ít sách để tặng trẻ em miền núi. Đang chăm chú chọn sách, bỗng nghe có tiếng lọc cọc. Nhìn ra phía cửa, tôi bắt gặp người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, tóc muối tiêu chống nạng đi vào. Sau câu chào, ông hỏi nhân viên mua cuốn sách “Hướng dẫn giải toán violympic lớp 4”. Chọn xong vài cuốn sách cho việc học, ông lấy tiếp mấy cuốn “Nghìn lẻ một đêm”, “Truyện cổ tích Việt Nam”...

Truyện ngắn: Tất cả vì con

Tôi nhìn cách ông lụi hụi hàng ngày và hiểu vì sao người cha này lại âm thầm một cách đầy động lực như thế, cả trong cách ông không nề hà bất cứ phần việc nặng nhọc nào chỉ với một ước mong duy nhất: lúc nào cũng có công trình để người ta kêu mình tới phụ.

Truyện ngắn: Anh thương binh

Tôi rời quân ngũ trở về quê với đôi nạng gỗ nhưng lòng vẫn rộn lên niềm vui vì đất nước, quê hương không còn nỗi ám ảnh của chiến tranh. Vợ tôi đến với tôi trong sự tình cờ. Đó là ngày đoàn thanh niên xã tình nguyện giúp những gia đình thương binh liệt sĩ. Thấy tôi đang đứng trên đôi nạng gỗ cuốc đất, cô ấy thấy thương nên bắt chuyện. Rồi chúng tôi nên vợ, nên chồng bắt đầu từ ngày ấy.
Top