banner 728x90

Tản văn: Đi tìm ký ức xưa

26/03/2025 Lượt xem: 2382

Anh đọc được bài báo viết về phiên chợ đồ xưa, chợt bắt gặp những điều thân quen trong những ký ức đã vẹt mòn thời gian của mình. Và cũng chẳng hiểu sao anh lại lần tìm xuống kho, lục lọi kiếm tìm rồi bần thần với những món đồ xưa tìm lại. Này cây đàn ghi-ta anh mua từ năm 1982 đã theo anh suốt một thời sôi nổi khi vào Nam theo điều động của cơ quan. Này chiếc xe đạp anh mua từ miền Nam, gửi về cho chị ở ngoài Bắc, giá khi ấy bằng cả chỉ vàng, và mãi sau này anh mới biết, người phụ nữ của đời mình đã từng đạp xe hàng trăm cây số cả đi lẫn về ở nơi mình học để về quê vì nỗi nhớ con thơ. Cũng lạ, chiếc xe đạp đi bao ngõ ngách cùng chị, rồi chưa tới chục năm sau lại theo chị trở ngược vào Nam khi đoàn tụ cùng anh ở trong ấy. Anh còn nhớ cả kỷ niệm buồn cười thuở gia đình cư ngụ ở nơi mới này, trong một lần anh đang đi gò cái gàu nước thì bỗng đâu chị hớt hơ hớt hải chạy đến bảo chiếc xe đã bị trộm mất dù chị đã khóa cẩn thận khi vào chợ. Loay hoay thế nào tên trộm lại đến đúng nơi anh gò gàu nước để nhờ mở khóa. Thế là vật lại về với chủ.

Ở một góc khác là chiếc radio cũng đã mấy chục năm tuổi. Đó là tài sản hàng đêm cha anh hay nghe mỗi tối. Ông mất, anh mang theo chiếc radio lên tàu vào Nam. Nó đã bị hỏng lúc nào anh chẳng thể nhớ, nằm in một góc cùng với lớp bụi thời gian. Thay cho nó bây giờ là chiếc radio mới, hiện đại hơn, có cả cổng cắm USB để anh nhờ mấy đứa con chép mấy bài nhạc xưa, thậm chí chèo hay cải lương. Kỷ vật có thể bị lãng quên, thế nhưng anh vẫn giữ thói quen của cha ngày nào, nghe đài mỗi trưa và tối, truyền cả thói quen cho đứa cháu nội mới học lớp 2 hôm nào cũng háo hức nghe chương trình kể truyện cổ tích buổi tối, những câu chuyện thần tiên ru cháu vào giấc ngủ.

Mắt anh lại chạm vào hòn non bộ bằng đá nặng trịch. Chẳng hiểu sao anh lại có thể mang vác món đồ vài chục ký xa cả nghìn cây số từ Bắc chí Nam như thế, đổi lại là cái lưng đau của tuổi về già khi trái gió trở trời. Chẳng có gì giải thích ngoài việc đó là kỷ niệm của người cha già ở quê năm nào, mà trong 6 anh chị em thì anh giống cha nhất, từ tính nết cho đến thể trạng gầy gò, ốm yếu và bệnh tật từ nhỏ.

Còn nhiều thứ nữa mà mắt chạm đến đâu anh cũng thấy hiển hiện lên bao kỷ niệm. Là quyển album đã ngả màu thời gian. Anh lật từng trang, từng trang và bắt gặp bao hình ảnh một thời, bao gương mặt thân yêu của mẹ cha, bạn bè, đồng đội... Thời của số hóa, người ta lưu ảnh trên máy vi tính, trên những chiếc smartphone, quyển album bỗng trở nên thừa, vậy mà có một lúc nào đó lần giở lại, người ta như chạm vào những yêu thương chẳng bao giờ tìm lại được. Đó còn là chiếc đèn dầu nằm in một góc nhỏ trong kho, vật dụng quen thuộc của các gia đình thời chưa có điện. Nó làm anh nhớ tới một thời gian khó, đến lúc xây được cái nhà nho nhỏ xong, mấy tháng sau mới làm được cửa. Và kia nữa, cái thau nhôm bằng tuổi con gái lớn, đến nay cũng đã gần bốn mươi tuổi...

Chợt nghĩ, cũng may các con anh chẳng bao giờ than phiền về đống đồ cũ kỹ ấy, hoặc giả cuộc sống bận rộn khiến chúng chẳng có thời gian để ý tới những vật thừa bị lãng quên qua thời gian. Để giờ đây, anh cũng đã có một phiên chợ đồ xưa nho nhỏ ngay trong nhà mình. Nơi đó, một mình anh tự bán, tự mua khi mỗi đồ vật thay nhau tự kể câu chuyện của mình, trong đó có cả những ngày xưa cũ của anh.

Phúc Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.
Top