banner 728x90

Sáu trọng pháp của người tu

09/07/2024 Lượt xem: 2412

Trọng pháp là pháp quan trọng, người tu cần tôn trọng và gìn giữ trong đời sống tu hành. Người tu ngoài một số ít theo hạnh độc cư, còn lại phải sống trong Tăng đoàn.

Khi đã sống trong một đoàn thể, ngoài giới luật thì mỗi vị cần điều chỉnh bản thân theo sáu trọng pháp để đoàn thể của mình luôn hòa hợp và trong sạch.

Sáu trọng pháp thường được gọi là sáu pháp hòa hợp hay lục hòa. Chúng ta thường biết về lục hòa gồm: Thân hòa cùng ở, miệng hòa không tranh cãi, ý hòa cùng vui, kiến hòa đồng giải, giới hòa cùng tu, và lợi hòa cùng chia sẻ. Pháp thoại dưới đây cũng nói về lục hòa, cần tôn trọng nhưng sâu hơn, chỉ ra cốt lõi của vấn đề. Trong đó tâm từ là một nền tảng quan trọng, yêu thương sẽ sinh ra hòa hợp. Hòa hợp là hoa trái có gốc rễ từ yêu thương, tâm từ.

“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các ngươi hãy suy niệm sáu trọng pháp, kính trọng, tôn trọng, và ghi nhớ mãi ở trong tâm không cho quên mất. Sao gọi là sáu? Ở đây, Tỳ-kheo thân hành niệm từ, như soi gương thấy hình mình, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.

- Lại nữa, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.

- Lại nữa, được các thứ lợi lộc đúng pháp thì nên chia cho các phạm hạnh cùng hưởng, không tưởng tiếc rẻ; pháp này đáng kính, đáng quý, không để quên mất.

- Lại nữa, có các giới cấm không hủ, không bại, cực kỳ hoàn hảo, không sứt, không thủng, được bậc trí quý trọng, lại muốn đem giới này được phân bố cho người khác cũng đồng một vị; pháp này đáng kính, đáng quý không để quên mất.

- Lại nữa, chánh kiến của Hiền Thánh dẫn đến xuất yếu; có kiến giải như vậy, và muốn các vị phạm hạnh đồng tu cùng đồng pháp này, cũng đáng kính, đáng quý, không để quên mất.

- Này Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu trọng pháp này, đáng kính, đáng quý, không để quên mất. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xuyên tu tập các hành vi của thân, miệng, ý; nếu được các thứ lợi dưỡng, cũng nên nghĩ phân đều cho nhau, chớ khởi tưởng tham.

- Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Sáu pháp, phẩm 37-Sáu trọng pháp, kinh số 1)

Tâm từ là một trong bốn Phạm trú (từ, bi, hỷ, xả), là phẩm tính cao thượng của bậc phạm hạnh, của các vị trời Phạm thiên. Với loài người, tâm từ vốn có sẵn nhưng bị các phiền não tham sân chi phối nên cần phát huy, nuôi dưỡng tâm từ. Tập yêu thương không vì mình, trải rộng tình thương đến vô hạn. Yêu thương mà có bóng dáng của tự ngã, vì mình thì đó là ái. Thương bằng tâm ái thì sinh sầu bi, yêu bằng lòng từ thì tự tại và an lạc.

Thân hành niệm từ, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ chính là thân làm việc yêu thương, miệng nói lời yêu thương, ý suy nghĩ điều yêu thương. Khi niệm từ làm căn bản cho thân, khẩu, ý thì tự động thân hòa, khẩu hòa và ý hòa. Thành ra, nếu kêu gọi các thành viên trong Tăng đoàn sống hòa hợp và thanh tịnh mà bản thân không niệm từ và cũng không chỉ ra điều cốt lõi cho đại chúng là cần thắp sáng tâm từ, lấy tâm từ làm nền tảng thì chỉ là nói suông. Mơ về hoa trái mà không vun bồi gốc rễ thì không thành hiện thực.

Giữ giới là một trong những nhân tố quan trọng khiến mọi người ái kính. Trong Tăng đoàn ai cũng giữ giới trong sạch thì hội chúng tự khắc thanh tịnh. Trong những năm đầu thành lập Giáo đoàn Đức Phật không chế giới vì hầu hết đều đắc thiền, chứng Thánh nên thanh tịnh. Về sau Đức Phật mới chế giới cho người tu nương tựa. Nhờ giữ giới mà trong sạch, trong sạch thì tự nhiên hòa hợp. Cần thấy ra sự hòa hợp là hoa trái của giới hạnh trong sạch. Trong đại chúng có người giới kém hay khiếm khuyết quá nhiều thì khó có thể kiến tạo sự hòa hợp.

Khi sống chung trong Tăng đoàn, có chút lợi lộc do Phật tử hộ trì thì cùng san sẻ với nhau. Luật tạng đã quy định chi tiết về việc này. Ngày nay, một số người chủ trương xử lý lợi ích của chúng Tăng không dựa vào Luật nên không tạo ra hoan hỷ, dễ dẫn đến bất hòa đối với người thiếu kham nhẫn.

Kiến hòa đồng giải không chỉ là cùng thảo luận để đồng nhất quan điểm mà chính là “chánh kiến của Hiền Thánh dẫn đến xuất yếu”, là làm sáng tỏ con đường đúng đắn dẫn đến các đạo quả. Việc này cần đến các bậc trưởng thượng thông suốt pháp học và có kinh nghiệm sâu về pháp hành. Bất hòa về quan điểm tu hành là một thực tiễn mà Đức Phật đã cảnh báo qua câu chuyện “Người mù sờ voi”. Vì thế kiến hòa rất quan trọng, cần thấy rõ về ảnh dụ “Trăm sông đều xuôi về biển cả” để cảm thông, tôn trọng các lập trường tu tập chỉ vì căn cơ khác biệt.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

 

 

Tags:

Bài viết khác

Oai nghi của người tu

Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.

SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẠO PHẬT

Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế độ đẳng cấp bất bình đẳng. Đạo Phật ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các trào lưu tôn giáo, triết học nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại và được coi là một trong những học thuyết xã hội chống lại sự bất công trong xã hội đương thời.

Phật giáo mô tả về vũ trụ như thế nào? (P1)

Cách đây hơn 2000 năm trong một số kinh điển Phật giáo, ví dụ điển hình là kinh Nikaya, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa đã có các mô tả về vũ trụ khá phù hợp với kết quả quan sát của thiên văn học hiện đại.

Phật giáo mô tả về vũ trụ như thế nào? (P2)

Phần này chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những điều kinh ngạc hơn nữa. Đức Phật đã ngược dòng thời gian mô tả chính xác về sự hình thành của vũ trụ phù hợp với thuyết Big Bang (theo thuyết này được cho là khoảng 14 tỷ năm) và các học thuyết về sự hình thành sự sống theo thuyết tiến hóa.

Một vài đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với văn hóa dân tộc

Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang ra sức đẩy mạnh toàn diện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, việc phát huy những giá trị văn hóa của Phật giáo cho công cuộc xây dựng đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Top