banner 728x90

PHÓNG SỰ: Tôi đi cà phê vườn (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

04/04/2024 Lượt xem: 2470

Một buổi tối chủ nhật cuối năm, trong vai một đôi tình nhân, tôi rủ cô bạn gái đồng nghiệp nhỏ tuổi, mới từ xa tới đi cùng để thâm nhập vào lãnh địa cà phê vườn. Từ quốc lộ 51, qua một bãi đất trống thuôc địa bàn xã Tân Phước ,huyện Tân Thành, không khó khăn gì, chúng tôi đã nhận ra ngay một dãy quán cà phê vườn bởi những dây đèn xanh đỏ nhấp nháy, đan chéo nhau chằng chịt, lúc ẩn lúc hiện.

Đặc điểm để phân biệt các quán cà phê vườn với các quán cà phê khác là những vườn cây rậm rạp. Từ cổng quán đi vào phía trong tôi có cảm giác ánh sáng như đang yếu dần. Men theo con đường có dải đèn nhấp nháy, tôi chở cô bạn gái chạy thẳng vào một khu vườn rộng mênh mông. Sau vài phút đứng tại chỗ định thần cho quen mắt, tôi từ từ nhận ra những chiếc lều nhỏ lợp lá nhấp nhô sau những lùm cây. Dò dẫm một lúc, tôi và cô bạn cũng tìm được một chiếc lều bỏ không. Tôi nhận ra những chiếc lều đã có người ngồi là nhờ vào tiếng thì thào và những đốm lửa thuốc lá cháy lập loè. Ngay lập tức, chị phục vụ cầm chiếc đèn pin bé bằng ngón tay tiến đến hỏi nhỏ: “Anh chị dùng gì? Cà phê, cam vắt, nước dừa hay cô ca cô la?...”

Có thể dễ dàng nhận thấy, những người tìm đến nơi đây ít ai chú ý đến việc chọn đồ uống. Lại càng không phải chỗ để thưởng thức đánh giá chất lượng nước giải khát hay nhâm nhi thưởng ngoạn một ly cà phê ngon. Mục đích của họ là tìm một chỗ ngồi. Đúng hơn là tìm một chỗ ngồi kín đáo để tâm sự. Chính vì vậy mà việc uống gì không quan trọng. Giá cả giữa các loại đồ uống ở đây chênh nhau không bao nhiêu. Ai đến đây cũng đều phải tự hiểu rằng, họ trả tiền là để mua một chỗ ngồi chứ không phải đến để uống nước.

“Cà phê và cam vắt” – Tôi kêu đại.

Sau khi thanh toán 30 ngàn đồng tiền nước cho chị phục vụ xong, tôi và cô bạn an toạ trên chiếc ghế bố. Có thể nói, lúc này  chủ và khách hồn ai nấy giữ. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng “Đốp”. “Gì thế?” – Tôi quay sang cô bạn hỏi. “Muỗi anh ạ! Anh nhớ đập muỗi nhé! Muỗi ở đây đốt đau lắm.”

 Tôi ngắt một cành cây bên cạnh, đưa cho cô bạn gái để đuổi muỗi. Một ý nghĩ hài hước chợt loé lên trong đầu : “Nếu như tình yêu làm cho người ta quên đi muỗi đốt, thì nơi đây sẽ là cơ hội lý tưởng để thử thách tình yêu”. Nhấp một ngụm nước, tôi ngả người trên chiếc ghế bố vừa quan sát xung quanh, vừa suy nghĩ kế hoạch phòng chống muỗi đốt… Bất chợt tôi nghe thấy tiếng cười rúc rích phát ra từ lùm cây bên cạnh, tiếng ghế bố kêu kèn kẹt và tiếng thở. Trong đêm tối, tôi vẫn nhận ra khuôn mặt cô bạn tôi đỏ bừng vì mắc cỡ. Tiếp đó, ánh đèn pin loé lên và tiếng chị phục vụ hỏi: “Anh chị nào kêu sữa tươi không đường không đá?” – Phía cuối buông một giọng khàn khàn từ một lùm cây tối om: “Mang vào đây”. Cả một khu vườn rộng tối thui, chi chít các lùm cây, làm sao nhớ nổi ai kêu cái gì mà mang đến, vì vậy suốt buổi tối thỉnh thoảng tôi lại nghe điệp khúc : “Anh chị nào cam vắt, anh chị nào sữa tươi, anh chị nào nước dừa, anh chị nào cô ca cô la…”

Đến cà phê vườn với hy vọng để đổi lấy một thế giới riêng thì bạn lại khó chịu bởi những tiếng thì thầm. Dù bạn nói thật nhỏ thì ít nhất cũng có khoảng năm sáu lùm cây bên cạnh nghe thấy. Thế là suốt buổi tối, xen giữa tiếng gọi của chị phục vụ là tiếng rì rầm như họp chợ đêm. Ở một lùm cây phía sau, một đôi trai gái thì thào : “ Hôm nọ 3 thằng ở nhà em về gặp anh, đụng xe té cái “rầm”. Trời! Có sao không? Không. Mấy thằng đó mà còn mò đến tán tỉnh em thì sẽ có ngày… về âm phủ. Đấy mới là cảnh cáo thôi – Đưa anh cái dép…”

Ở một lùm cây xa hơn thì : “Anh ăn đi! Há mồm ra nào… khỏi ! Rớt tèm lem nè… thôi đi… hì hì…”.

Bên trái ở một cái chòi khác, tôi nghe thấy giọng một thiếu niên nam: “Hôm trước chạy xe bị bắn tốc độ, lại không có bằng lái nên bị giam xe rồi”, “Thế xe này của ai?”, “Mượn của phụ huynh”, “Sao không nộp phạt lấy xe?”, “Bỏ luôn. Mua cái mới”, “ Xạo!”, “Không tin à?”, “Giấy mua xe nè!”, “Trời! Giàu thế!”, “Chuyện nhỏ” , “Bà già hứa thi đậu tốt nghiệp sẽ thưởng cái nữa...”.

Hơn một tiếng đồng hồ qua đi chậm chạp, không thể ngồi lâu hơn, tôi và cô bạn gái ra về không khỏi giật mình băn khoăn lo lắng khi nhận ra rằng, nơi đây còn có cả bóng dáng các cô cậu học trò. Hôm trước, một cậu học sinh con một chủ doanh nghiệp tư nhân khoe với tôi: “Ở nhà, cháu bị phụ huynh quản lý chặt lắm. Bạn gái cháu đến chơi, gặp nhau cũng chẳng nói được chuyện gì. Đi chơi ngoài đường thì sợ đụng thầy cô. Vì thế, bọn cháu phải vào đây mới có chỗ mà tâm sự…”. Quả đúng như vậy, chỉ cần vài chục ngàn đồng là những người yêu nhau có thể đến các quán cà phê vườn ngồi thoải mái. Muốn ngồi bao nhiêu tiếng đồng hồ cũng được. Chính vì vậy mà có không ít các cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3, cũng dắt nhau đến đây “tìm hiểu”. Họ làm gì sau các lùm cây kia thì chỉ có trời mới biết. Có thể đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cô gái trẻ vị thành niên phải làm mẹ sớm hoặc phải tìm đến các dịch vụ nạo phá thai.

Có thể nói những năm qua, cùng với tốc độ đô thị hoá, các dịch vụ ăn theo ở huyện Tân Thành cũng phát triển mạnh, trong đó đáng báo động là các quán cà phê vườn. Tuy nhiên những năm gần đây, do các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm mạnh tay, kiểm tra gắt gao, xử phạt các quán sử dụng tiếp viên không đăng ký tạm trú, tạm vắng, hoặc các quán cà phê đèn mờ không đủ ánh sáng, vì vậy nhiều quán đã phải ngưng hoạt động.

Vì cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, những người kinh doanh dịch vụ này chỉ đơn thuần nghĩ đến việc kiếm tiền, thu lợi nhuận. Họ không hề nghĩ đến những mặt trái, những tác hại sâu xa nảy sinh từ loại hình dịch vụ này. Chủ một quán cà phê  vườn tâm sự : “Mới đầu tôi không biết, dựng quán lên tốn cả tiền triệu để mắc điện. Chẳng có khách nào thèm đến. Sau đó tôi tháo hết điện đi, giờ mới đông như thế đấy…”.

Một số người dân địa phương ở gần khu vực này cho biết : “Những quán cà phê vườn ở đây còn là điểm hẹn để gái làng chơi đi khách. Ban ngày họ ngủ tại các nhà trọ gần đó, tối đến tụ tập ở đây. Khách đến, thoả thuận giá cả xong là họ chở nhau đi chỗ khác thuê phòng. Nhiều chuyện lắm! Quán này gây lộn quậy phá quán kia vì ganh ăn. Có mấy ông ham của lạ còn bị vợ đánh ghen ầm ĩ”.

Điều kinh khủng nhất là bọn chích hút thường tìm đến nơi này để “phê”. Một anh bạn trong đội 814 của xã kể cho tôi nghe: “Một lần đi kiểm tra vào lúc sáng sớm, chúng tôi phát hiện thấy có cả kim tiêm và bao cao su vứt bừa bãi dưới đất mà chủ quán chưa kịp dọn. Hú vía! Tôi nổi da gà khi nghĩ đến tối hôm đó, không may dẫm phải một cái kim tiêm của một con nghiện nhiễm HIV?!

Ở khía cạnh văn hóa, các quán cà phê vườn còn làm mất đi vẻ đẹp mỹ quan ở khu dân cư. Ban ngày đến đó, sẽ thấy bên ngoài mỗi quán được chăng bằng dây thép gai chằng chịt, một số lều còn được quây bằng cót ép xung quanh, trông giống như một cái chuồng heo.

Có thể khẳng định rằng, việc kiểm tra, xử phạt các loại hình kinh doanh dịch vụ này, chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc để giải quyết căn cơ lâu dài vấn đề này là công tác tuyên truyền vận động, để người dân tự ý dẹp bỏ, chuyển đổi sang kinh doanh các lĩnh vực khác.Mặt khác, cần xây dựng công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí của người lao động, hay phát triển  các khu du lịch sinh thái hấp dẫn, an toàn, lịch sự. Đây mới chính là “phương thuốc” quản lý nhà nước hữu hiệu nhất để “điều trị bệnh” đối với loại hình dịch vụ này .

Được biết, trong tương lai không xa, huyện Tân Thành sẽ có hai địa điểm được tỉnh đầu tư xây dựng khu dịch vụ du lịch là Bàn Thạch (thị trấn Phú Mỹ) và Tân Phước ( xã Tân Hòa) với diện tích khoảng 70 héc ta nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người lao động trong các khu công nghiệp và thủy thủ tàu biển. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng một dự án có tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng không phải là chuyện một sớm một chiều ./.

Đào Quốc Thịnh

(Đăng trong Tạp chi Sức Khỏe BR-VT Xuân Đinh Hợi 2007)

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top