banner 728x90

Nguồn gốc nguyên thủy từ Ấn Độ của Phật giáo Việt Nam

22/01/2025 Lượt xem: 2386

Phật giáo là một trào lưu triết học - tôn giáo xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 trước công nguyên ở bắc Ấn Độ. Người sáng lập ra hệ thống triết học - tôn giáo này là Tất Đạt Đa (Siddhatha), thái tử của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thuộc bộ tộc Sakiya. Vị thái tử này (khoảng 563-483 trước công nguyên) đã từng theo học các tu sĩ Bà La Môn từ năm lên bảy, kết hôn năm 16 tuổi, mười ba năm sau đó sống trong cuộc đời vương giả, nhưng trong một đêm tháng Hai năm vừa tròn 29 tuổi, đã lặng lẽ rời hoàng cung đi tìm chân lý. Trải qua sáu năm với những phương pháp tu luyện ép xác nhưng không đạt được chánh đạo, nhưng chỉ sau 48 ngày nhập định, Tất Đạt Đa ngộ rõ căn nguyên sinh thành, biến hóa của vũ trụ, căn nguyên của những khổ đau, và đề ra phương pháp diệt trừ nỗi khổ đó cho chúng sinh, bằng học thuyết “Nhân duyên sinh” và triết lý “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên”, “Bát chánh đạo”. Con người này đã đưa ông trở thành đức Phật Thích Ca đầy uy nghiêm tinh thần trong đời sống của người phương Đông hết thế hệ này đến thế hệ khác.

 

Giáo lý nhà Phật tuy có nhiều tông phái khác nhau, nhưng tựu trung những điểm được đề cập sau đây vẫn là những nền tảng cơ bản. Thế giới, vũ trụ, theo quan niệm Phật giáo, là luôn vận động, biến đổi, các biến đổi diễn ra nhanh như chớp mắt, và thế giới thì không có trước, không có sau, vô thủy, vô chung. Đó cũng chính là lẽ vô thường, tức không có gì là tồn tại cố định, mà có đó, mất đó. Con người cũng thuộc dòng chảy không ngừng đó, nên không gì là bản thân ta cả, tức vô ngã. Những biến đổi này, nói theo ngôn ngữ hiện đại, là do tự thân vận động, không xuất phát từ bên ngoài, mà từ lẽ nhân duyên, theo luật nhân quả, nghiệp báo. Tùy thuộc vào nghiệp báo mà biến đổi của các sinh linh diễn ra trong cõi phàm và siêu phàm, hoán chuyển từ cõi này sang cõi kia, đó là luân hồi. Nhân sinh quan Phật giáo xuất phát từ quan niệm cho rằng đời là bể khổ, và nguyên nhân của nó là sinh, lão, bệnh, tử, là những ham muốn nhục dục, xuất phát từ sự che lấp trí tuệ bởi ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức), làm cho ta cố chấp trong việc phân biệt cái ta và cái khác ta, dẫn đến thái độ “ngã chấp”, trọng cái ta, khiến con người ta vô minh. Muốn thoát khỏi bể khổ thì phải diệt dục, nhẫn nhục, từ bi, hỉ xả, hy sinh, đi theo con đường của bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mệnh, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định. Những giáo lý mang nặng tính triết lý, đạo đức này đã có một ảnh hưởng sâu rộng lên phong tục, tập quán, văn hóa, văn minh của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam ta.

Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta ở những bước căn bản đầu tiên thật ra không phải xuất phát từ Trung Hoa, mà chính là được truyền sang trực tiếp từ Ấn Độ. Dựa trên những chứng liệu lịch sử đáng tin cậy, một số nhà nghiên cứu chuyên sâu, có uy tín về Phật giáo đã khẳng định điều này. Quốc gia Âu Lạc đã bị Nam Việt của Triệu Đà thôn tính vào năm 179 trước công nguyên, và lập thành quận Giao Chỉ. Năm 110 trước công nguyên, Nam Việt trở thành nội thuộc của nhà Hán, Giao Châu theo đó mà cũng quy về, và được chia thành hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân.

Trên lãnh thổ của nhà Hậu Hán, sau đó đã tồn tại ba trung tâm Phật giáo là Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Sử liệu cổ của Trung Hoa cũng không ghi nhận được rõ ràng sự hình thành của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, chỉ có Luy Lâu thuộc Giao Chỉ là được xác định rõ ràng và sớm nhất, và còn là bàn đạp cho việc hình thành hai trung tâm kia.

Từ nửa sau thế kỷ thứ hai, Luy Lâu đã tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh. Điều này cho thấy việc du nhập Phật giáo vào Giao Châu là rất sớm, có lẽ từ đầu công nguyên.

Vào đầu công nguyên, Ấn Độ đã có được sự giao thương mạnh mẽ với Trung Đông, và gián tiếp với vùng Địa Trung Hải, do đó họ cần có một nguồn cung cấp nguyên vật liệu, vật phẩm cho sự giao thương này. Họ giong buồm, theo gió mùa tây nam mà đi về đông. Họ đến Giao Chỉ, rồi có thể từ Giao Chỉ mà lại theo tiếp đường biển hay đường bộ vào trong nội địa Trung Hoa. Trong khi đợi gió mùa đông bắc để quay về Ấn, sự lưu trú của số thương gia này đã lan truyền dần những nét văn hóa Ấn Độ, trong đó có việc thờ cúng Phật, tụng kinh… Những tăng sĩ mà các thương nhân đem theo trên thuyền buôn nhằm làm công việc cầu khấn sự phù trợ của đức Phật, là những người đã trực tiếp truyền bá Phật học và lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

Một số chứng liệu, lập luận đáng chú ý khác cũng củng cố nguồn gốc khởi thủy sớm sủa từ Ấn Độ của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo Trung Hoa. Theo đó thì vào thời kỳ nhà Hán, Khổng và Lão giáo, đặt biệt là Khổng giáo, đã rất mạnh, giới trí thức Khổng, Lão đã chống lại Phật giáo, một luận thuyết tỏ ra khá xa lạ với những chuẩn mực đạo đức, xã hội của Khổng, Lão. Do đó mà Phật giáo rất khó để có thể thâm nhập. Người Hán muốn đưa Phật giáo vào, sau đó đã phải mượn thuyết “hóa Hồ” để dễ dàng hơn trong việc thực hiện công việc này. Trong khi đó, ở Giao Châu, Phật giáo xem ra rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian, nên việc thâm nhập không gặp trở ngại, mà lại còn dễ dàng và nhanh chóng.

Vào thời đó, dù từ Trung Hoa đã có con đường bộ đi đến Ấn gần hơn đường biển, nhưng con đường xuyên qua Trung Á lại chứa đựng nhiều hiểm nguy, và đường biển lại là con đường an ninh hơn, không có núi non, sa mạc, hay cướp bóc, giết chóc. Bằng chứng là vào đầu thế kỷ thứ tư, con đường bộ đã dễ đi hơn, nhưng đến cuối thế kỷ này, Pháp Hiển mới từ Trung Hoa sang Ấn, và đến tận thế kỷ thứ bảy, Huyền Trang đã phải trải qua không biết bao nhiêu gian nan mới đi trọn vẹn con đường.

Ngoài ra còn có hai chứng liệu rất quan trọng cho nguồn gốc rất sớm của Phật giáo Việt Nam. Thứ nhất, tập luận thuyết Phật giáo đầu tiên bằng Hán tự, Lý hoặc luận của Mâu Tử (165- 170) đã được viết ở Giao Chỉ, chứ không phải ở một nơi nào khác sâu trong nội địa Hán. Thứ hai, vào thế kỷ thứ hai, ở Giao Chỉ đã có một tăng đoàn đến 500 vị và khoảng 15 bộ kinh, trong khi đến thế kỷ thứ ba ở Hán mới có tăng đoàn.

Theo daophatngaynay.com 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Ý nghĩa các cấp bậc trong Phật giáo

Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng đều là những từ tôn xưng để tỏ lòng tôn kính, tôn trọng đối với một vị tu sĩ Phật giáo có trí tuệ, đức độ. Để hiểu rõ hơn về tôn xưng này chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Các vị Phật và Bồ tát trong Phật giáo

Trong đạo Phật, quan niệm về Phật và Bồ Tát không chỉ dừng lại ở một cá thể duy nhất, mà còn mở rộng và đa dạng hơn rất nhiều. Theo giáo lý Phật giáo, trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, có vô số các vị Phật và Bồ Tát tồn tại khắp nơi trong vũ trụ. Mỗi vị Phật và Bồ Tát đều có hình tướng và những hạnh nguyện riêng, nhưng tất cả đều chia sẻ lòng từ bi vô hạn đối với chúng sinh và cam kết đem lại lợi ích cho tất cả mọi loài.

Nguồn gốc và ý nghĩa của tràng hạt trong Phật giáo

Cũng như chuông, mõ, tràng hạt là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện tu tập của Phật giáo. Trong Phật giáo, mọi hình thức pháp khí hay vật thể đều là những phương tiện. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà người ta bày ra. Dĩ nhiên, mỗi một hình thức của một vật thể đều có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của nó.

Pháp lễ chùa Phật

Đi chùa, dâng hương, lễ Phật là một trong những pháp tu căn bản của hàng Phật tử tại gia. Hàng xuất gia cũng nhờ lễ Phật mà nghiệp chướng tiêu trừ, công đức tăng trưởng, thành tựu đạo nghiệp.

Vị trí và vai trò của Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong xã hội Việt Nam

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, những ông vua có tinh thần yêu nước rất cao này rất cần đến sự giúp đỡ, sự hiểu biết của tầng tri thức, để có thể đối đầu thắng lợi chống lại bọn xâm lược Trung Quốc. Các nhà sư và Nho sĩ là những người có văn hóa lúc bấy giờ.

Sự du nhập từ Phật giáo phương Bắc

Từ thế kỷ thứ ba, Phật giáo tại Giao Châu vẫn tiếp tục tự phát triển mạnh mẽ, với sự xuất hiện của Tăng Hội (? - 280) và tư tưởng thiền của ông. Ông không những là sáng tổ của Thiền học Việt Nam, mà còn là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa (Tăng Hội đã ở trên đất Ngô từ năm 255 đến 280).

Phật giáo ở giai đoạn đầu du nhập vào Việt Nam

Trên đất Giao Chỉ vốn đã hình thành một nền tín ngưỡng bản địa. Đối với người dân nơi nàỵ, Ông Trời là một đấng ở trên cao, thấu hiểu mọi việc, biết rõ người tốt kẻ xấu, từ đó mà phù giúp người hiền, trừng phạt kẻ ác. Quan niệm này khiến cư dân Giao Chỉ dễ tiếp nhận thuyết nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật.

Các ngày lễ quan trọng trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy

Đa số Phật tử đều quen thuộc với các ngày lễ trong truyền thống Phật giáo Đại thừa (Mahayana). Dưới đây là tóm lược các ngày lễ chính trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).
Top