banner 728x90

Ngày nào cũng tốt, giờ nào cũng thiêng

28/03/2024 Lượt xem: 2440

Đầu năm đi lễ chùa cầu nguyện và cúng dâng sao giải hạn là một tập tục tồn tại đã từ lâu và ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Đặc biệt là vào những ngày cận rằm tháng Giêng, người người, nhà nhà hoặc rước thầy về làm lễ tại gia, hoặc chen chân đến các đền, chùa thiêng để đăng kí làm lễ dâng sao giải hạn, cầu xin các đấng thần linh che chở, mang nhiều điều tốt lành, bớt các rủi ro, tai nạn...

Phong tục này bắt nguồn từ Đạo giáo của Trung Quốc. Song khi du nhập vào nước ta, nó sớm ăn sâu bám rễ trong đời sống tâm linh người Việt.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng - tác giả bài viết (bìa phải) - trong giao lưu chia sẻ về duyên lành được khai thị kể từ khi gặp Thiền sư Nhất Hạnh, nhân lễ Đại tường của ngài, diễn ra cuối tháng 1/2024

Quan niệm sao, hạn của người Á Đông

Người Á Đông quan niệm rằng: tùy theo sự vận chuyển của ngũ hành, tùy theo từng năm mà mỗi người sẽ có một vì sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 vì sao chia nhau cai quản con người và tám niên hạn. Chín vì sao đó là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hán. Tám niên hạn là: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Địa Võng, Diêm Vương. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải nhiều chuyện không may như ốm đau, bệnh tật, tai nạn, làm ăn thua lỗ, mất tiền, mất của… Dân gian gọi là vận hạn. Sao xấu nhất, mang đến vận hạn nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”. Trái lại, năm nào gặp sao tốt thì sức khỏe dồi dào, công danh thăng tiến, làm ăn phát đạt, gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Theo tín ngưỡng dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh trên chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng. Ví như sao Thái Dương xuất hiện vào ngày 27 (âm lịch) hàng tháng. Sao Thái Âm xuất hiện ngày 26. Sao Mộc Đức ngày 25. Sao Vân Hán ngày 29. Sao Thổ Tú ngày 19. Sao Thái Bạch ngày 15. Sao Thủy Diệu ngày 21. Sao La Hầu ngày mồng 8. Và sao Kế Đô ngày 18.

Lễ nghênh, tiễn các sao vì thế sẽ được tiến hành vào đúng những ngày đó. Mặc dầu vậy, vào ngày rằm tháng Giêng, dù sao tốt hay xấu chiếu mệnh, người ta vẫn sắm sanh đầy đủ lễ vật rồi rước thầy làm lễ tại nhà hoặc tại chùa với mục đích cầu xin thần sao phù hộ độ trì cho thân chủ và gia đình, con cháu điều lành mang đến, điều dữ mang đi, thân tâm an thái, công việc hanh thông, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, an khang và thịnh vượng.

Nhiều người hỏi tôi, tục dâng sao giải hạn bắt nguồn từ Đạo giáo của Trung Quốc chứ không phải từ đạo Phật. Vậy tại sao nhiều năm nay, rất nhiều ngôi chùa ở Việt Nam lại tổ chức rầm rộ nghi thức này?

Theo tôi, đạo Phật khi du nhập đến từng quốc gia sẽ hòa nhập với văn hóa bản địa của từng vùng miền sao cho phù hợp nhất. Việt Nam cũng vậy. Do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa, trong đó có Đạo giáo, đạo Nho mà cả ngàn năm trước, đại đa số người dân Việt đã làm lễ cúng sao tại nhà. Đến thời Pháp thuộc, nghi lễ này bị cấm đoán nên người dân đã đến chùa nhờ các thầy tu cúng. Trong Phật giáo có lễ cầu an, cầu phúc cho dân đầu năm nên các vị tu sĩ đã kết hợp, gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng mà tổ chức các buổi lễ theo đúng nghi thức thuần túy Phật giáo, để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác.

Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh niệm Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng. Song tại một số chùa, các quý thầy chưa giải thích rõ ràng về điều này để các Phật tử hiểu thấu đáo, tránh đi vào mê tín dị đoan. Cho nên đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều người đổ đến các chùa làm lễ giải hạn như một trào lưu. Và tệ hơn, nhiều chùa đã biến đây thành cơ hội để kiếm tiền.

Học Phật nghiêm túc, chuyển hóa sợ hãi sao hạn

Trước đây tôi đã từng tin, rất tin vào sự ảnh hưởng của các sao đến vận mệnh con người. Vì thế, hàng năm, đã tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian và công sức cho nghi lễ ấy. Nhưng sau này, khi biết đến đạo Phật, hành trì theo theo Chánh pháp, trí tuệ được khai mở, tôi đã dừng lại. Đó có thể coi là một trong những bước ngoặt lớn nhất của đời tôi. Bước ngoặt đưa tôi đến sự vững chãi, thảnh thơi, tự do, an lạc và hạnh phúc.

Ngày trước, khi chưa hiểu đúng Đức Phật là ai, mỗi khi lên chùa, nhìn thấy Phật, tôi cứ thấy sờ sợ, rờn rợn, đến độ, nhỡ có ho khan, hắt hơi một tiếng, cũng sợ Phật quở phạt. Nhưng bây giờ, khi hiểu đúng Đức Phật là ai, tôi thấy Phật thật gần gũi, kính yêu như cha mình, mẹ mình, gần gũi đến độ mỗi khi mệt mỏi, tôi muốn gục đầu vào tay Phật, vùi đầu vào lòng Phật.

Ngày trước, khi chưa hiểu đúng Đức Phật là ai, cứ tưởng Đức Phật là vị thần linh có phép thuật muôn màu, mỗi tháng 2 lần, vào ngày rằm và mồng một, dù bận rộn đến đâu, tôi cũng phải gắng lên chùa lễ Phật. Dâng lên bàn thờ Phật chút “lễ bạc” mà “tâm thành” của tôi cầu xin Ngài đủ thứ: nào sức khỏe, nào bạc tiền, nào công danh, nào tình ái... Sau này, khi hiểu đúng Đức Phật là ai, Đức Phật không phải là đấng thần linh tối thượng có muôn ngàn phép thuật, khi nào thật rảnh rỗi, thảnh thơi, tôi mới lên chùa. Dâng lên bàn thờ Tam bảo một nén hương thơm, tôi cũng dâng lên ngài hương của Niệm, hương của Định, hương của Tuệ... do tôi tự chế tác.

Ngày trước, khi chưa hiểu đúng về Luật nhân quả của đạo Phật, cứ đầu năm là tôi lại tất tả rước các thầy đến nhà làm lễ dâng sao, giải hạn. Vàng mã chất đầy sân, đốt đùng đùng. Tâm vẫn chưa yên, tôi còn táo tác tìm đến các ngôi chùa nổi tiếng về cúng sao giải hạn, chen lấn, xô đẩy trong biển người nườm nượp, những mong các sư thầy giải trừ hết vận đen.

Sau này, khi tôi biết, Tam tạng kinh điển Phật giáo không hề đề cập đến việc cúng sao giải hạn, Đức Phật cũng chưa hề dạy đệ tử về việc này. Ngài chỉ dạy rằng: tất cả HỌA và PHÚC đều là do NHÂN QUẢ mà thành. Bởi vậy, muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt. Từ bấy, tôi luôn tích cực thực hành chánh niệm để mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm... không gây những khổ đau, tủi hờn, bạo động cho mình, cho người mà chỉ mang đến những hiểu biết và thương yêu, nhờ đó, tâm mình an, tâm mình lạc.

Ngày trước, giống như nhiều người, tôi cũng sợ đủ thứ, kiêng kỵ đủ thứ. Nhưng sau này, khi nghiên cứu về tâm linh, hiểu đúng chánh pháp, tôi đã vượt ra ngoài tất cả những kiêng kỵ, sợ hãi ấy. Với tôi, bây giờ, ngày nào cũng tốt, giờ nào cũng tốt. Tốt hay xấu là phụ thuộc vào chính mình. Nếu mình có tuệ giác, có lòng từ bi, khi đó, mình sẽ có cái nhìn đúng, nghĩ đúng, hành động đúng. Thành công hay thất bại, tốt hay xấu, khi đó, phụ thuộc vào chính mình.

Những ai chơi thân với tôi đều biết, từ nhiều năm nay, tôi không còn vướng chấp vào chuyện ngày giờ tốt xấu hay những điều kiêng kỵ trong dân gian mang màu sắc mê tín. Tất cả những việc lớn nhỏ, từ mua nhà, tậu xe, ra mắt sách, tổ chức các đêm nhạc thiện nguyện..., đều do tôi quyết định, mặc dầu tôi chơi thân với rất nhiều các nhà ngoại cảm, tử vi, kinh dịch, phong thủy... Tất cả mọi việc, tôi đều dùng trí tuệ của mình và đôi khi, tham khảo trí tuệ của người khác, để quyết định.

Ví dụ như việc mở cửa Hiên trà Trường Xuân của tôi vào ngày đầu năm mới. Khoảng 20 năm nay, năm nào tôi cũng mở cửa Hiên trà vào ngày mồng 5 Tết. Một số người đã lo lắng hỏi tôi: “Sao anh Sướng không chọn ngày mồng 6 mà lại là mồng 5. “Mùng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi còn lỗ huống là đi buôn”. Cổ nhân đã lưu truyền câu nói đó tự ngàn năm. Là người nghiên cứu tâm linh, anh Sướng không biết hay sao?”. Xin thưa! Tôi có biết. Tôi cũng biết người đời rất sợ con số 13 (trong khi Hiên trà Trường Xuân ở 13 phố Ngô Tất Tố) và còn sợ muôn vàn thứ khác. Ngay tòa chung cư cao cấp tôi đang ở cao 34 tầng, người ta cũng kiêng con số 13, 14. Vì thế, thay bằng tầng 13, 14, chủ đầu tư ghi thành tầng 12A, 12B. 

Năm 2017, tôi có mua một căn hộ tại tòa nhà đó và quyết định nhận căn hộ đúng vào chiều rằm tháng Bảy âm lịch. Cả nhà ai cũng phản đối. Chị gái tôi sợ hãi, nước mắt lưng tròng, bảo: “Cậu đang có nhà 3 tầng ở rồi. Có cần gấp đâu mà phải nhận căn hộ vào ngày xá tội vong nhân”. Nhưng tôi vẫn cứ nhận. Thứ nhất là bởi đó là ngày cuối tuần nên tôi có thời gian rảnh rỗi. Thứ hai là bởi hầu hết mọi người đều sợ ngày đó, thậm chí, sợ cả tháng đó, nên không ai dám nhận nhà. Vì thế, nhân viên của tòa nhà có thời gian chăm sóc tôi kỹ lưỡng, săm soi giúp tôi từng lỗi nhỏ. Trong khi, nhiều người, chờ đến tháng Tám âm lịch mới nhận nhà. Vì quá đông người nhận nên nhân viên họ không chăm sóc chu đáo. Nhiều người kêu la như cháy nhà. Sau này, để ý quan sát thấy tôi nhận nhà vào rằm tháng Bảy mà sức khỏe ngày càng tốt, công việc ngày càng hanh thông, hạnh phúc ngày càng tăng trưởng, một số người bảo tôi: “Anh Sướng khôn thế! Cả tháng Bảy, có mình anh nhận nhà nên được chăm sóc hơn ông Hoàng”.

Trong tâm có Phật, mọi sự an yên. Ảnh minh họa

“Hải đảo tự thân”

Thực sự, khi vượt thoát khỏi những sợ hãi, kiêng kỵ ấy, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc của sự tự do. Tôi vẫn thường bảo với những người thân: “Nếu việc xem ngày giờ tốt là có thật, nếu xem việc hợp tuổi, hợp mệnh là có thật thì ai cũng giàu có, thành công, hạnh phúc hết. Đâu có cảnh 10 cửa hàng kinh doanh mở cửa thì sau 1 năm, 7-8 cửa hàng đóng cửa. Đâu có cảnh các cặp vợ chồng trẻ ly hôn nhiều như bây giờ. Bởi vậy, Đức Phật luôn chỉ dạy chúng ta phải trở về với hải đảo tự thân, phải nương tựa vào hải đảo tự thân. Hạnh phúc, thành công chỉ thực sự đến với những ai biết trở về, biết nương tựa vào chính mình.

Bây giờ là tháng Giêng - mùa của cúng bái, cầu xin, mùa của dâng sao, giải hạn. Vào cữ này hàng năm, đến nhiều chùa thấy cảnh khói hương nghi ngút, nườm nượp dòng người chen lấn, xô đẩy, xì xụp khấn vái. Nhìn mặt ai cũng thấy căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Thật khó tìm được chút thanh tịnh chốn thiền môn.

Cầu mong ai cũng có một vị Phật vững chãi trong Tâm để quay trở về “hải đảo tự thân”, nương tựa vào chính mình, để không phải hớt hải, hoang mang, chen lấn, xô đẩy, giao tính mạng mình, tương lai của mình vào một thế giới huyền bí, xa xăm nào đó.

Cầu mong cho tất cả mọi người tâm luôn an để thế giới an. Tâm luôn bình để thế giới bình.

Tags:

Bài viết khác

Chùa Hang – Nơi Phật giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam

Chùa Hang nằm ở khu 1 thuộc phường Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo các tài liệu nghiên cứu thì chùa được một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc (có tài liệu ghi là người Ấn Độ) đã đến cư trú tại hang và mở chùa này vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.

Nguồn gốc và ý nghĩa lá cờ Phật giáo

Từ quốc gia cho đến các tổ chức trong xã hội, đều phải có một biểu tượng, cờ chính là một trong những biểu tượng. Phật Giáo không nằm ngoài quy ước đó. Cờ Phật giáo là một lá cờ được thiết kế vào cuối thế kỉ XIX nhằm tượng trưng và đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo và được tất cả Phật tử trên khắp thế giới sử dụng.

Ảnh hưởng của đạo Công giáo đến nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc và văn học

Đạo Công giáo đã có một ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ kiến trúc nhà thờ tráng lệ, hội họa tôn giáo, âm nhạc cổ điển đến những tác phẩm văn học kinh điển.

Tứ đại thiên vương trong đạo Phật

Tứ đại thiên vương được xem là những người canh giữ thượng giới, bảo vệ nhân gian, chống lại tà ma ác quỷ, tứ đại thiên vương đều là những vị thần có pháp lực vô cùng cao cường.

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Tây Ninh

Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Nét độc đáo trong lễ Kỳ yên ở đình làng Trảng Bàng

Quá trình hình thành và phát triển, Trảng Bàng là nơi hội tụ của nhiều tộc người, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo tại địa phương.

Các nghi lễ trong lễ hội

Do sự phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa, nhất là về tín ngưỡng, tôn giáo đưa đến và quy định nên người Việt có rất nhiều lễ hội, diễn ra quanh năm ngày tháng, ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi lễ hội mang một sự độc đáo riêng có. Tuy nhiên, về nghi lễ, các lễ hội đều thực hiện nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội.

Ngày giỗ của người Thiên chúa giáo

Ngày giỗ là ngày kỷ niệm người chết qua đời, để tỏ lòng thương nhớ người đã khuất, đó là cách tốt nhất để con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Bởi vậy, dù là lương hay giáo thì tất cả đều làm giỗ, trong từng chi tiết có phần khác nhau, nhưng tựu trung lại đều tỏ lòng hiếu nghĩa mà không trái với đạo giáo.
Top