Giữa sắc thẫm của đại ngàn Trường Sơn, đây đó nổi lên màu trắng của những dải mây vành khăn ở lưng chừng núi, màu đỏ của hoa gạo, hoa chuối, màu xanh của cây cỏ, màu vàng của lá úa rơi rụng, hay màu tím của hoàng hôn, màu của những tia nắng tán sắc cuối chân trời khi chiều muộn… Tất cả đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mà người Tà Ôi ở không gian sống của chính tộc người mình, từ bao đời đã cố gắng thu vào tầm mắt, đã chiêm nghiệm như một biểu hiện của thế giới – nhân sinh quan, và họ đã tái hiện nó trên những tấm Dèng – tấm vải dệt làm nên trang phục của tộc người này.

Phụ nữ Tà Ôi lưu giữ nghề dệt Dèng truyền thống
Vào ngày lễ hội, bản làng người Tà Ôi trở nên rực rỡ sắc màu. Những người đàn ông mang khố, đầu đội vòng tre đan, những chiếc nanh lợn cong vút trang trí trên tóc, cổ đeo kiềng. Những người phụ nữ xúng xính trong bộ trang phục làm từ vải Dèng: áo, váy, thắt lưng với sắc màu đằm thắm, cổ đeo chuỗi hạt cườm, đầu quấn khăn, lưng mang gùi, trong đó chứa bao vật phẩm, mang đến chung vui cùng bản làng.
Sinh tụ trên khu vực núi rừng phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, Tà Ôi là cư dân bản địa của huyện A Lưới, họ là tộc người biết nghề dệt, và sản phẩm dệt của họ đã trở thành vật phẩm trao đổi với các tộc người cận cư.
“Muốn ăn muối thì về đồng bằng
Muốn có tấm Dèng thì ngược lên Tà Ôi”.
Trước khi có nghề dệt Dèng, người Tà Ôi đã từng che thân mình bằng những tấm khố, áo chế tác từ vỏ cây. Cánh đàn ông đi rừng, bóc lấy vỏ cây sui mang về ngâm nước ở suối, sau đó dùng khúc cây đập nát, tấm vỏ cây còn lại tấm sợi màu trắng ngà, họ dùng tấm sợi ấy để kết thành trang phục. Nhưng rồi về sau, khi nghề dệt xuất hiện, người phụ nữ lại đảm nhận công việc chế tác tấm Dèng. Nghề dệt Dèng đã trở thành chuẩn mực để xác định giá trị trong hôn nhân của người phụ nữ Tà Ôi theo quan niệm của cộng đồng.
Truyền thuyết của người Tà Ôi kể rằng, nghề dệt của họ được bà trời Kănpơnu truyền dạy, từ khi học được, họ dệt mỗi ngày một đẹp hơn, trong khi đó, những nhóm tộc người anh em khác như Pa Coh, Pa Hi, Bru – Vân Kiều lại không học và dệt được, nên họ thường phải mua hoặc trao đổi lấy Dèng Tà Ôi. Cũng chính vì thế, Dèng trở thành một đặc trưng văn hóa để nhận diện tộc người- đầu mối quan trọng của con đường vải vóc trên khu vực phía Tây miền Trung trong quá khứ.

Những tấm vải Dèng không bị giới hạn chiều dài
Tấm Dèng được thực hiện trên một loại khung dệt cổ xưa. Bộ khung dệt này cấu thành từ những bộ phận đơn giản làm từ gỗ, tre, nứa. Nếu như hiện nay sợi vải công nghiệp và hạt cườm bằng nhựa được sử dụng trong nghề dệt thì trước đây người Tà Ôi tự trồng bông, xe sợi. Trong quá khứ, vùng cư trú Tà Ôi là những rẫy bông bạt ngàn bên cạnh các rẫy lúa, hoa màu giữa núi rừng Trường Sơn. Sau khi thu hoạch, họ phơi khô quả bông, dùng dụng cụ tách, bật bông, xe thành sợi. Khi đã có sợi vải, người phụ nữ Tà Ôi nhuộm thành các màu sắc đen, xanh, vàng, đỏ từ các loại vỏ, rễ, lá cây rừng cùng nước vỏ ốc suối. Hạt cườm làm từ các loại hạt cây hoặc hạt chì.
Với đôi bàn tay quanh năm cần mẫn trên nương rẫy, vào chiều muộn, sau khi tạm gác lại công việc thường nhật, người phụ nữ Tà Ôi lại bắt đầu thiên chức của mình bên bếp lửa nhà sàn. Họ bày ra bộ khung dệt, bắt đầu căng sợi, dệt đến đâu thì cuộn lại đến đó. Vì thế, tấm Dèng không bao giờ bị giới hạn chiều dài. Khi thấm mệt, họ cuộn sợi vải và khung dệt thành bó tròn, cất vào góc nhà, đến hôm sau lại mở ra tiếp tục công việc.
Từ những chiêm nghiệm về nhân sinh – thế giới và tái hiện trên tấm Dèng một cách trực quan nhất, hệ hoa văn trang trí trên tấm Dèng là hình người múa trong lễ hội bản làng, hình cây lá, hình con nhện, con dơi, con bướm, con nòng nọc; hình hàng rào làng, bếp lửa… Độ khó khi chèm cườm của hoa văn, số lượng hàng cườm làm thành hoa văn nhiều hay ít trên tấm Dèng luôn chi phối đến giá trị của nó. Người Tà Ôi nói rằng, ở những gia đình giàu có trong bản làng, ngoài tài sản chiêng, ché, lợn, trâu… thì luôn có nhiều tấm Dèng trang trí hoa văn và nhiều chuỗi hạt mã não.

Những tấm dèng được làm từ khung dệt cổ xưa.
Trên địa bàn cư trú của người Tà Ôi, từ khi đừng Hồ Chí Minh được mở rộng, trở thanh tuyến giao thông thuận lợi, bản làng mở cửa, khiến những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng luôn đứng trước nguy cơ phai nhạt bản sắc. Nhưng điều khá thú vị là tấm Dèng truyền thống của họ có cơ hội bước ra khỏi bản làng, trở thành chất liệu, điểm nhấn trong nhiều màn trình diễn thời trang ở trong và ngoài nước.
Song hành cùng xu thế này, những người phụ nữ Tà Ôi đã cùng nhau ngồi lại trong các tổ sản xuất hay hợp tác xã dệt Dèng để làm ra sản phẩm là nguyên liệu cho ngành thời trang hiện đại. Họ cũng tự mình làm ra nhiều sản phẩm dưới dạng hàng lưu niệm, hàng gia dụng, hay đồ trang trí nội thất. Hữu xạ tự nhiên hương, hàng năm, đông đảo sinh viên ngành thiết kế thời trang đã về A Lưới để tìm hiểu kĩ thuật dệt của người bản địa, cùng họ sáng tác các mẫu hoa văn trang trí mới hay sản phẩm mới.
Bằng sản phẩm dệt Dèng, các cộng đồng dân tộc Việt Nam đã xích lại dần nhau, cùng suy nghĩ và thực hiện, cùng nhau mỉm cười trước những thành tựu của sản phẩm, với mong ước Dèng ra khỏi bản làng, giới thiệu Dèng đến với thế giới hiện đại.
Theo Tạp chí Heritage