Cũng như các dân tộc khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer có nhiều món bánh đặc trưng của mình, phổ biến nhất là các loại bánh ngọt. Trong đó, bánh tét có mặt gần như hầu hết trong các dịp lễ hội của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bánh củ gừng.
Bánh củ gừng là loại bánh truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ, được làm vào dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta,...

Bánh củ gừng (Ảnh: internet)
Trong các đám cưới của người Khmer cũng không thể thiếu món bánh này. Bánh được làm từ gạo nếp vo sạch, để ráo rồi xay thành bột nhuyễn xong đem phơi khô ngoài trời nắng.
Lòng trắng trứng đánh thật nổi rồi cho bột vào quấy sền sệt, nắn thành hình củ gừng. Bánh nặn xong đem chiên cho đến khi nở lớn rồi ngào với nước đường thốt nốt.
Bí quyết để có bánh gừng ngon là lượng bột cho vào lòng trắng trứng vừa phải và khi chiên phải trở bánh qua lại thật đều tay. Nhờ đôi tay khéo léo của người làm bánh đã tạo thành những chiếc bánh hình củ gừng trông rất ngon và đẹp mắt.
Bánh thốt nốt
Đúng như tên gọi của nó, bánh thốt nốt được làm từ nguyên liệu chính là trái thốt nốt. Để làm món bánh này, người ta lấy quả thốt nốt vừa hái xuống, đem trà vào rổ để lấy bột. Bột này sẽ trộn với bột gạo, thêm chút dừa nạo sợi nhỏ sau đó lấy lá thốt nốt gói lại. Xong đem hấp cho bánh chín nở lên.

Bánh thốt nốt - đặc sản nổi tiếng của Châu Đốc - An Giang (Ảnh: internet)
Bánh thốt nốt hấp chín có màu vàng ươm, thơm lừng mùi vị đặc trưng của trái thốt nốt. Khi ăn miếng bánh vừa béo, vừa ngậy, bùi lại thoảng vị ngọt tinh khiết rất nhẹ.
Cây thốt nốt được trồng nhiều ở vùng có đông đảo người Khmer sinh sống. Thân như cây dừa nhưng lá như lá cọ. Trái thốt nốt có rất nhiều công dụng uống tươi, ăn cái, làm đường. Đặc biệt, nước thốt nốt uống tươi là một thứ nước giải khát tuyệt vời.
Bánh num
Bánh num hay còn gọi là bánh rế, được làm bằng đậu xanh, đậu nành và nếp. Mỗi thứ trọng lượng bằng nhau, vo sạch, để ráo rồi rang riêng từng loại. Khi rang để lửa nhỏ, để các loại hạt này chín vàng ruộm từ trong ra ngoài thì đổ ra, đổ tất cả vào xay thành bột rồi cho vào nước đường thốt nốt đã thắng kẹo lại, quậy đều rồi nắn thành hình tròn giống như cái rế. Lấy bột gạo trộn thêm một chút bột nghệ để tạo màu vàng rồi đổ nước vào quậy sền sệt.
Bắc chảo mỡ cho nóng già rồi nhúng từng cái bánh vào đó, chiên giòn. Bánh vàng, vớt ra để ráo, ăn giòn tan, thơm lừng mùi của đỗ, nếp và nước đường thốt nốt quện vào nhau vô cùng hấp dẫn.
Bánh ống
Bánh ống - loại bánh dân dã của bà con người Khmer.
Chọn những ống tre cỡ khoảng hơn gang tay làm khuôn, ở giữa ống có que nhú lên gắn vào đồng xu làm đáy khuôn. Đặt ống thẳng đứng trên nắp nồi, ở trong nồi có chứa nước.

Bánh ống - loại bánh dân dã của người Khmer. (Ảnh: internet)
Bột gạo xay giã mịn trộn với đường, nước cốt dừa, một ít lá dứa giã nhuyễn lấy nước trộn vào cho thơm và bột bánh có màu xanh nhạt vừa đẹp, vừa thơm. Cho bột vào ống tre giống như chưng cách thuỷ, để chừng hai phút là bánh đã chín. Khi bánh chín kéo chiếc que và đưa nhẹ bánh đặt lên miếng lá chuối. Bánh ống ăn kèm với chút dừa nạo, trên rải một ít muối mè trắng hoặc đậu phộng đâm nhỏ, vô cùng tuyệt vời.
Bánh kà-tum
Bánh kà-tum – loại bánh mang ý nghĩa tốt đẹp, gửi gắm niềm mong cầu của đồng bào Khmer về cuộc sống đủ đầy.
Chiếc bánh kà-tum hoàn thành có kích thước nhỏ, được kết thành chùm, vỏ bánh đan từ lá thốt nốt. Mặc dù là loại bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, nhưng hiện nay số người thành thạo kỹ thuật làm bánh kà-tum không nhiều.

Bánh Kà tum với vẻ ngoài xinh xắn, tỉ mỉ (Ảnh: internet)
Nguyên liệu làm bánh kà-tum gồm: Nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối và trộn thêm một số gia vị khác. Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm, được rút nước và để ráo, tiếp đến là cho đậu trắng, nước cốt dừa, muối, đường vào trộn đều cho thấm. Bánh kà-tum khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 40 - 50 phút, sau đó vớt ra, ngâm qua nước lạnh, để ráo. Vỏ bánh kà-tum sau khi nấu chín có màu vàng nhạt, nhân bánh bên trong không dính vỏ, nếp mềm dẻo, có hương thơm hòa quyện giữa nếp và nước cốt dừa, tạo vị ngon béo, ít ngọt, rất khoái khẩu.
Bánh tét cốm dẹp
Bánh tét cốm dẹp là một trong những lễ vật được bà con Khmer dâng lên cúng thần. Bánh tét thường được gói bằng lá chuối có cả nhân ngọt và nhân mặn, mỗi đòn dài khoảng 30cm - 40cm và đường kính cỡ 24cm - 30cm. Thông thường một ký cốm dẹp sẽ gói được chừng 3 đến 4 đòn bánh tét, cách gói cũng tương tự như bánh tét của người Kinh.
So với bánh tét gạo nếp truyền thống, bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng có thời gian nấu ngắn hơn chỉ khoảng 3 – 4 tiếng là chín. Một đòn bánh tét cốm dẹp có thể bảo quản từ 7 đến 10 ngày, vừa tiết kiệm được chi phí lại thích hợp mang đi xa hoặc làm quà tặng.

Bánh tét cốm dẹp là một trong những lễ vật được bà con Khmer dâng lên cúng thần (Ảnh: internet)
Không ai biết những món bánh trên có tự bao giờ, chỉ biết rằng trong cuộc sống, lao động và sản xuất, từ hạt gạo, những trái cây vườn nhà bà con đã sáng tạo ra những loại bánh thơm ngon, mang những hương vị rất riêng, đó cũng chính là những nét văn hóa ẩm thực được gìn giữ tự bao đời nay của đồng bào Khmer.
L.T (thực hiện)