banner 728x90

Miếu Bà Ngũ Hành (Long An): Di tích lịch sử - văn hóa lâu đời

15/02/2025 Lượt xem: 2385

Miếu Bà Ngũ Hành là một di tích lịch sử – văn hóa và tín ngưỡng quan trọng tại Long An, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Ngôi miếu không chỉ là nơi thờ phụng linh thiêng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo của vùng đất Nam Bộ.

Miếu Bà Ngũ Hành Long An

Miếu Bà Ngũ Hành tọa lạc bên bờ Rạch Tràm, ngay tại chợ Long Thượng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian đặc sắc của vùng đất Nam Bộ, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1997.

Ngôi Miếu được cho là có từ thế kỷ XIX, gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt tại vùng đất Long An. Ban đầu được xây dựng bằng tre lá đơn sơ, sau này được trùng tu, tôn tạo nhiều lần bằng gạch ngói kiên cố.

Miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương, vị thần cai quản năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, mang đến sự cân bằng cho trời đất, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Miếu Bà Ngũ Hành tọa lạc tên diện tích 520m2, mặt tiền đối diện với chợ Long Thượng, miếu Bà Ngũ Hành mái lợp bằng ngói âm dương, vách tường và hệ thống cột bằng bê tông. Miếu được xây theo kiểu kiến trúc đình làng Nam bộ gồm 2 nhà vuông nối liền nhau, trong miếu có bàn thờ chánh đặt ở giữa. Miếu Bà Ngũ Hành còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như bao lam, hoành phi, liễn đối, khánh thờ chạm trổ tinh xảo, thếp vàng rực rỡ.

Kiến trúc chạm trổ tinh xảo

Qua nhiều lần trùng tu, Miếu vẫn giữ được kiến trúc tứ trụ, nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, đặc biệt là những tư liệu phong phú và quý hiếm, là đối tượng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Miếu Bà Ngũ Hành không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là nơi tổ chức Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành, một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được xếp hạng vào tháng 12-2014. Đối với người dân Long Thượng nói riêng và Cần Giuộc nói chung, đây là dịp lễ trọng đại, được xem như “cái tết” thứ hai trong năm.

Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch với các hoạt động, nghi thức nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Cầu an, nhạc lễ, chầu mời, thỉnh bà, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng,… thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài địa phương đến cúng viếng, cầu năm mới bình an, tài lộc.

Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành thu hút đông đảo người dân

Không chỉ chiêm ngưỡng, cúng bái, du khách còn được chứng kiến lễ cầu an, nhạc lễ, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng…, đặc biệt là múa bóng rỗi.

Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng hoặc bóng rỗi – một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Nam Bộ. 

Múa bóng rỗi, gồm 2 phần là múa bóng và hát rỗi, là một nghệ thuật diễn xướng và hát, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của con người đối với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất.

Hầu hết các tiết mục đều được chuẩn bị công phu, khéo léo, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách. Loại hình này có từ thời khẩn hoang, lập ấp, theo dấu chân của các tiền nhân trong công cuộc Nam tiến cách đây hơn 300 năm.

Lễ hội không đơn thuần là nơi thể hiện lòng tin, tín ngưỡng tâm linh mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Sau hơn trăm năm lưu truyền, Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành vẫn lưu giữ trọn vẹn những nghi thức cúng tế truyền thống, thể hiện nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người dân. Mỗi năm 1 lần, người dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc lại cùng nhau chung tay tổ chức "cái tết" thứ hai với những ước vọng, mong cầu một năm mới bình an, hạnh phúc./.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nét đẹp văn hóa qua Lễ hội Dinh Thầy Thím

Lễ hội Văn hóa - Du lịch dinh Thầy Thím năm 2024 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 16 - 18/10 (14 - 16/9 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) với nhiều nghi lễ và hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao truyền thống. Lễ hội thu hút du khách từ mọi miền đất nước hội tụ về dinh Thầy Thím để tham gia lễ hội và tạ ơn công đức Thầy và Thím.

Những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu có cùng tính chất chung của lễ hội cổ truyền Việt Nam, ở đó người ta tiến hành các nghi lễ và các sinh hoạt văn hóa mang tính phong tục. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với các truyền thống địa phuong khác nhau nên nó cũng mang những sắc thái riêng.

Văn hóa người Hoa trong dòng chảy văn hóa Nam bộ

Quá trình cộng cư với các cộng đồng dân tộc trên vùng đất Nam Bộ, văn hóa Hoa đã có sự thẩm thấu, hội nhập, tiếp nhận và giao lưu với các văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer và các dân tộc anh em khác.
Top