banner 728x90

Những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

01/10/2024 Lượt xem: 2358

Bất cứ một tín ngưỡng tôn giáo nào cũng tạo ra cho bản thân nó một loại cộng đồng, trước nhất là về phương diện tâm linh, và cùng với đó là sự đồng cảm về giá trị văn hóa và đạo đức. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Việc thờ Mẫu ở các địa phương từ Bắc xuống Nam, từ miền xuôi ngược lên miền núi, chúng ta đều lưu ý tới những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Các nghi lễ hầu bóng ngoài tính chất là một nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu còn là một sinh hoạt văn hóa, mà giá trị nhiều mặt của nó được đề cập tới. Tiêu biểu hơn cả vẫn là hệ thống lễ hội lớn theo tiết “Xuân thu nhị kỳ”, “tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Có thể nói, những lễ hội này của tín ngưỡng thờ Mẫu đang trở thành ngày lễ hội lớn, vượt ra ngoài phạm vi một làng, một vùng và chừng nào mang quy mô cả nước. Ở Bắc Bộ có Hội Phủ Dầy Kiếp Bạc, Đồng Bằng, ở miền Trung có Hội Hòn Chén, Hội Tháp Bà Nha Trang, còn miền Nam thì có Hội Bà Chúa Xứ, Hội Bà Đen. Đây là chưa kể ở hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ khác cũng đều mở Hội vào dịp tháng ba và tháng bảy. Bởi lẽ đó, ta có thể nói tới một hệ thống Hội Tín ngưỡng thờ Mẫu, có vai trò và vị trí không nhỏ trong hệ thống hội hè của dân tộc Việt Nam, là môi trường sản sinh và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ rước cung nghinh Thánh Mẫu tại lễ hội Điện Hòn Chén

Lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu có cùng tính chất chung của lễ hội cổ truyền Việt Nam, ở đó người ta tiến hành các nghi lễ và các sinh hoạt văn hóa mang tính phong tục. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với các truyền thống địa phuong khác nhau nên nó cũng mang những sắc thái riêng. Hội Phủ Dầy ở ngoài Bắc bao giờ cũng đi liền với hội chợ Viềng, nên dân gian xưa quen gọi Chợ Viềng – Hội Phủ, Chợ Viềng mở từ ngày mùng tám, một năm chỉ có một phiên, mở ngay trước cửa Phủ Tiên Hương và cũng là mở đầu cho tháng xuân của cả vùng. Chợ Viền không phải là chợ bình thường, vì cả năm nó chỉ họp một lần, mà lại là nơi trưng bày mọi sản vật độc đáo của địa phương, là chợ đầu xuân để người ta đi chơi, đi “mua máy, bán rủi”. Hội chợ Viềng cũng là mở đầu cho mùa xuân đi lễ Mẫu ở Phủ Dầy.

Hội Điện Hòn Chén cũng mở vào tháng ba là tiết giỗ Mẹ trải dài dọc Sông Hương từ Huế đến Hòn Chén với những đoàn rước trên thuyền, các tín đồ hát và nhảy múa trên các con thuyền đã ghép lại với nhau. Ban đêm, cả một khúc sông trước đền, người ta làm lễ phóng đăng, sáng rực, lung linh huyền ảo.

Hội Tháp Bà Nha Trang tưởng niệm Thánh Mẫu Pô Inư Nưgar của người Chăm nhưng từ lâu đã đồng hóa với bà Mẹ Việt, cũng mở vào tháng ba hàng năm. Người Việt đi lễ bà nườm nượp suốt ngày đêm. Họ đến trước tháp, cầu mong Bà phù trợ, dự lễ tắm tượng Bà để lấy khước, xem Múa bóng và các sinh hoạt văn hóa khác. Ở đây, Hội Bà cũng gắn liền với nghi lễ nông nghiệp, với tục cày luống cày đầu tiên trên thửa ruộng cạnh đền. Sau nghi lễ, các lễ vật đều được ném xuống biển.

Rước tượng Bà Chúa Xứ (An Giang)

Hội đền Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ vào tiết tháng 4 với các nghi lễ Tắm tượng Bà, lễ xây Chầu, lễ Chánh Tế, lễ rước từ đền Thoại Ngọc Hầu đến đền Bà Chúa Xứ. Sau các nghi lễ là những sinh hoạt Hát bóng rối, Múa bóng, sân khấu cải lương, hát bội, các trò diễn mang tính tạp kỹ…

Như vậy, ta có thể nói về “một hiện tượng văn học trong tín ngượng thờ Mẫu” trong dòng văn học dân gian, về một “diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu” trong dòng diễn xướng cổ truyền, về một mảng nghệ thuật tạo hình tín ngưỡng thờ mẫu trong bức tranh chung của loại hình dân gian và cuối cùng là những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đó thực sự là quá trình tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong một văn hóa tín ngưỡng, trở thành một dạng “văn hóa tín ngưỡng tôn giáo” đặc thù./.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Văn hóa người Hoa trong dòng chảy văn hóa Nam bộ

Quá trình cộng cư với các cộng đồng dân tộc trên vùng đất Nam Bộ, văn hóa Hoa đã có sự thẩm thấu, hội nhập, tiếp nhận và giao lưu với các văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer và các dân tộc anh em khác.
Top