Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào thực thể, lực lượng siêu nhiên, hay nói gọn lại là niềm tin, sự ngưỡng vọng vào “cái thiêng”, đối lập với cái “trần tục” hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Có nhiều loại niềm tin, nhưng ở đây là niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, tức là niềm tin vào “cái thiêng”. Do vậy, niềm tin vào cái thiêng thuộc về bản chất của con người, nó ra đời và tồn tại cùng với loài người, là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, tồn tại bên cạnh đời sống vật chất, đời sống xã hội, tinh thần – tư tưởng, đời sống tình cảm…
Tuy nhiên, niềm tin vào “cái thiêng” đó, cũng theo hoàn cảnh và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc, địa phương, quốc gia mà thể hiện ra dưới các hình thức tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Ví dụ như niềm tin vào cái thiêng của Kitô giáo, Phật giáo, của Đạo thờ tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ Thần Nông… Các hình thức tôn giáo tín ngưỡng này dù rộng hẹp khác nhau, phổ quát hay đặc thù cho mỗi dân tộc, địa phương thì cũng đều là một thực thể biểu hiện niềm tin vào cái thiêng chung của con người. Do vậy, các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng hiện hữu này chỉ là một thực thể mang tính lịch sử, một phạm trù lịch sử.
Từ niềm tin vào lực lượng siêu nhiên, mà những cái đó được biểu trưng bằng các thần linh dưới nhiều dạng khác nhau, con người tìm cách thông quan với các thần linh đó bằng vô vàn cách thức, như thông qua lời khấn các phép thuật, bằng các vật dâng cúng, bằng âm thanh, vũ đạo, thông qua những con người có năng lực siêu phàm để cầu mong thần linh phù trợ, độ trì. Đó chính là các hành vi thực hành tôn giáo tín ngưỡng. Các hành vi nhằm thông quan với thần linh cũng được biểu hiện bằng vô vàn cách thức, mà những cái đó phụ thuộc vào các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng, vào truyền thống văn hóa của mỗi tộc người và địa phương, phụ thuộc vào trình độ phát triển xã hội của mỗi dân tộc, quốc gia.
Từ niềm tin và hành vi thực hành tín ngưỡng ấy, dần hình thành ở con người những tình cảm tôn giáo tín ngưỡng. Trong xã hội hiện đại, có thể niềm tin vào cái siêu nhiên (tức vào thần linh) có thể thay đổi, nhưng các hành vi và tình cảm tín ngưỡng vẫn tồn tại lâu bền, như một thói quen, một quán tính của con người.
Như vậy, tôn giáo tín ngưỡng với tư cách là các hình thái cụ thể, như Kitô giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Đạo tổ tiên, thờ Thành hoàng… có thể thay đổi, thậm chí mất đi, nhưng niềm tin vào cái siêu nhiên, niềm tin tín ngưỡng thì không mất đi, nó vẫn là một trong những nhân tố mang tính bản chất người.
Từ đây, quan niệm về tôn giáo tín ngưỡng đó là một bộ phận của đời sống văn hóa tinh thần con người mà ở đó con người cảm nhận được sự tồn tại của các vật thể, lực lượng siêu nhiên, mà những cái đó chi phối, khống chế con người, nó nằm ngoài giới hạn hiểu biết của con người hiện tại; sự tồn tại của các phương tiện biểu trưng giúp con người thông quan với các thực thể, các sức mạnh siêu nhiên; đó là chất kết dính, tập hợp con người thành một cộng đồng nhất định và phân định với các cộng đồng khác. Tất cả những niềm tin, thực hành và tình cảm tôn giáo tín ngưỡng trên đều sản sinh, tồn tại trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa mà con người đang sống theo cách suy nghĩ và cảm nhận của nền văn hóa đang chi phối họ.
Khái niệm tôn giáo tín ngưỡng ở trên với ý nghĩa là niềm tin vào một thực thể hay một sức mạnh siêu nhiên. Tuy nhiên người ta cũng có thể sử dụng khái niệm tôn giáo hay tín ngưỡng với ý nghĩa là các hình thức tôn giáo tín ngưỡng cụ thể.
Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau khi sử dụng khái niệm tôn giáo và tín ngưỡng. Theo quan điểm truyền thống, người ta có ý thức phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng, thường coi tín ngưỡng là sản phẩm của xã hội ở trình độ phát triền thấp hơn so với tôn giáo. Loại quan điểm khác lại đồng nhất giữa tôn giáo và tín ngưỡng và đều gọi chung là tôn giáo, tuy có phân biệt tôn giáo dân tộc, tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo địa phương, tôn giáo thế giới (phổ quát).
Ở đây, khái niệm tín ngưỡng với tư cách như một hình thức thể hiện niềm tin vào cái thiêng liêng của con người, của một cộng đồng người nào đó ở một trình độ phát triển xã hội cụ thể. Như vậy, về hình thức biểu hiện và trình độ tổ chức, có sự phân biệt nào đó giữa tín ngưỡng và tôn giáo.
Tín ngưỡng: chưa có hệ thống giáo lý, mà chỉ mới có các huyền thoại, thần tích, truyền thuyết; chưa thành hệ thống, thần điện còn mang tính chất đa thần, tản mạn; còn có sự hòa nhập nhất định giữa thế giới thần linh và con người, chưa mang tính cứu thế; gắn với cá nhân và cộng đồng làng xã, chưa thành giáo hội. Nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán và chưa thành quy ước chặt chẽ, mang tính chất dân gian, sinh hoạt của dân gian, gắn với đời sống của nông dân.
Tôn giáo: Hệ thống giáo lý, kinh điển thể hiện quan niệm vũ trụ và nhân sinh, truyền thụ qua học tập ở các tu viện, thánh đường. Thần điện đã thành hệ thống dưới dạng đa thần hay nhất thần giáo. Tách biệt thế giới thần linh và con người, xuất hiện hình thức “cứu thế”. Tổ chức giáo hội, hội đoàn khá chặt chẽ, hình thành hệ thống giáo chức. Nơi thờ cúng riêng, nghi lễ thờ cúng chặt chẽ (chùa, nhà thờ, thánh đường). Không mang tính dân gian, có chăng chỉ là sự biến dạng theo kiểu dân gian hóa, như phật giáo dân gian.
Như vậy, khái niệm đạo ở đây, theo ý nghĩa là “con đường”, “cách thức” đưa con người đạt tới niềm tin vào cái thiêng liêng, cái siêu nhiên. Như vậy, “đạo” theo nghĩa rộng có thể bao gồm cả một số hình thức tín ngưỡng và tôn giáo, còn theo nghĩa hẹp hơn là để chỉ một số hình thức tín ngưỡng phát triền có xu hướng trở thành tôn giáo sơ khai hay tôn giáo dân gian.
Ban Nghiên cứu tôn giáo