banner 728x90

Khai bút, một phong tục người Việt xưa

17/03/2025 Lượt xem: 2384

Mẹ chồng tôi đã ngót 80 tuổi. Từ khi về làm dâu, năm nào tôi cũng thấy bà khai bút đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong lúc con cháu xúng xính rủ nhau ra phố đón giao thừa, xem bắn pháo hoa thì bà nâng niu quyển sổ lưu niên sẵn sàng khai bút đầu năm. Lần giở những trang ký ức, tôi luôn thấy bà gửi gắm ước vọng một năm mới suôn sẻ, thành công, khỏe mạnh: Đầu xuân khai bút mấy lời/Ta thêm một tuổi của trời ban cho/Tiền vàng cũng chẳng ước mơ/Chỉ mong sức khỏe bao giờ cũng xuân/Bảy nhăm bảy bảy cũng cần/Tám mươi chín chục càng xuân cho đời/Giàu sang phú quý phần người/Còn ta thêm một tuổi đời là vui...

Theo quan niệm dân gian, nội dung khai bút đầu xuân phải do người viết tự nghĩ ra, không sao chép của người khác. Đó có thể là những chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút, một vài vần thơ sáng tác ngẫu hứng... Đôi khi, đơn giản là những xúc cảm hay những kỳ vọng tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử... Trẻ em thì được cha mẹ khuyến khích viết những dòng chữ nắn nót với mong ước ăn học thành tài, kính trên nhường dưới.

Do có ý nghĩa đề cao sự học nên tục khai bút đầu xuân vẫn được nhiều gia đình duy trì hàng năm. Nó không những thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng răn dạy con cháu về đức tính hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thời gian thực hiện việc khai bút thường diễn ra sau thời khắc giao thừa. Tuy nhiên, nhiều người còn trân trọng chọn ngày giờ tốt để khai bút với hy vọng viên mãn trong năm mới.

Gắn với khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua… Đây là một nét đẹp truyền thống bao đời nay, cũng là một cách thể hiện việc tôn sư trọng đạo và cầu mong sự tốt lành. Tục truyền, không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ. Người xin chữ thường chọn giờ lành, chọn những thầy đồ, nho sĩ hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp mong cho những chữ đã xin cũng thấm đẫm cốt cách người viết. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân, lấy chữ răn mình. Chữ thường được xin là chữ Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn, Tín, Tài, Danh... Đôi khi, các thầy đồ không cho chữ người ta muốn, mà lại viết lên con chữ bột phát nơi đầu cây bút lông. Những chữ này có thể ứng với tính cách hoặc là một hành động nên thực hành với hi vọng sẽ có nhiều điều may mắn trong năm mới.

Đã thành lệ, Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy, mọi người thường rủ nhau xin chữ từ ngày mùng ba. Ngày xưa, chữ được cho trên giấy dó. Loại giấy dó lụa mỏng mượt chuyên dùng cho các thầy đồ, thầy khóa chép kinh thơ, cho chữ thư pháp vừa đẹp - bền lại đậm đà bản sắc dân tộc. Chú bé giúp việc hăng say mài mực, còn ông đồ già khăn đóng áo dài, chòm râu bạc chăm chú thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay, phượng múa. Sắc đỏ, sắc vàng của giấy viết như tô điểm thêm nét rực rỡ cho ngày xuân.

Ngày nay, việc xin chữ đầu năm cũng là một trong những trào lưu của giới trẻ. Nhiều người thực sự trân trọng văn hóa cổ truyền đi xin chữ với niềm tự hào, phần đông chỉ là sở thích với những chữ, những câu thơ mới, đi xin chữ huyên náo như đi hội. Ông đồ thời nay cũng khác. Bên cạnh những bậc cao niên về học vấn, thư pháp, còn có rất nhiều “ông đồ trẻ”. Ngoài chữ Hán, chữ Nôm, người ta xin chữ Quốc ngữ cũng nhiều. Chất liệu cũng đa dạng hơn với thư pháp trên giấy, vải, đá, gỗ, sứ, trái dưa hấu... Một vài tỉnh thành còn phục dựng phố ông đồ ngày Tết, để các “thầy đồ hiện đại” lại áo the, khăn xếp nghiêm trang cho chữ mỗi độ xuân về.

Hương Lan

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.

Tạp văn: Sâm nam

Ai đã từng sống ở những vùng đất có nhiều gò đồi miền Trung chắc chẳng lạ gì với cây sâm nam - một loài dây leo mọc ở các bụi lùm, trở thành một món ăn dân dã và đã đi vào ca dao với những lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đầy yêu thương như câu thơ vừa được dẫn.

Tản văn: Đi tìm ký ức xưa

Anh đọc được bài báo viết về phiên chợ đồ xưa, chợt bắt gặp những điều thân quen trong những ký ức đã vẹt mòn thời gian của mình. Và cũng chẳng hiểu sao anh lại lần tìm xuống kho, lục lọi kiếm tìm rồi bần thần với những món đồ xưa tìm lại. Này cây đàn ghi-ta anh mua từ năm 1982 đã theo anh suốt một thời sôi nổi khi vào Nam theo điều động của cơ quan.
Top