Thờ Thần tài là một hình thức tín ngưỡng khá phổ biến ở mỗi gia đình người Việt, nhất là những gia đình làm nghề buồn bán. So với miền Bắc, người Việt ở Trung và Nam Bộ thờ cúng Thần tài một cách phổ biến và thường xuyên hơn.
Hình tượng Ông Thần tài
Theo quan niệm dân gian, Thần tài là vị thần mang lại tài lộc cho gia đình. Nguồn gốc và sự tích Thần tài bắt nguồn từ Trung Quốc qua sự tích Âu Minh và Như Nguyệt. Âu Minh là người kinh doanh và người hầu tên Như Nguyệt. Âu Minh đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm là giàu to. Về sau, đúng vào một hôm ngày tết, Âu Minh giận, bèn đánh Như Nguyệt. Sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó, nhà Âu Minh sa sút dần, chẳng mấy lúc nghèo kiết.
Người ta bảo như Như Nguyệt là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyệt. Từ đó, ta có tục kiêng quét rác trong nhà ba ngày tết vì sợ Thần Tài bỏ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt, tiến tới được.
Bàn thờ Thần tài thường đặt sát mặt đất ở góc nhà, trước hiên hay cạnh cửa ra vào. Lúc nào trên bàn thờ cũng có đèn nhang và đồ cúng là hoa quả. Gia chủ hàng ngày khấn vái Thần tài, mong buôn bán thuận lợi, mang lại nhiều tài lộc. Tục đặt bàn thờ Thần tài này đang ngày càng phổ biến ở những người buôn bán ở các đô thị miền Bắc.
Ban Tôn giáo phía Nam