Lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đông đảo công chúng, đồng thời có tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội - chính trị của đất nước. Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử và cũng là hiện tượng văn hóa xã hội có mặt ở Việt Nam từ lâu đời, hiện đang thực sự tồn tại và vận hành theo chiều hướng tăng về số lượng, thu hút nhiều người tham gia.
Nghi lễ cúng tổ tiên
Từ xa xưa, người Việt có niềm tin mãnh liệt và sự thành kính thiêng liêng đối với thần thánh hay các lực luợng siêu nhiên, tin vào cuộc sống sau khi chết và tin rằng tổ tiên, dòng họ cũng là lực lượng bảo trợ tinh thần cho người đang sống. Tín ngưỡng dân gian thường có những đặc điểm chung: niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên; tính thiêng liêng cao cả; sự tôn vinh xen lẫn sợ hãi; là mối quan hệ tương tác giữa con người và thần thánh, thái độ của con người với tự nhiên; tình thương yêu con người và đồng loại.
Đề cập tới tín ngưỡng dân gian, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh tới giá trị nhân văn, đặc biệt là yếu tố văn hóa đạo đức trong tín ngưỡng dân gian có giá trị đặc thù nhằm củng cố, bảo vệ đức tin thiêng liêng trong cộng đồng, đồng thời cũng chứa đựng những chuẩn mực đạo đức, mang tính nhân loại. Đó là tình thương đồng loại, hướng đến điều thiện, loại trừ cái ác.
Tín ngưỡng dân gian có khả năng đáp ứng được những nhu cầu về mặt tinh thần, tâm linh của các tầng lớp cư dân trong xã hội: nhu cầu được an ủi, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau, mất mát nơi trần thế; ước mơ có điểm tựa tinh thần để đối mặt với những thách thức, rủi ro từ thiên nhiên và xã hội; Để thực hành tín ngưỡng, để củng cố, duy trì và trao truyền đức tin tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các giá trị văn hóa đạo đức, con người đã sáng tạo ra hai loại hình di sản văn hóa là:
Di sản văn hóa vật thể/các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, lăng mộ…) là không gian văn hóa -tâm linh mang tính thiêng liêng quy tụ lòng người. Di sản văn hóa phi vật thể/lễ hội văn hóa truyền thống, nghi thức thờ cúng, các loại lễ vật dâng cúng trong các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, các phong tục, tập quán địa phương, các kho tàng huyền thoại, truyền thuyết, thần phả, sắc phong.
Các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng thường là một hợp thể giữa kiến trúc và thiên nhiên, hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học được tạo dựng ở những vùng địa linh theo đúng các nguyên tắc phong thủy; Có thể nói, tín ngưỡng dân gian và các thiết chế văn hóa gắn với nó là một bộ phận di sản văn hóa của Việt Nam.
Hầu đồng thờ Mẫu
Do có một niềm tin, có mục tiêu chung, lại được củng cố bằng những hoạt động tập thể qua nhiều chu kỳ lễ hội, kéo dài suốt quá trình phát triển của cộng đồng, cho nên lễ hội góp phần tạo lập ra văn hóa cộng đồng. Theo Phạm Tung, “văn hóa cộng đồng là văn hóa ứng xử của một cộng đồng trong những môi trường, không gian và thời gian lịch sử xác định”. Trong văn hóa cộng đồng, ta nhìn thấy được sự đồng thuận của một nhóm cá thể, một tập thể lớn trong nhiều mặt đời sống: đồng thuận, tự giác chấp thuận và thực hiện các quy tắc chung về nhận thức, mục tiêu phát triển cộng đồng; đồng thuận về lợi ích, cách thức giải quyết hài hòa lợi ích giữa cá nhân với tập thể, bộ phận với toàn thể; đồng thuận trong việc giữ gìn hình ảnh, uy tín của cộng đồng; đồng thuận để xây dựng và giữ gìn tình cảm gắn kết cộng đồng để cùng nỗ lực đương đầu với thách thức và rủi ro.
Lễ hội truyền thống là môi trường đào luyện nhân cách và trao truyền văn hóa, hay nói một cách khác lễ hội truyền thống là nơi khởi nguồn, bồi đắp, duy trì và lan tỏa các giá trị văn hóa. Lễ hội truyền thống không chỉ là không gian văn hóa - tâm linh, mà còn là cơ hội để các thành viên cộng đồng giao lưu, đối thoại với nhau, đặc biệt quan trọng là cơ hội tiếp cận, đối thoại với thần linh, vị thần được gửi gắm, nương tựa về mặt tinh thần cho cả cộng đồng. Điều cốt lõi làm nên lễ hội truyền thống là hạt nhân tâm linh đối tượng được tôn thờ một cách thành kính và thiêng liêng. Chính sự thành kính và thiêng liêng đã tạo ra biểu tượng văn hóa cho mỗi lễ hội. Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống như là một bộ phận cấu thành quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Ban Nghiên cứu Phật giáo phía Nam