banner 728x90

Gánh hát bội trong ký ức xưa

08/04/2025 Lượt xem: 2396

Hàng năm, sau Tết ở quê tôi là mùa các gánh hát bội thường đổ về, và bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần gánh hát về là từ xóm trên đến xóm dưới, tất cả đều rộn lên. Người lớn gặp nhau thì bàn tán, người khen đào xinh, kẻ khen kép có giọng hát ngọt. Đám trẻ con thì khỏi phải chê, khen, vì có gánh hát về là vui rồi, đứa nào cũng chỉ mong trời tối. Dù rằng không có tiền mua vé nhưng bọn nhỏ nhanh chân lắm, có đủ cách để lách qua những bờ rào mà gánh hát đã che chắn, mà buổi tối ở quê, con trẻ ngày xưa có làm gì đâu nên chẳng đứa nào lại chịu nằm ở nhà.

Những bếp cơm chiều trong những ngày có gánh hát dường như cũng đỏ lửa sớm hơn, và khi trời tối, lúc tiếng trống tuồng vang lên ở đầu thôn thì trên các con đường làng, tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau vang lên í ới.

Tôi không còn nhớ được ngày xưa mình đã xem bao nhiêu vở tuồng. Mà nhớ sao được, có bao gánh hát đã ghé qua làng, nhiều lắm, mỗi gánh hát đâu phải chỉ diễn một vở. Còn bọn nhỏ chúng tôi thì có vở tuồng dù đã xem đi xem lại mấy lần, nhưng hễ thấy có hát lại tìm cách chui vào xem tiếp. Nào vua, quan, quân lính. Nào áo mão, cân đai. Nào người trung mặt đỏ, kẻ nịnh mặt xanh. Nào những chàng hoàng tử cốt cách phong lưu bên những công chúa quần lụa, áo gấm thướt tha… Những khúc hát ngân lên, khi trầm khi bổng, hòa trong tiếng trống chầu lúc nhặt lúc thưa… Rồi những tiếng giáo, tiếng gươm khua vào nhau loảng xoảng và từng tràng vỗ tay vang lên khi những kẻ hung ác bị những anh hùng đánh gục. Tất cả đã lôi cuốn, làm chúng tôi say mê, thậm chí có nhiều đêm, khi vở diễn kết thúc nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn về, cứ mong vở diễn được kéo dài thêm, và sáng hôm sau đứa nào đứa nấy thi nhau kể, bình về các nhân vật vừa mới được xem. Người lớn mê hát cũng không thua gì đám trẻ. Sau mỗi buổi diễn, hễ gặp nhau là người ta lại bình luận, khen, chê các giọng hát, khen chê ngay cả khi đang làm lụng ngoài đồng, hay gặp nhau ở cái giếng làng.

“Đêm đêm nghe tiếng trống chầu. Trẻ già, trai gái cắm đầu đi xem”. Bọn nhỏ chúng tôi có đứa nào không biết câu hát ấy. Riêng tôi, vào những đêm có hát bội, nếu bị cha mẹ bắt phải ở nhà thì đó là những đêm buồn không thể tả hết. Làm sao không buồn được trong khi ngoài kia, nơi sân đình, gánh hát đang diễn và tiếng trống chầu thỉnh thoảng lại vọng tới, tùng, tùng, lảnh lót.

Nhờ những đêm hát mà chúng tôi biết được rất nhiều chuyện liên quan đến các nhân vật lịch sử nước nhà như: Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Quang Trung… Có những vở diễn, chúng tôi xem nhiều lần, thuộc lòng nhiều đoạn, nên sau đó, khi cho trâu ra đồng, mấy đứa xúm lại, bắt chước, kết lá cây thành mũ, đan cỏ thành giày, đứa đóng quan, đứa đóng lính rồi hát nghêu ngao, rồi cũng cầm gậy múa các điệu múa tuồng…

Cuộc sống ngày nay đã đổi thay, có nhiều phương tiện giải trí. Ở quê tôi cũng như các làng quê khác, những gánh hát về diễn ít dần. Dù vậy, tiếng trống chầu trong những đêm hát bội thật khó phôi pha trong tâm thức bao người. Riêng tôi, có đêm đang ngủ say lại nghe tiếng trống chầu đâu đó vọng tới, nhưng khi giật mình, mới hay mình nằm mơ, mới hay ký ức êm đềm của một thời đang thức dậy…

Phúc Nguyên

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Bố ơi

Bố mẹ thường cãi nhau. Tôi bênh mẹ, ghét bố. Khi công việc làm ăn của mẹ phất lên thì bố bị mất việc. Từ đó, mọi việc sinh hoạt chi tiêu trong gia đình đều do mẹ quyết định. Bây giờ, khi cãi nhau với bố, mẹ thường nói thêm: “Vô dụng!”. Tôi thấy mẹ nói đúng và càng xem thường bố...

Tản văn: Tuổi thơ còn mãi

Tôi rất xúc động mỗi lần nghe ca khúc “Thằng Cuội” của Lê Thương. Bài hát quen thuộc đến cũ kỹ ấy được phối với tiếng guitar chậm rãi, cùng giọng hát trong trẻo như bầu trời sớm mai bỗng nhiên hôm nay nghe hay đến ngỡ ngàng. “Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”, những ca từ mộc mạc như lời hát dồng dao đưa người nghe về với ký ức tuổi thơ ngọt ngào.

Tản văn: Khói lam chiều

Có những buổi chiều miên man trôi trong tôi với mùi khói bay lên từ đâu đó. Ngút ngát một niềm yêu phủ lấy tôi, với miền khói phủ từ những đợt đốt rạ đồng, vọng những bữa cơm tối sắp về, hay khói un lúa lép trong ngõ nhà ai cuối mùa gặt. Chút lòng quê ấy đâu phải ai cũng có, đâu phải ai cũng hiểu...

Câu chuyện gia đình: Làm đẹp

Tôi làm việc ở một công ty nước ngoài, lương cao nhưng không sung sướng chút nào. Tôi chỉ biết làm, không có thời gian đi chơi, du lịch. Tôi tự nhủ mình còn trẻ, ráng làm nuôi vợ con, về sau có tiền dư dả rồi đi chơi cũng chưa muộn.

Câu chuyện gia đình: Mẹ tôi

Một mình mẹ chăm sóc, yêu thương con vô bờ bến từ khi tôi được 6 tháng tuổi. Một mình trên một đất nước hoàn toàn xa lạ, không một đồng xu dính túi và cũng không có người thân nào bên cạnh, mẹ tôi gạt nước mắt, quên đi sự buồn đau, mạnh mẽ đối diện với thực tại. Nếu như cuộc đời đem lại sự cay đắng cho mẹ thì mẹ làm mọi cách để vứt bỏ nó. Mẹ đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống để nuôi tôi lớn khôn và cho tôi tất cả những gì có thể được.

Truyện ngắn: Nhân nào quả nấy

Đầu tuần, tôi cùng đồng nghiệp đi mua ít sách để tặng trẻ em miền núi. Đang chăm chú chọn sách, bỗng nghe có tiếng lọc cọc. Nhìn ra phía cửa, tôi bắt gặp người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, tóc muối tiêu chống nạng đi vào. Sau câu chào, ông hỏi nhân viên mua cuốn sách “Hướng dẫn giải toán violympic lớp 4”. Chọn xong vài cuốn sách cho việc học, ông lấy tiếp mấy cuốn “Nghìn lẻ một đêm”, “Truyện cổ tích Việt Nam”...

Truyện ngắn: Tất cả vì con

Tôi nhìn cách ông lụi hụi hàng ngày và hiểu vì sao người cha này lại âm thầm một cách đầy động lực như thế, cả trong cách ông không nề hà bất cứ phần việc nặng nhọc nào chỉ với một ước mong duy nhất: lúc nào cũng có công trình để người ta kêu mình tới phụ.

Truyện ngắn: Anh thương binh

Tôi rời quân ngũ trở về quê với đôi nạng gỗ nhưng lòng vẫn rộn lên niềm vui vì đất nước, quê hương không còn nỗi ám ảnh của chiến tranh. Vợ tôi đến với tôi trong sự tình cờ. Đó là ngày đoàn thanh niên xã tình nguyện giúp những gia đình thương binh liệt sĩ. Thấy tôi đang đứng trên đôi nạng gỗ cuốc đất, cô ấy thấy thương nên bắt chuyện. Rồi chúng tôi nên vợ, nên chồng bắt đầu từ ngày ấy.
Top