.jpg)
Bức tượng Phật Bà nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên
Núi Bà Đen được coi là nóc nhà Đông Nam Bộ, nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, cách trung tâm thành phố 11km. Đây là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986m). Nơi đây là một quần thể kiến trúc điện, chùa, miếu, tháp… mang đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh và du lịch núi Bà Đen, một danh thắng nổi tiếng, được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh.

Quang cảnh dưới chân tượng Phật Bà
Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với độ cao 986m, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón khổng lồ.
Theo truyền thuyết, thuở xa xưa, núi Bà Đen vốn có tên là núi Một. Sự tích núi mang tên gọi Bà Đen được truyền tụng vào thế kỷ 18 về người con gái tên Lý Thị Thiên Hương đã nguyện ước đính hôn, nhưng giữa buổi loạn ly, người yêu phải lên đường tòng quân giữ nước, nàng ở lại một dạ thủ tiết thờ chồng. Nàng Thiên Hương là người mộ đạo. Một ngày trên đường lên núi viếng chùa, nàng bị bọn cường sơn thảo khấu chặn đường uy hiếp, Thiên Hương chống trả rất quyết liệt, nhưng vì thân gái thế cô, nàng đành lao mình xuống vực sâu quyên sinh giữ tấm lòng chung thủy với người yêu. Đêm ấy, Thiên Hương về báo mộng cho nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi biết để đưa thi thể cô về an táng, sau đó được nhân dân quanh vùng lập điện thờ trên núi. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện lên núi được Thiên Hương mách bảo nơi ẩn náu và thoát nạn đã sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, tạc tượng bà bằng đồng đen để nhân dân chiêm bái, phụng thờ. Từ đó, núi Một có tên gọi là núi Bà Đen.

"Dĩa mây" kỳ lạ trên núi Bà Đen
Núi Bà Đen có cấu tạo địa chất bởi nhiều tầng đá tảng chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động tự nhiên và một thảm động, thực vật phong phú đa dạng về sinh thái.
Trên núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc chùa và hang động như: chùa Phật, chùa Hang, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Vân Sơn, động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần…

Chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới
Quần thể tâm linh với nhiều chùa chiền, miếu mạo có tuổi đời trăm năm thu hút du khách gần xa đến hành hương, bái lễ. Trung tâm của quần thể là Chùa Linh Sơn Tiên Thạch, điện Bà thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, còn gọi là Bà Đen – vị mẫu thần có ơn phù hộ, độ trì, cho dân chúng. Nơi thờ Bà Đen, được xây dựng từ thế kỷ 18, trải qua nhiều lần trùng tu, vẫn giữ lại 2 cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 5,4m đường kính 0,45m. Đây là ngôi chùa có kiến trúc hài hòa mang nhiều nét đẹp đặc trưng của kiến trúc đền chùa Việt Nam.
Show trình diễn nhạc nước
Với độ cao lên đến 986m, quanh năm đỉnh núi Bà Đen được mây mù bao phủ mờ ảo như ở chốn bồng lai. Du khách có thể viếng chùa bằng cáp treo, ngắm nhìn quang cảnh núi Bà Đen hùng vĩ với màu xanh ngút ngàn của cây lá. Tổng chiều dài 2 tuyến cáp treo núi Bà Đen là 3.057m với tổng số 191 cabin. Ga cáp treo Bà Đen lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 10.959m2. Ga Chùa Hang được thiết kế độc đáo như một ngôi chùa cổ, lấy cảm hứng từ kiến trúc chùa Bà Đen và chùa Hang; điểm nhấn tượng Phật Thích ca Mâu ni ngồi thiền được thiết kế ẩn hình dọc theo hai bên tường. Ga Vân Sơn là “thế giới cổ tích Bắc Âu” thu nhỏ; cột và các mảng tường bên trong là những bức tranh lập thể đa sắc lấy cảm hứng từ kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm
Hàng năm, từ khoảng rằm tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch là dịp du khách hành hương chiêm bái, trẩy hội núi Bà Đen đông nhất. Đây là dịp để chiêm ngưỡng khoảnh khắc thiên nhiên với mùa xuân rực rỡ nhất. Du khách có thể tham gia Lễ Vía Bà Đen, trải nghiệm nghi thức tắm tượng vào mùng 5/5 âm lịch. Bánh canh Trảng Bàng và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là hai món ăn nổi tiếng ở Tây Ninh mà bạn nên ăn thử một lần cho biết.
Đào Quốc Thịnh