
Đảo Lý Sơn nhìn từ ngoài khơi
19g tối chúng tôi lên tàu lửa SE4 từ ga Sài Gòn đi Quảng Ngãi, để khởi hành chuyến đi Đảo Lý Sơn vào ngày hôm sau. Từ trung tâm thành phố đến cảng Sa Kỳ khoảng hơn 20 km, nếu đi bằng xe buýt chỉ mất 25 ngàn đồng/người nhưng chúng tôi đi đoàn 6 người nên di chuyển bằng taxi thuận tiện hơn (giá 300 ngàn đồng/chuyến).

Một góc đảo Lý Sơn
Đúng 11 giờ tàu cao tốc Express rời cảng Sa Kỳ hướng về Đảo Lý Sơn với hành trình 45 phút, tương đương 15 hải lý (khoảng 25 km). Tàu cập bến giữa trưa, Đảo Lý Sơn hào phóng đón chúng tôi bằng những cơn gió mênh mang, đại ngàn, nắng gắt tháng 4 chói chang rực rỡ tỏa xuống từng tán lá, từng mái nhà của cư dân trên đảo.
Biển xanh ngắt, trời xanh ngắt, làn nước trong xanh đến tận đáy, cảm giác yên bình bởi không gian tĩnh lặng chìm trong tiếng ve sầu kêu rả rích. Với năm ngọn núi bao la, hùng vĩ ôm lấy vùng biển xanh thăm thẳm tạo nên một bức tranh phong cảnh vừa trữ tình, vừa lãng mạn nhưng cũng rất hoành tráng.

Du khách chụp hình lưu niệm
Với diện tích khoảng hơn 10km², dân số trên 23.000 người, tổng chiều dài đường bờ biển trên 25km, huyện đảo Lý Sơn gồm 3 hòn đảo là đảo Lớn (Lý Sơn) thuộc địa phận 2 xã An Vĩnh, An Hải, đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi) thuộc địa phận xã An Bình và hòn Mù Cu ở phía đông của đảo Lớn là đảo nhỏ nhất và không có người ở.
Đảo Bé, còn được gọi là An Bình, là một hòn đảo nhỏ nằm cách đảo Lớn Lý Sơn khoảng 3km về phía Đông Nam. Với diện tích chỉ khoảng 0,69 km², đảo Bé mang vẻ đẹp hoang sơ. Nơi đây có bãi biển trong xanh, cát trắng mịn và những rạn san hô đẹp.

Khu trung tâm cầu cảng
Trung tâm Đảo Lý Sơn là cảng cá Lý Sơn. Ngoài ra còn có cảng Bến Đình (cảng tàu khách du lịch) và cảng quốc phòng. Đặc biệt nhất là ở khu trung tâm đảo có một giếng nước ngọt mát lịm như nước mưa có tên gọi là Xó La.
Theo các nghiên cứu khoa học, Đảo Lý Sơn được hình thành do sự phun trào nham thạch núi lửa. Vết tích còn lại là một núi lửa đã ngừng hoạt động với 05 miệng hố - nơi có các mạch nước ngầm cung cấp nước ngọt chính cho đảo. Chính sự phun trào nham thạch đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cùng lớp đất bazan màu mỡ trải đều trên bề mặt phía Nam của đảo, rất thích hợp cho nhiều loại cây trồng phát triển.

Tác giả chụp hình lưu niệm tại Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Đảo Lý Sơn có đến gần 100 di tích với một quần thể các đình, đền, chùa, miếu, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa xưa một thời giong buồm ra khơi xác định và giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia.
Ngay trong buổi chiều đặt chân đến Đảo Lý Sơn, chúng tôi ghé thăm nhà trưng bày bộ xương cá ông (cá voi) và Nhà bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Bộ xương cá voi tại nhà trưng bày là của người dân Lý Sơn lưu giữ cẩn mật hơn 200 năm qua. Sau đó được phục dựng lại. Đây là hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam còn nguyên vẹn. Trong đó, một bộ dài trên 22m, bộ còn lại dài 18m. Mỗi bộ xương cá voi có 50 đốt xương sống. Đường kính đốt sống lớn nhất trên 40cm, xương đầu dài 4m, xương ngà dài 4,7m.

Du khách chụp hình lưu niệm dưới chân Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm trên khuôn viên thoáng đãng có sân rộng, phía trước nổi bật là cụm tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh đứng hiên ngang, sừng sững. Cụm tượng đài cao 4,5m phác họa hình ảnh 3 tráng sĩ, đứng giữa cai đội trưởng mặc quân phục triều đình một tay chỉ thẳng ra biển hướng về Hoàng Sa, còn tay kia đặt lên cột mốc có khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên là hình ảnh hai người lính thể hiện rõ nhiệm vụ của mình trong chuyến hải trình gian nan, một người cầm giáo mặc quân phục triều đình ý chỉ nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi của Tổ quốc, một người mặc áo chùm vác lưới thể hiện công việc mưu sinh và đánh bắt hải vật trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển. Mặt sau của tượng đài có khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” tạm dịch là Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với biên giới của quốc gia, đây được xem là chiếu của vua Minh Mạng ra năm 1936 ( năm Minh Mạng thứ 17).

Du khách chụp hình lưu niệm dưới chân Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Một điểm tham quan trên đảo thu hút các bạn trẻ là cổng Tò Vò được hình thành từ đá núi lửa qua hàng triệu năm bào mòn bởi sóng biển. Cổng đá tự nhiên này tạo nên một khung cảnh ngoạn mục, là địa điểm chụp ảnh lý tưởng cho du khách.

Cổng Tò Vò địa điểm chụp ảnh lý tưởng cho du khách.
Không thể bỏ qua cột cờ trên núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn là cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Cột cờ có chiều cao 20m, đường kính 3m, lá cờ có kích thước 4x6m, mặt chính cột cờ hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Cột cờ này không khó chinh phục, nhưng ai được chạm đến cột mốc thiêng liêng này, chắc chắn đều cảm thấy xúc động.

Cột cờ - cột mốc khẳng định chủ quyền
Hang Câu là một trong những địa điểm độc đáo cũng không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn. Đây là một hang động tự nhiên nằm ở phía Đông Bắc đảo, được tạo thành bởi quá trình bào mòn của sóng biển qua hàng triệu năm. Hang Câu nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ bí, hoang sơ, với những khối đá nhiều hình thù độc đáo và những vách đá nhiều màu sắc.

Du khách chụp hình lưu niệm trên đảo Lý Sơn
Giao thông trên Đảo Lý Sơn hiện vẫn còn hạn chế do chủ yếu vẫn là các con đường dân sinh nhỏ chiều rộng khoảng 2,5m. Ấn tượng nhất với tôi là con đường đê bao chắn sóng làm bằng bê tông. Chỉ nhỏ thôi, khoảng 4,5m đến 5m nhưng chạy dọc bờ biển hơn 15 km rất đẹp mắt.
Về Lý Sơn những ngày cuối tháng 4, giữa cái nắng oi bức mặn mòi nơi biển cả lại như dịu đi bởi những ruộng hành tươi xanh ngút ngàn bám dọc các ngôi làng thuộc các xã An Vĩnh, An Hải.
Trồng hành, tỏi và thủy sản là hai lĩnh vực mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của huyện đảo Lý Sơn.
Hành , tỏi là nông vụ chính xen canh ngô, dưa hấu, đậu. đất nông nghiệp ở đây là đất bazan và đất cát tạo ra từ san hô. Trồng hành, tỏi ở Lý Sơn cũng lắm công phu, bởi người dân phải dùng lớp cát trắng mịn màng khai thác ngoài biển phủ lên mặt ruộng phẳng phiu để trồng.

Toàn cảnh đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao
Về ngư nghiệp, ngoài đánh bắt cá nục và câu mực, người dân còn phát triển nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là tôm hùm và cá mú. Hiện có khoảng hơn 50 bè tôm hùm với số lượng nuôi hơn 80 nghìn con.
Ẩm thực Đảo Lý Sơn chủ yếu vẫn là hải sản. Phong phú hơn đất liền chính là các loại ốc biển tươi sống thơm ngon. Tôi rất ấn tượng với món cá kho mặn, ốc mặt trăng và canh rong biển, do Nhà hàng cơm hải sản Đại Hằng (Khu chợ đêm Lý Sơn, trung tâm cầu cảng) chế biến rất ngon.

Một trong những hạn chế lớn nhất của Lý Sơn có lẽ là thiếu bãi tắm, do địa hình bãi ngang không giữ được cát, nên rất ít bãi tắm biển dành cho du khách. Một hạn chế nữa của Lý Sơn là ít cây xanh, hầu hết ở khu vực đồng bằng dân cư toàn cây nhỏ do thời tiết khắc nghiệt, gió bão, nên cây trồng khó trụ nổi. Cây xanh phát triển tốt chủ yếu ở khu vực rừng và núi.
Điều đáng lưu tâm là hướng dẫn viên tiết lộ, tháng 9 là mùa gió bão, ngư dân không đi biển được mà chủ yếu ở nhà tránh trú bão nên phụ nữ thường mang thai ở thời điểm này. Và tất nhiên tỷ lệ sinh con cũng chủ yếu rơi vào tháng 6, tháng 7 hàng năm (cười) ./.
Đào Quốc Thịnh