banner 728x90

Du lịch biển Vũng Tàu những ngày xuân…

28/03/2024 Lượt xem: 2451

Một cảnh du lịch biển Vũng Tàu

Một cảnh du lịch biển Vũng Tàu (Ảnh: internet)

Hãy đến với biển Vũng Tàu những ngày xuân, các bạn sẽ được lăn mình thoả thuê trên cát, hứng những tia nắng xuân ấm áp. Ngâm mình trong nước biển, phút chốc bạn sẽ quên đi những phút giây trăn trở, lo toan, vất vả của cuộc sống đời thường, để hoà mình với thiên nhiên thơ mộng…

Trong sắc xuân ấm áp nơi đây, bạn sẽ được tận hưởng một không gian bao la mặn mòi từ biển cả, những cánh diều no gió với đủ hình thù màu sắc sặc sỡ, tung bay trên bãi biển trải dài cát trắng; tại các điểm du lịch, thấp thoáng những tà áo dài thướt tha trong trang phục của những cô gái Việt duyên dáng, mặn mà; những con đường rực rỡ muôn màu của các loài hoa… Sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và con người nơi đây đã tạo nên bức tranh thơ mộng biển Vũng Tàu mùa xuân, tươi vui, trong sáng, lãng mạn, mà không nơi nào có được...

Có thể nói, sức hút đầu tiên của du khách khi mới đặt chân đến biển Vũng Tàu là không khí, mùi vị mặn mòi của biển cả và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Qua khỏi cầu Cỏ May, du khách có thể cảm nhận ngay một không khí khác lạ, một không gian mênh mông thoáng đãng và màu xanh “mát mắt” trải dài bởi những bãi sú, vẹt, rừng đước ngập mặn và mùi vị đặc trưng của biển. Nếu du khách ghé vào tham quan Nhà lớn Long Sơn hay Đền Ông Trần sẽ phải đi qua đảo Gò Găng (xã Long Sơn, Tp.Vũng Tàu) dọc 2 bên đường là những cánh rừng ngập mặn, thiên nhiên hoang sơ. Du khách có thể tìm hiểu nghề nuôi hải sản khá phát triển của người dân địa phương.

Bãi Sau- Một bãi tắm đẹp ở Vũng Tàu

Bãi Sau- Một bãi tắm đẹp ở Vũng Tàu (Ảnh: internet)

 Nhà lớn Long Sơn là một địa danh thắng cảnh không thể thiếu trong cẩm nang du lịch biển Vũng Tàu, bởi nơi đây là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quí tọa lạc tại thôn 5, với tổng diện tích khoảng 2 ha, chia thành ba khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần…Qua khỏi Long Sơn là đến Ẹo Ông Từ, đi hết con đường rộng thênh thang, thẳng tắp được mang tên đường 3/2 là đến làng du lịch Chí Linh, du khách đã chính thức đặt chân đến cửa biển Vũng Tàu…

BR-VT là một quần thể thiên nhiên hài hòa, sơn thuỷ hữu tình, có dãy Núi Lớn - Núi Nhỏ - Núi Minh Đạm, Núi Dinh… Xa xa ngoài biển khơi có Côn Đảo bao bọc, ở gần có Long Sơn quy tụ...  

Núi Lớn có diện tích khoảng 400 ha, có ba đỉnh lớn là Vũng Mây, Núi Lớn và Hòn Sụp. Theo đường Núi Lớn (đường Trần Phú) quanh sườn núi từ Bến Đình sẽ đến chùa Thích Ca Phật Đài, Bãi Dâu, đến Bãi Trước dài khoảng 10 km.

Núi Nhỏ mang tên Tao Phùng, có diện tích khoảng 120 hecta, đỉnh núi cao 170 m. Theo đường vòng Núi Nhỏ (đường Hạ Long) chạy từ Bãi Trước qua Bãi Ô Quắn, Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong và ra Bãi Sau dài khoảng 6km.

Một cảnh biển Vũng Tàu

Một cảnh biển Vũng Tàu (Ảnh: internet)

 Gắn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là các khu vui chơi giải trí: Tham quan khu du lịch Hồ Mây bằng cáp treo; Bến du thuyền Vũng Tàu Marina với loại hình du lịch đường thủy bằng ca nô và thuyền buồm dành cho những bạn trẻ yêu thích khám phá và trải nghiệm cảm giác mới lạ. Sát chân núi dọc theo bờ biển, là hàng trăm quán cafe biển gió mát rượi để du khách có thể vừa nhâm nhi tách café nóng, vừa ngắm nhìn cảnh biển. Đêm xuống, những ngọn đèn nhấp nháy, lung linh từ các quán café này giống như những dải sao Ngân Hà uốn lượn dọc theo đường ven biển tạo nên một cảnh quan thơ mộng bắt mắt...

Với 20km bờ biển, Vũng Tàu sở hữu những bãi cát phẳng phiu mịn màng, những bờ đá dựng đứng và những hàng cây xanh tốt quanh năm tiếp liền với vịnh, biển, hình cánh cung, mặt nước khá phẳng lặng, tạo nên những bãi tắm nổi tiếng thơ mộng như: Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa…

Bãi Sau nằm ở phía Đông Nam thành phố Vũng Tàu, dài khoảng 8 km từ chân Núi Nhỏ đến Cửa Lấp, sạch, đẹp, rộng rãi còn có tên gọi khác là bãi “Thùy Vân”. Đường Thùy Vân chạy dọc theo Bãi Sau, một bên là những dãy phố sầm uất, cao ốc khách sạn hiện đại, đầy đủ tiện nghi, một bên là bãi cát vàng trải dài dọc theo bờ biển. Đi lên phía Bắc, Bãi Sau như tựa lưng vào những đồi cát và rừng cây phi lao được trồng san sát che mát bãi tắm, trước mặt là biển Đông. Kề ngay Bãi Sau là núi Hải Đăng, những vách đá hang Dơi và Hòn Bà. Phía xa ngoài khơi biển cả, bên trái đường chân trời là dãy núi Long Hải chạy dài đến núi Kỳ Vân. Mặt biển phẳng lặng vào mùa gió Nam, nhưng lại sóng to, gió lạnh vào mùa gió Bắc. Bãi Sau rất đông du khách thường xuyên đến tắm và là bãi biển đông vui, náo nhiệt nhất trong các bãi biển ở Vũng Tàu.

Nằm về hướng Tây Nam, Bãi Trước (Vũng Tàu) còn có tên khác là bãi “Tầm Dương”, giống như nửa vầng trăng tựa lưng vào đất liền, hai đầu là hai ngọn núi Tương Kỳ và Tao Phùng. Thiên nhiên sơn thủy hữu tình đã tạo cho Bãi Trước cảnh đẹp thơ mộng. Dọc Bãi Trước là những hàng dừa xanh ngắt, đan xen với những cây bàng rợp bóng sum suê, che mát cho khu công viên dành cho khách bộ hành.

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp biển Vũng Tàu

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp biển Vũng Tàu (Ảnh: internet)

Nếu như danh thắng Vũng Tàu là quà tặng của thiên nhiên thì những công trình kiến trúc lịch sử là linh hồn của biển.

Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng đất địa đầu, có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời với những khu di tích mang đậm dấu ấn của những thời kỳ lịch sử, giữ vị trí quan trọng trong quá trình khai phá và xây dựng vùng đất Nam Bộ, trải qua hơn 300 năm lịch sử, sở hữu lượng lớn di tích và danh lam thắng cảnh, với 48 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo), 29 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh.

Một trong số các di tích kiến trúc, lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc trong khu lâm viên trên sườn Núi Lớn, thuộc Bãi Trước của thành phố biển Vũng Tàu là khu Bạch Dinh (tức biệt thự trắng). Bạch Dinh mang đậm kiến trúc Pháp ở cuối thế kỷ XIX nên rất uy nghi và bề thế. Chiều cao của công trình này là 15 m, dài 28 m, rộng 15 m, gồm ba tầng: tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, phía trên lợp ngói đỏ tươi, phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế, mỹ thuật. Bạch Dinh được người Pháp xây dựng năm 1898 đến năm 1916 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Pháp Paul Doumer. Phía trước Bạch Dinh là một bao lơn hướng ra biển. Từ đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh Bãi Trước lượn vòng từ Núi Nhỏ đến Núi Lớn. Nếu nhìn thẳng xuống sẽ thấy Hòn Hải Ngưu. Đó là một mũi đá nhô ra biển có hình dáng như một con trâu đang đắm mình dưới nước, là nơi câu cá của dân địa phương và khách du lịch. Đứng trên khu di tích kiến trúc Bạch Dinh, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh biển Bãi Trước của Vũng Tàu và những vùng biển lân cận, đường Quang Trung - Hạ Long dưới chân núi, đó là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam.

Tượng Chúa giang tay Vũng Tàu

Tượng Chúa giang tay Vũng Tàu (Ảnh: internet)

 Đặt chân đến Vũng Tàu, du khách không thể không leo lên 800 bậc thang dốc để chiêm ngưỡng Tượng Chúa Kitô Vua (còn gọi là Tượng Chúa giang tay). Tượng Chúa giang tay được xây dựng trên núi cao 136 mét (so với mực nước biển cao 176 mét). Riêng bức tượng Chúa Giêsu cao 31m, sải tay dang rộng 18,4m được đặt trên một ngôi nhà hình vuông có trạm trổ Chúa và 13 Tông đồ trên mặt tượng. Phía trong bụng tượng có thể chứa được hàng trăm người đi trên 133 bậc thang được làm bằng đá mài. Từ hai tay của tượng chúa, ta có thể nhìn bao quát được toàn bộ thành phố Vũng Tàu. Năm 2012, tượng đã chính thức được xác lập kỷ lục “Tượng chúa Kito lớn nhất Châu Á”.

Không chỉ leo núi chiêm ngưỡng Tượng Chúa giang tay, du khách còn có thể thả bộ theo con đường nhỏ sạch sẽ ven triền Núi Nhỏ để thưởng thức một công trình kiến trúc đặc sắc tại đây: đó là ngọn Hải Đăng Vũng Tàu.  Ngọn Hải Đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh núi Nhỏ, được triều Nguyễn xây dựng lần đầu tiên và khánh thành vào ngày 15-8-1862. Sau đó người Pháp xây lại vào năm 1913. Đây là một ngọn đèn biển được xếp vào hàng những ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam. Kiến trúc ngọn đèn biển này là một tháp tròn, sơn trắng, cao 18m. Công suất bóng đèn 500W nhưng chiếu xa được 55km nhờ kính viễn vọng để theo dõi tàu thuyền và hướng dẫn tàu thuyền đi lại trên biển. Cùng với cấu tạo của hệ thống lăng kính đồ sộ, hệ thống đèn quay nhờ môtơ với tốc độ 5 vòng/phút. Đêm đến, đứng ở Bãi Trước, du khách thấy hai luồng ánh sáng như hai đường thẳng quét tròn kế tiếp nhau trên nền trời tối sẫm, tạo cảm giác cực kỳ ấn tượng cho những người ngắm biển đêm. Bao quanh khu vực ngọn Hải Đăng là một rừng hoa Sứ nhiều chục năm tuổi, toả bóng mát rượi, nở hoa trắng xóa một vùng,  thơm ngát.

Hòn Bà Vũng Tàu

Hòn Bà Vũng Tàu (Ảnh: internet)

Vũng Tàu nằm nhô hẳn ra khỏi đất liền như một mỏm đất phù sa tự nhiên mới được bồi đắp, dưới là biển xanh, trên là Núi Lớn, Núi Nhỏ, thấp thoáng sau vòm lá xanh thẫm của cây rừng là những ngôi chùa cổ thanh tịnh. Từ nơi đây, người ta có thể nhìn biển Đông cả khi trời mọc lẫn lúc hoàng hôn…

Cùng với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, BR-VT còn được tạo bởi một quần thể kiến trúc tâm linh, mang nhiều màu sắc tôn giáo khác nhau như: chùa Linh Sơn Cổ Tự, Đình Thần Thắng Tam, tượng Đức Mẹ Bãi Dâu, tượng Phật Bà Quan Âm, Tượng Chúa giang tay, chùa Thích Ca Phật Đài, chùa Niết Bàn Tịnh Xá, đền thờ Trần Hung Đạo, Hòn Bà... tạo nên nét huyền bí linh thiêng, một không gian sống thanh tịnh, bình yên đến lạ.

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương,  BR-VT có nhiệt độ trung bình 27oC. Sự thay đổi nhiệt độ của các tháng trong năm không lớn. Số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 2.370 – 2.850 giờ và phân phối đều các tháng trong năm. Lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 1.600mm) và phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Khí hậu BR-VT nhìn chung mát mẻ, rất phù hợp với du lịch. Riêng biển Vũng Tàu ít có bão hoặc ảnh hưởng của bão không đáng kể, vì thế, nơi đây trở thành điểm tắm biển lý tưởng của khách du lịch và là nơi trú ngụ tốt cho thuyền bè.  

Đến với biển Vũng Tàu du khách sẽ được tận hưởng một không gian ngập tràn ánh nắng và gió biển, được lăn mình thỏa thuê trên cát, hứng những tia nắng ban mai ấm áp… ngâm mình trong nước biển, phút chốc bạn bỗng quên đi những phút giây lo toan, vất vả của cuộc sống thường ngày để thả hồn về với thiên nhiên thơ mộng… Hoàng hôn trên biển là một khoảnh khắc đẹp đối với nhiều du khách. Khi mặt trời đỏ ối từ từ chìm dần xuống đại dương, thì cũng là lúc đêm Vũng Tàu gió mơn man, mát rượi tràn về từ biển. Từng tốp, từng nhóm người đi lội biển, bới cát, nhặt sò và xem các đơn vị tổ chức đốt lửa trại. Biển đêm Vũng Tàu sôi động với ánh lửa bập bùng, ánh đèn flash hòa quyện trong tiếng nhạc EDM của những khu lửa trại khiến tất cả những người mới gặp nhau lần đầu cũng trở nên thân quen, cùng nhau hò reo nhún nhẩy trong không gian bao la phiêu bồng của đêm đen và gió biển…

Mùi hải sản nướng thơm lừng, men rượu nồng ấm lan tỏa khắp không gian, mùi biển đêm ngai ngái, mặn mòi…tất cả cùng tạo nên những khoảnh khắc, những đêm say ngất ngây trên biển mà bất cứ ai dù chỉ một lần trong đời trải nghiệm cũng không thể nào quên được …

Đào Quốc Thịnh

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, như: Lễ Cầu đảo với nghi lễ truyền thống mở cửa biển, gợi những ký ức về biển của người Chăm; hay Lễ hội Ka tê đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Không gian lễ hội của cộng đồng người Chăm luôn ngập tràn sắc màu văn hóa, từ trang phục, nhạc cụ, điệu múa truyền thống… đến tín ngưỡng dân gian.

Ngôi chùa Khmer xây bằng đá granit nằm ở độ cao 45m, được ví như chốn ‘bồng lai tiên cảnh’ giữa núi rừng

Đây là ngôi chùa có lối kiến trúc chứa đựng nhiều huyền tích của đồng bào dân tộc Khmer.

Sống động di sản văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu dịp lễ 2/9

Gần 400 hình ảnh, hiện vật, di sản văn hóa Óc Eo đang được trưng bày sống động tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thể hiện góc nhìn khái quát, giá trị quý về một trong ba nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Nghề đan võng ngô đồng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm (đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một di tích tại Bà Rịa - Vũng Tàu được xếp hạng cấp quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức công bố quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với "Di tích lịch sử địa điểm trận chiến ngày 6.6.1969 tại Bình Ba" trên địa bàn.

Tháp Bình Sơn - Ngọn tháp bằng đất nung cao nhất còn lại tới ngày nay

Kiến trúc tháp Bình Sơn mang dấu ấn độc đáo, dù được xây dựng từ thời Lý-Trần vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn, và là ngọn tháp cao nhất được xây dựng bằng đất nung còn lại cho tới ngày nay.

Những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam, điểm đến tâm linh của khách thập phương

Những ngôi chùa tại Việt Nam không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân mà còn là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Dưới đây là những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam, mỗi ngôi chùa đều mang một nét đặc trưng riêng biệt và lịch sử lâu đời.

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Từ bao đời nay, người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu coi nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Vì thế khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống là vật dụng quan trọng không thể thiếu trong gia đình người Lự.
Top