
Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là gì? Ảnh: internet.
Di sản văn hóa nói chung bao gồm các sản phẩm và các quá trình của văn hóa được sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền qua các thế hệ. Các di sản được coi như là tài sản văn hóa bao gồm vật thể như nhà cửa, công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể như nhà cửa, công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể như bài hát, âm nhạc, ca kịch, kỹ năng và tri thức truyền thống, tri thức về nấu ăn, về thủ công mỹ nghệ, lễ hội, thực hành nghi lễ dân gian… những biểu hiện văn hóa phi vật thể này có thể được ghi lại, mô tả lại, mang nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng, nhưng không thể chạm vào được, hay lưu giữ bằng hình thức hiện vật vật thể ở trong các bảo tàng. Chúng chỉ được trải nghiệm thông qua con người, các nghệ nhân, những người thực hành, những người thưởng thức. Họ thực hành, trình diễn, thể hiện chúng bằng những hành động, động tác cụ thể (diễn tấu, chơi nhạc, tổ chức lễ hội).
Theo Công ước 2003, “di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người (Khoản 1, Điều 2, Công ước 2003).

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Theo Luật Di sản Văn hóa (2009), “di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (Khoản 1, Điều 4, Luật Di sản Văn hóa).
Di sản văn hóa là sự kết hợp các yếu tố vật thể và phi vật thể. Mặc dù là hai khía cạnh không thể tách rời, nhưng các yếu tố vật thể thường được chú ý hơn trong quản lý di sản. Tuy nhiên, từ khi Công ước 2003 của UNESCO được nhiều quốc gia thành viên phê chuẩn, những vấn đề về quản lý di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được quan tâm, chiếm vị trí ưu tiên trong việc đưa ra các bộ luật, hình thành hệ thống quản lý có sự tích hợp giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Các hình thức quản lý hỗn hợp giữa vật thể, phi vật thể, mối quan hệ giữa chức năng quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành và vai trò chủ động của cộng đồng, các bên tham gia ngày càng được quan tâm và trở thành những vấn đề lý luận mang tính chung, phổ quát.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam