Núi Cấm, An Giang nổi tiếng với rất nhiều loại trái cây đặc sản như sầu riêng, bơ, xoài... và không thể không kể đến dâu da. Tháng 4, những trái dâu da mọc chi chít trên cành bắt đầu chín vàng.
Núi Cấm tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang với độ cao khoảng 710m so với mực nước biển, còn được gọi là Thiên Cấm Sơn, cách TPHCM hơn 250km.
Đây được xem là "thủ phủ" của dâu da, một loại quả có vị chua nhẹ, hương thơm thoang thoảng, được nhiều người ưa thích. Hiện ở núi Cấm có 4 giống phổ biến là dâu da xanh núi Cấm, dâu xanh Gia Bảo, dâu Hạ Châu và dâu bòn bon.
Từ đầu tháng 4 tới tháng 6, những cành khẳng khiu trên cây nhường chỗ cho hàng trăm trái dâu tròn lẳn, vỏ bóng, vàng óng ả, mọc chi chít từ gốc tới ngọn, đếm mỏi mắt không xuể. Khi có mưa xuống thì trái bắt đầu ngọt dần, sẵn sàng vụ thu hoạch. Tuy nhiên nếu mưa lớn và dai dẳng thì trái dễ bị nứt.
Những cây lâu năm, phát triển tốt có thể cho thu hoạch vài trăm cân quả.

Dâu da núi Cấm nổi tiếng với vẻ ngoài đẹp mắt, múi to. Bóc lớp vỏ vàng ruộm bên ngoài sẽ lộ ra phần ruột gồm 2-3 múi, mỗi múi được phủ bởi một lớp mỏng trơn tựa như lụa, cắn vào có vị chua nhẹ, thanh thanh.
Các vườn dâu da ở An Giang chủ yếu được trồng thuận tự nhiên. Hợp thổ nhưỡng, thuận thời tiết, những cây dâu sinh trưởng tốt trên đất núi, giúp nông dân có thu nhập ổn định.
Với người sành ăn, họ muốn tìm dâu da xanh núi Cấm bởi hương vị truyền thống, đã tồn tại cùng đời sống cư dân trên núi nhiều năm nay. Nhưng ngày nay, dâu xanh Gia Bảo và dâu bòn bon được trồng nhiều hơn bởi có vị ngọt và năng suất cao.

Ngoài ăn trực tiếp, chấm muối ớt như món ăn vặt, ở một số vùng, dâu da còn được dùng để nấu canh chua, đem ngâm đường, hoặc làm gỏi. Nhiều nhà hàng đưa món gỏi gà dâu da, gỏi dâu da tôm thịt vào thực đơn.

Với gỏi gà, dâu da được khéo léo bóc vỏ, tách múi. Thịt gà luộc hoặc nướng xé miếng vừa ăn. Dâu da, thịt gà được trộn đều cùng tỏi bóc vỏ, ớt giã nhuyễn, thêm chút ít đường, bột nêm, thêm rau thơm xắt nhỏ và chút hạt điều rang.
Hồng Linh