
Một năm có bốn mùa. Như một quy luật của thiên nhiên, của đất trời, đông qua là xuân tới. Mùa xuân là khởi đầu của một năm và cũng là mùa mang đến những hy vọng, những nguồn sức sống mới căng tràn. Đất nước đang vào xuân. Không như mùa đông lạnh giá, mùa hè chói chang ánh nắng, mùa thu buồn với những chiếc lá vàng rơi, mùa xuân mang tới cho chúng ta một không khí ấm áp, dịu hiền. Cái thời điểm kỳ diệu của mùa Xuân khiến tâm hồn người ta bừng lên sự sống mới. Tô điểm cho cảnh đẹp mùa xuân là những loài hoa sặc sỡ và đặc biệt không thể thiếu là cành mai, bông đào. Nó đã trở thành biểu tượng đặc sắc nhất trong những ngày Tết hàng năm.

Đất nước đang vào xuân. Xuân về, chim muông cũng từ khắp nơi bay về hưởng sắc cảnh mùa xuân, mùa hội tụ sau một thời kỳ trú đông dài. Mùa xuân - mùa của sự sinh sôi. Mùa đem tới sức sống mới cho vạn vật trong đó cũng có cả con người chúng ta. Hơi ấm của mùa xuân lan tỏa khắp nơi, len qua từng chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ. Hơi xuân lướt nhẹ nhàng qua từng con phố, bay trên những con đường, hòa vào dòng người hối hả một cách chậm rãi để người người cảm nhận được mùa Xuân đang về. Hơi ấm của mùa xuân lan tỏa khắp nơi, vạn vật như bừng tỉnh sau những đêm dài lạnh lẽo của Mùa Đông.

Mùa xuân của đất nước là khi những cành mai vàng trước sân nhà đâm chồi nảy lộc, là lúc những người mẹ nôn nóng ngóng tin những đứa con đi làm xa chưa kịp về. Cuối tháng chạp, đầu xuân năm mới thường là dịp để gia đình đoàn tụ, dù xa hay gần, dù trong Nam hay ngoài Bắc, châu Âu, châu Mỹ… “Dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình” như lời bài hát “ngày Tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy.
Xuân đến, khắp nơi nơi đều được phủ một lớp màu đặc sắc của tất cả những loài hoa. Dường như mùa xuân cũng là mùa thi "sắc" của hoa, bông nào cũng cố gắng vươn mình trong nắng mai để khoe sắc. Trên núi rừng xa xôi, hoa mơ đang nở rộ trắng khắp một vùng Tây Bắc rộng lớn, hoa đào tô thắm vùng Đông Bắc còn hoa mai hòa mình vào ánh nắng vàng rực rỡ của Miền Nam. Trên khắp các làng quê, đường phố cây cối đều khoác trên mình một lớp chồi biếc xanh tươi mang đầy nhựa sống.

Khi mùa xuân đến, người ta tất bật dọn dẹp cửa nhà, nhà nào nhà nấy có cây chổi với cái cán dài lê thê để quét mạng nhện khắp trần nhà. Rồi dọn dẹp bàn thờ lại cho ngăn nắp, mang bộ lư đồng ra trước sân đánh cho bóng.
Mỗi năm chỉ đến Tết, bộ lư đồng trên bàn thờ mới lại được đem ra đánh bóng loáng một lần, sắc vàng óng ánh, tinh tươm. Rồi mọi người lại lo đi sắm sửa Tết, những cái gì đồ khô thì sắm trước, thực phẩm thì sắm sau. Ai nấy đều vội vã, đều háo hức để đón mùa xuân mới. Năm cũ sẽ khép lại, năm mới với những dự định mới những niềm vui mới sẽ đến trong lòng mỗi người, mỗi nhà…

Con người cũng không nằm ngoài lẽ tự nhiên ấy. Với tất cả dân tộc trên Trái đất, bất kể khác biệt về văn hóa, mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa gửi gắm những yêu thương tới mọi người. Xuân về cùng với quất hồng, hoa đào, hoa mai tươi thắm và những cánh én xôn xao, ta nghe tiếng khèn gọi bạn tình ở trên vùng núi cao, thấy những ánh mắt lúng liếng trao duyên ở các đám hội đồng bằng. Mùa xuân đem đến cho con người sự gần gũi với thiên nhiên, được cảm nhận và hòa mình vào sự thay đổi của sự giao mùa. Chính những sản vật được tạo hóa ban tặng cho Mùa Xuân làm cho chúng ta càng phải biết nâng niu và trân trọng.

Ngoài kia, mùa xuân của đất nước đang về. Tết gần về là gần đến ngày các em thơ được mặc áo mới, mang dép đẹp, thanh niên trai gái thấy lòng mình nôn nao. Mùa xuân về, các cụ cao niên biết mình sắp già thêm một tuổi, bận rộn lo lắng cho ngày Tết gần về, ai cũng muốn như những đứa trẻ ngoài kia, hí hửng chờ Tết đến, ai đấy đều thấy mình trẻ ra./.
Hương Lan