Trong cuộc sống vợ chồng, một lời khen đúng lúc sẽ làm cho bạn đời của mình thêm yêu mình hơn. Một lời chê khéo chẳng những làm cho bạn mình tiến bộ, sửa chữa thiếu sót mà còn thêm cảm phục mình. Đáng tiếc có nhiều người, chỉ vì không biết cách khen chê và khen chê không đúng lúc, đúng chỗ nên đã là nguyên nhân của những cuộc cãi lộn không đáng có, không khí gia đình đang “hòa bình” bỗng chốc biến thành “chiến tranh” và đôi khi dẫn đến những “cuộc chiến đấu một mất một còn” để bảo vệ danh dự của đôi bên…

Ngày chủ nhật trời nắng nóng, chị A. tranh thủ mang đống quần áo của chồng con ra giặt. Mồ hôi vã ra ướt đầm. Thế mà chồng chị đi chơi về nhìn thấy chiếc cổ áo trắng của anh vẫn còn chưa sạch, lập tức anh buông một câu gọn lọn:
- Có cái cổ áo giặt cũng không sạch. Bẩn như hủi !
Vốn không phải hiền lành, lại đang lúc mệt nhọc, chị A nhảy lên tranh luận:
- Biết là bẩn sao cứ bám vào. Này, nói cho mà biết, cũng chỉ tại cái đồ bẩn như hủi, mặc áo hàng tuần không giặt nên mới để cái cổ áo đen kịt như thế. Có mà đến cụ tổ nhà anh giặt cũng không sạch chứ đừng nói tôi.
À, cái con này láo! Mày giặt cho tao vài bộ quần áo mà mày lôi cụ tổ tao ra mà chửi à?
Và thế là cuộc tranh luận bằng mồm đã chuyển sang tranh luận bằng … chân tay.
Cũng ở trường hợp như vậy nhưng K lại xử sự khôn khéo, tế nhị. Chị V vợ anh là con út được chiều từ nhỏ, không phải làm gì nên vụng chân vụng tay, nấu ăn không ngon. Anh lựa dịp nói với vợ:
- Ở cơ quan anh, bọn nó nói với nhau là chắc vợ ông K không biết nấu ăn hay sao mà lần chiêu đãi nào ông ấy cũng lôi bọn mình ra quán. Tuần tới anh quyết định mời chúng nó về nhà ăn cơm để em cho chúng nó “biết tay”.
Và thế là quả đúng như anh K dự đoán, suốt một tuần chị V. hết tìm “quân sư” chỉ dẫn, lại tự mình mua sách dạy nấu ăn về thực hành. Cuối cùng thì bữa tiệc liên hoan tại gia cũng làm vui lòng các “thực khách” của cơ quan anh.

Biết cách chê đã khó, ngay cả khi khen cũng không phải không có lúc “dại dột”. Anh Q. sinh ra ở nông thôn nhưng công tác và lấy vợ thành phố. Bản chất siêng năng cần cù chịu khó nên hết giờ làm việc về nhà là anh tranh thủ ra dọn dẹp cuốc đất trồng cây. Thấy anh chịu khó, chị N, vợ anh, vừa cười toe toét vừa khen:
Gớm, chăm làm thế ! Chắc lâu không được làm ruộng nên nhớ phải không? Hôm rồi, em thuê một thằng “cửu vạn” mất 200 ngàn đồng mà nó làm chỉ bằng nửa anh thôi. Hì hì ! Lần sau cứ thế phát huy nhé!
Thấy vợ tỏ ý coi thường mình, nên anh Q. động lòng đỏ mặt.
- Cái loại ăn sẵn nằm ngửa, không nghề nghiệp gì, gặp được thằng nhà quê nó rước cho là may phước lắm rồi. Nếu không thì lấy… cám mà ăn. Đừng có lên mặt khinh người.
Chị N sững người nhìn chồng và biết mình bị mắng oan nên chị chạy vào buồng ôm mặt khóc thút thít.
Một trường hợp khác, chị T biết chồng chị thương mình yếu đuối nên thường xuyên giặt quần áo cho vợ, chị âu yếm:
- Làm hết cả việc của em rồi đấy. Để em chơi không à? Hôm rồi mấy chị ở cơ quan em đến chơi, tình cờ nhìn thấy anh giặt quần áo cho em, các chị ấy cứ bảo em tốt số, lấy được người chồng như thế có ăn đói mặc rách cả đời cũng sướng.
Nhìn ánh mắt chồng, chị hiểu ngay anh đang rất hạnh phúc và cảm động vì lời khen của chị.
Những câu chuyện kể trên chính là bài học cần thiết cho ta rút kinh nghiệm. Ai cũng biết lời nói chẳng mất tiền mua, song để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày của gia đình lại không phải đơn giản, dễ làm./.
Đào Quốc Thịnh