Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.
Tôi thích khuôn mặt đôn hậu, thích mái tóc luôn bới cao thơm mùi bồ kết của má. Và tôi đặc biệt thích mỗi khi nghe người trong xóm trầm trồ: “Má tụi bây làm lở núi lở non!”. Người ta nói vậy vì một quãng mấy năm, ba vắng nhà, mọi việc trong nhà, đồng áng… một mình má làm hết. Má bảo chị em tôi lo học hành cho đến nơi đến chốn, chuyện ngoài đồng để má lo.
Cuộc đời má đầy nhọc nhằn và thiệt thòi. Ông ngoại tôi là thầy giáo làng, bị giặc lấp vào một hố chôn tập thể khi má còn trong bụng ngoại. Khi má chưa rời vú mẹ, ông cố đành đoạn ép ngoại bước tiếp… Nước mắt vắn dài, ngoại tức tưởi nghe theo, bỏ má lại với cố.
Tuổi thơ má trầy trụa, câu chuyện ngày nhỏ của má chỉ toàn mùi mồ hôi quyện bùn đất. Một chữ bẻ đôi má cũng không biết. Má nài nỉ xin đi học nhưng ông cố không cho. Dưới sự rèn cặp khắt khe của ông cố, tay má chỉ cầm câu liêm, cái cuốc, chưa một lần chạm cây bút. Ngày Tết, má xin may một bộ đồ mới, ông cố la: “Không có tiền mua mắm mua gạo mà may máy chi cho tốn kém?”. Thế là bà cố lấy dao nhíp tự cắt may cho má tấm áo Tết… Những câu chuyện nghe còn thương tâm hơn mà mỗi lần má kể, chị em tôi lại bật khóc. Nhưng má bảo, nứt mắt ra đã lo bươn chải nên không còn thời gian để khóc than, ca thán…
Rồi ông cố nằm liệt giường. Má túc trực bên ông, ngày nào cũng lau mình, đút từng thìa cháo do chính tay má nấu. Rồi lại thu dọn gọn gàng, giường bệnh sạch sẽ… Lúc hấp hối, cố khó nhọc nhìn má, mắt ầng ậng nước... Má lo ma chay, giỗ chạp cho tới bây giờ. Biết cố thích ngọt, năm nào giỗ cố, má cũng làm chè khoai sáp…
Cha dượng bệnh nặng, má mua một con cá chép to đến thăm, hỏi han sức khỏe rồi hối hả vào bếp, lát sau bưng lên tô cháo thơm phức, kính cẩn mời ba, má. Người cha dượng run run húp cháo, gật đầu khen ngon và nói với má: “Chưa có đứa con nào nấu cho ba tô cháo ngon đến như vậy!...”. Ông và bà ngoại có tới 9 người con, nhưng khi ông nằm mê man, mấy con ra vô ép ăn, ép uống rồi ra về. Má đến thăm, không bao giờ tỏ ra vồn vã mà đến bên giường, nhẹ nhàng lau tay bóp chân, ôm mớ đồ bẩn đi giặt…Có lúc chị tôi càu nhàu sao má không đem ra mương nước trước nhà, lấy cây đập sạch rồi treo lên, ngoại có yêu thương gì cho cam, chỉ làm mình khổ thôi... Má cười: “Má làm vậy, nói rủi, lỡ sau này má liệt giường, các con cũng giặt đồ dơ cho má như ngày xưa má giặt cho ông ngoại ư?”.
Nhiều lần tôi hỏi má, thực lòng, má có oán hờn ông cố hay ngoại không? Má bảo, đã là người thân thì hơn thua làm gì. Ông cố là ba của người đã cho má giọt máu tượng hình. Ông ngoại là chồng của người mang nặng đẻ đau. Phận làm con phải trọn đạo, không phải để được tiếng thơm mà để trả ơn.
Lời má dạy, chị em tôi quyết khắc cốt ghi tâm. Má làm gương như vậy, hỏi làm sao chị em tôi dám không kính yêu, hiếu thuận!?...
Kim Phụng