banner 728x90

Bài 1: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI

08/10/2024 Lượt xem: 3270

Lời giới thiệu: Nhà báo Đào Quốc Thịnh là cây bút chuyên viết phóng sự, phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, nhưng những năm gần đây ông lại bén duyên với “du lịch”. Với phong cách viết độc đáo, hấp dẫn, gần gũi với bạn đọc, những bài viết quảng bá du lịch trong và ngoài nước của ông đã thu hút hàng chục ngàn lượt bạn đọc thường xuyên theo dõi và yêu thích.

Đặc biệt sau 2 tháng phối hợp với Sở Du lịch Bà Rịa Vũng Tàu và kênh truyền thông Quốc tế BBC (năm 2021), ông đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá du lịch trong nước và du lịch BR.VT ra nước ngoài, được Đại diện ủy quyền Đài Quốc tế BBC đánh giá cao và gửi thư cảm ơn, khen ngợi.

BBC Global News là kênh truyền thông lớn nhất và uy tín nhất của thế giới với hơn 450 triệu lượt xem kênh tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Qua đó cho thấy ông đã khẳng định là cây bút nhiều tiềm năng viết về du lịch.

Việt Nam đang vào mùa du lịch. Ban Biên tập Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết về du lịch Hàn Quốc mới đây của ông, để bạn đọc có thêm tư liệu nghiên cứu tham khảo. Xin trân trọng cảm ơn./.

BAN BIÊN TẬP

 

Bài 1: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI

Hàn Quốc là một đất nước xinh đẹp nằm ở phía Nam bán đảo Triều Tiên, một bán đảo trải dài 1.100km từ bắc đến nam, ở phần đông bắc của lục địa châu Á, nơi hải phận của bán đảo tiếp giáp với phần cực tây của Thái Bình Dương.

Phía bắc bán đảo giáp với Trung Quốc và Nga, phía đông là biển đông, xa hơn về phía đông là Nhật Bản. Thủ đô của Hàn Quốc là Seoul. 

Lãnh thổ Hàn Quốc trải rộng từ phía Đông và hướng về phía Nam của châu Á, diện tích đồi núi chiếm khoảng 70% tổng số diện tích khiến Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có địa hình đồi núi nhiều nhất trên thế giới. Các dãy núi trải dài dọc theo bờ biển phía Đông dốc thẳng về phía biển Đông, trong khi dọc theo bờ biển phía Nam và phía Tây, những ngọn núi thấp dần về phía đồng bằng ven biển nơi tập trung phần lớn cây trồng nông nghiệp của Hàn Quốc, đặc biệt là lúa gạo. Hàn Quốc cũng là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển.

Hàn Quốc có khí hậu ôn đới với 4 mùa rõ rệt. Mùa hạ nóng ẩm, từ cuối tháng sáu đến đầu tháng chín, nhiệt độ trung bình khoảng 25°C - có lúc cao nhất là hơn 38°C, mưa nhiều và nặng hạt. Những cơn mưa nặng hạt chỉ tập trung vào một quãng thời gian ngắn ngủi trong mùa hè. Mùa mưa được gọi là Jangma. Mùa đông từ đầu tháng mười hai đến hết tháng hai năm sau, nhiệt độ trung bình dưới 0°C, có tuyết rơi, thời tiết giá lạnh, rét buốt.

Khí hậu mát mẻ dễ chịu nhất là vào mùa xuân (từ tháng ba đến tháng năm) và mùa thu (từ tháng chín đến tháng mười một), bầu trời xanh trong, nhiệt độ không quá thấp, thỉnh thoảng cũng có mưa rào. Mùa xuân và mùa thu khá ngắn. Đầu mùa xuân, bán đảo thường có cát bụi vàng bởi gió cuốn về từ các sa mạc phía bắc Trung Quốc.

Hàn Quốc là một đất nước có một dân tộc duy nhất, nói và viết một thứ ngôn ngữ, điều này tạo thành bản sắc dân tộc của Hàn Quốc.

Thời điểm đẹp nhất và thuận lợi nhất để đi Hàn Quốc là vào mùa thu, bởi thời gian này thời tiết mát mẻ dễ chịu, ít mưa. Du khách còn có dịp chiêm ngưỡng những con đường, những cánh rừng ngập tràn màu đỏ, màu vàng của cây lá.

Một thời điểm thích hợp nữa để đi du lịch là mùa xuân. Mùa xuân đến, Hàn Quốc đắm chìm trong các lễ hội truyền thống như lễ hội văn hóa ở Hwaseong Suwon; Lễ hội câu cá hồi trên băng ở Sancheoneo Hwacheon; Lễ hội lửa ở Jeju;  Lễ hội bùn ở Boryeong… Du khách có thể thuê một bộ Hanbok rồi tham gia vào lễ hội như một người dân bản địa khi tới lễ hội Hoa Sen ở Thủ đô Seoul. Đây là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm và tìm hiểu về bản sắc, văn hóa, tính cách của người dân Hàn Quốc.

Cùng với không khí xuân mát mẻ, dễ chịu, nắng nhè nhẹ, không hanh hao, bạn còn được chiêm ngưỡng sắc hoa anh đào rực rỡ, sắc hoa mơ, hoa sơn thù du, hoa genari, hoa đỗ quyên, hoa cải dầu…

Có thể kể ra những địa danh du lịch nổi tiếng ở Hàn Quốc mà du khách thường ghé thăm là: Đảo Nami, Đảo Jeju, Cung điện Gyeongbokgung, Công viên Everland, Suối Cheonggyecheon, Tháp Namsan, Tháp Busan Tower, Công viên giải trí Lotte World Seoul, Làng Văn hóa Namsan Hanok, Blue House, Hồ Seokcheon, Bãi biển Haeundae, Vườn trúc Juknokwon, Công viên Quốc gia núi Hallasan, Thư viện Starfield, Chợ đêm Myeongdong, Viện Bảo tàng truyền thống dân gian Quốc gia Hàn Quốc, Quảng trường Gwanghwamun, Thủy cung Sealife Busan, Đảo Udo…

Tuy nhiên, trong khuôn khổ chuyến du lịch ngắn ngày, chúng tôi chỉ mới khám phá gần một nửa trên tổng số hơn 20 địa danh du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc.

Một trong số những địa điểm được xem là không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Hàn Quốc lần này mà chúng tôi ghé thăm là đảo Nami. Đảo Nami, hay còn gọi là Nami Island, là một hòn đảo nhỏ có diện tích 0,43 km2 nằm gần thị trấn Chuncheon, tỉnh Gangwon-do, cách Thủ đô Seoul khoảng 63 km về phía đông bắc. Đảo Nami tọa lạc trên hồ Namiseom, một hồ nhân tạo hình thành từ việc xây dựng đập Cheongpyeong trên sông Bukhan. Muốn sang đảo Nami, bạn phải đi phà mất khoảng 15 phút.

Tác giả và nữ hướng dẫn viên đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại Đảo Nami

Nếu như mùa xuân là mùa của hoa anh đào nở rộ, rực rỡ, thì mùa thu trên đảo Nami là mùa lá vàng, lá đỏ, mang đến một bức tranh tuyệt đẹp về sự chuyển mình của thiên nhiên, với sắc màu vàng rực của cây Ngân Hạnh, sắc màu đỏ ấm áp của cây Phong, tạo nên một không gian lãng mạn, đầy cảm xúc.

Điều thú vị trong chuyến đi này với tôi là những khám phá về cây Ngân Hạnh. Sắc vàng của cây Ngân Hạnh làm nên mùa thu Hàn Quốc không phải đến từ những bông hoa rực rỡ mà lại đến từ chính tán lá xanh mướt, rợp bóng của cây Ngân Hạnh mùa hè, loài cây được trồng khá phổ biến ở Hàn Quốc, chiếm tới hơn 50% số lượng cây đô thị, lá cây có hình giống chiếc quạt đang xòe ra.

Mùa thu cũng là mùa đẹp nhất trong năm của Hàn Quốc. Thời điểm này toàn bộ cây Ngân Hạnh sẽ chuyển sang màu vàng và rụng dần trong vòng 2 tuần. Mùa đông cây rụng hết lá và quả, để lại cành cây chuẩn bị cho một vòng tuần hoàn mới. Lúc này một câu hỏi đặt ra với tôi, tại sao người Hàn Quốc lại trồng nhiều cây Ngân Hạnh đến vậy (?!)

Đi sâu tìm hiểu về cây Ngân Hạnh, tôi được biết: Ngoài tác dụng làm cảnh, cây Ngân Hạnh còn có tác dụng rất lớn trong y học. Theo y học hiện đại, phần lá và hạt của quả Ngân Hạnh được dùng làm dược liệu. Các chất chiết xuất từ lá cây Ngân Hạnh được sử dụng nhiều trong dược phẩm. Quả Ngân Hạnh (gần giống quả mơ của Việt Nam nhưng nhỏ hơn quả mơ) sau khi thu hoạch sẽ bỏ vỏ và phần thịt bên trong để lấy phần hạt đem rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô. Lá Ngân Hạnh là dược liệu mang tên ngân hạnh diệp, cũng được sơ chế bằng cách phơi hoặc sấy khô để cất trong túi kín, ở nơi khô thoáng, không có côn trùng.

Phần thịt từ quả Ngân Hạnh có thể dùng với liều tối đa 10 - 20g/ngày ở dạng tán bột, nướng chín, hoặc sắc nước uống. Thành phần trong thịt quả Ngân Hạnh có độc nên không được ăn sống. Quả Ngân Hạnh nấu chín để ăn có thể chữa ho, hen, tiêu đờm, bổ phổi, chữa khí huyết trắng ở phụ nữ. Quả Ngân Hạnh tươi có thể sát trùng, tiêu độc, giải rượu, tiêu đờm. Dân gian thường dùng quả Ngân Hạnh chữa viêm phù khớp, viêm mũi, viêm phế quản, trị giun, trị cước chân do lạnh...

Cây Ngân Hạnh làm nên sắc vàng mùa thu Hàn Quốc

Không hiểu người Hàn Quốc sơ chế quả Ngân Hạnh ra sao chứ tôi thử bóc vỏ một quả Ngân Hạnh ra xem thì thấy mùi thối hoắc, chịu không nổi. Nếu ai đó vô tình nhặt một túi quả Ngân Hạnh lên xe ô tô thì chắc cả đoàn trên xe bỏ chạy hết. Ấy vậy mà người Trung Quốc rất thích ăn quả Ngân Hạnh, họ dùng quả Ngân hạnh như một thực phẩm vào dịp lễ Tết. Chắc họ biết cách sơ chế loại quả này.

Người ta trồng cây Ngân Hạnh còn nhằm mục đích ngăn chặn côn trùng vì cây tiết ra nhựa diệt vi khuẩn. Đúng thế, vì qủa Ngân Hạnh rụng đầy dưới gốc, nhưng tuyệt nhiên không có một con côn trùng nào đến gần.

Một khám phá thú vị khác với tôi trong chuyến đi này là ở Hàn Quốc rất ít thùng rác công cộng, nhưng vẫn rất vẫn sạch sẽ (?!)

Là một đất nước với diện tích 100.000 km2, dân số hơn 51 triệu người, Hàn Quốc là một quốc gia có mật độ dân số cao. Không có nhiều diện tích đất để chôn rác thải, đồng thời phải đối mặt với mật độ dân số ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, đất nước này rất chú ý đến việc phân loại và tái chế rác thải hàng ngày. Trên các đường phố Hàn Quốc, thùng rác công cộng xuất hiện không nhiều. Điều này nhằm ngăn chặn việc người dân và khách du lịch xả rác bừa bãi, không phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng rác. Người đi đường thường phải mang theo rác về nhà hoặc đến công ty để bỏ vào thùng rác quy định. Chiếc balô họ mang theo trên người cũng chính là thùng rác di động của chính họ. Điều này nói lên trình độ dân trí trong việc bảo vệ môi trường sống của người dân Hàn Quốc rất cao.

Tác giả và nam hướng dẫn viên đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại công viên Everland

Ở Hàn Quốc, nếu không tuân thủ quy định về việc phân loại rác theo hệ thống Jongnyangje, (hệ thống phân loại rác thải) người dân có thể phải chịu mức phạt lên đến 300.000 Won (khoảng 5,7 triệu VND).

Ngoài ra, việc vứt rác không đúng giờ và nơi quy định cũng có thể bị phạt. Thùng rác phải được xử lý theo quy định vào ngày và giờ trong tuần. Thời điểm vứt rác thường là từ 10 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Nếu bạn vứt rác không đúng nơi quy định và thời gian quy định, bạn sẽ phải nộp phạt. Mức phạt có thể lên đến 1 triệu won (khoảng 20 triệu VND).

Không chỉ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, mà môi trường sống của người dân Hàn Quốc phải nói là rất tốt nhờ diện tích cây xanh bao phủ khắp đất nước.

Đặt chân đến Hàn Quốc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các dãy núi cao được phủ kín một màu xanh non tươi tốt, trải dài tít tắp. Không hề có một ngôi nhà nào xây trên núi giống như ở Việt Nam. Điều này cho thấy họ bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt. Đó cũng là câu trả lời vì sao Hàn Quốc ít xảy ra hiện tượng sạt lở đất và lũ quét. 

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Hàn Quốc cũng rất sạch sẽ. Thiết bị vệ sinh tại các khách sạn công nghệ hiện đại. Thời tiết ở Hàn Quốc mùa đông lạnh dưới 0°C nên bồn cầu sưởi ấm là thiết bị vệ sinh thông minh ngày càng được nhiều người dân Hàn Quốc sử dụng.

Bên cạnh khả năng làm ấm bệ ngồi, nắp bồn cầu thông minh còn được tích hợp rất nhiều công nghệ và tiện ích hiện đại khác. Các ông bà già lớn tuổi ít tiếp xúc với công nghệ hiện đại, lần đầu đi du lịch Hàn Quốc thường bị “choáng” và loay hoay với các thiết bị này vì không biết sử dụng. Vào đúng lúc cần thiết, làm gì còn thời gian để đi hỏi…(cười) 

Hoa anh đào, biểu tượng cho mùa xuân ở Hàn Quốc

Tác giả Đào Quốc Thịnh 

(Còn nữa...)

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Đà Lạt, những chiều thu năm ấy

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Lạt vào một buổi chiều thu ba mươi năm trước. Tôi đi lang thang trên những con đường đất nhỏ bé vòng vèo, với một tâm trạng cô đơn, lãng du, đầy cảm xúc. Tiết trời se lạnh, tôi ngất ngây như lạc vào miền ảo mộng. Đà Lạt chiều thu, đất trời chìm trong sương mù giăng kín khắp mọi nơi, đâu đó tiếng đàn ghi ta bập bùng bản nhạc: "Ai lên xứ hoa đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Du lịch Đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Phú Quốc, nằm trong Vịnh Thái Lan, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam ở phía Tây Nam, cũng là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo lớn nhỏ khác tại đây. Phú Quốc cùng với các hòn đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Du lịch sinh thái, tâm linh: Chùa Bái Đính – Tràng An, một địa danh đặc sắc của châu Á

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha, bao gồm ba vùng liền kề nhau là Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.

Chùa Hương, điểm đến du lịch tâm linh

Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, lễ hội chùa Hương còn là một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, phản ánh những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Có thể nói, đó là hành trình tìm về cội nguồn, tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hành trình về miền đất Phật - chùa Hương không chỉ là một chuyến đi mà còn là một một trải nghiệm văn hóa ý nghĩa.

Du lịch Côn Đảo – Du lịch sinh thái, về nguồn

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, cách thành phố Vũng Tàu 185km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230km và cách cửa sông Hậu 83km. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 57 km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện Côn Đảo.

Du lịch Điện Biên – Du lịch sinh thái, về nguồn

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích 9.562,9 km2. Địa hình chia cắt, nhiều sông suối, đồi núi, có độ dốc lớn. Là tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (dài 360 km) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dài 40,861 km).

Chùa Yên Tử _ Điểm đến du lịch tâm linh

Chùa Yên Tử nằm trên đỉnh núi Yên Tử, thuộc khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Chùa Yên Tử nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 130 km và cách thành phố Hạ Long 40 km.

Du lịch Fansipan, trải nghiệm mùa tuyết rơi

Đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, là dãy núi cao nhất ba nước Đông Dương có độ cao 3.143m so với mặt nước biển, cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam. Fansipan còn gọi là là "Nóc nhà Đông Dương", giáp với tỉnh Lai Châu, có chiều dài khoảng 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang của chân núi Hoàng Liên Sơn rộng nhất là 75km và hẹp nhất khoảng 45km.
Top