banner 728x90

Bà Rịa - Vũng Tàu: Du xuân trên đỉnh núi Dinh

28/03/2024 Lượt xem: 2382

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh (Ảnh: Internet)

Núi Dinh nằm ở phía đông bắc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, dọc theo quốc lộ 51, cách thành phố Hồ Chí Minh 80 km và cách thành phố Bà Rịa chừng 6 km, thuộc địa phận Tp. Bà Rịa và huyện Tân Thành.

Núi Dinh từ lâu đã là địa điểm yêu thích của các bạn trẻ và những người đam mê thiên nhiên, ưa thích khám phá bởi sắc xuân rực rỡ nơi đây, một vùng non nước kỳ vĩ,  sơn thủy hữu tình. Sáng sớm, mây trắng bồng bềnh bay ngang lưng chừng núi, tạo cảm giác huyền ảo như ở chốn bồng lai thiên đường. Núi Dinh được xem là ngọn núi cao và độc đáo nhất của tỉnh BR-VT.

Hồi trước thế kỷ 18, 19, núi Dinh thường được gọi là núi Trấn Biên, cùng tên với vùng đất rộng lớn Biên Hòa - Bà Rịa, có các đỉnh Bao Quan cao 504 m, đỉnh núi Dinh cao 491 m, đỉnh núi ông Hựu cao 444 m thuộc địa bàn các xã Châu Pha, Hội Bài (cũ) của huyện Tân Thành và xã Long Hương thuộc địa bàn thành phố Bà Rịa.

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh (Ảnh: internet)

Sử sách ghi lại rằng, hồi đầu thế kỷ XX nơi đây vẫn còn là rừng nguyên sinh, với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, gồm nhiều loại gỗ hiếm: dâu, sao, bằng lăng, cẩm lai, sơn trà, chiêu liên, châm sừng, săng trắng, sến, gõ đỏ... Dưới tán rừng già là nơi cư trú của nhiều loài động vật như: hổ, khỉ, nai, dọc, gấu, heo, hoẵng, sóc, chồn, cầy hương, kỳ đà…

Trong quá khứ, núi Dinh từng ghi dấu bước đường di cư, quá trình khai phá vùng đất Nam bộ của người Việt. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Dinh là căn cứ cách mạng của bộ đội ta, nên núi Dinh được xem là một địa chỉ về nguồn, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1993.

Những ngày Tết, sau những cuộc hội họp, chúc Tết náo nhiệt, khi những cuộc vui cũng đã bắt đầu trở nên nhàm chán, ấy là lúc các bạn thanh niên tách ra từng nhóm nhỏ, tìm đến với thiên nhiên tươi đẹp. Cái thú leo lên đỉnh núi Dinh vẫn luôn hấp dẫn mọi người.

Ở trên núi, mùa xuân vừa mộc mạc, vừa thanh cao, với cảnh sắc thiên nhiên hoang dã. Du xuân trên núi là một thú vui, là cách tìm kiếm cho lòng mình sự thanh thản trước khi tiếp tục bước vào một năm mới đầy thách thức.

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh (Ảnh: internet)

Du xuân trên núi Dinh, các bạn được hưởng bầu không khí trong veo, mát mẻ, chiều tối se lạnh, sáng sớm sương phủ mờ…trên núi còn có cả những đồi thông rất thơ mộng giống như ở Đà Lạt, nên nơi đây được ví như “Đà Lạt của  Bà Rịa-Vũng Tàu”. Xa xa, lấp ló sau những vòm lá xanh thẫm của cây rừng là những ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo, nằm ẩn khuất trên triền núi, tạo nên nét huyền bí linh thiêng.

Toàn bộ khu vực núi với diện tích 60 km2 là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa phật giáo tâm linh. Với gần 100 ngôi chùa và các am thất xung quanh khu vực này đã tạo nên một quần thể không gian phật giáo. 

Đến chùa Hang Mai, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Phật nặng hơn 10 tấn, cùng với những ngôi chùa nổi tiếng khác như: Chùa Phật Quang, chùa Sầu Riêng, Chùa Diệu Linh, chùa Tây Phương …vào dịp Tết luôn đầy ắp khách hành hương về đây, thắp nén nhang thơm ngày đầu năm mới.

Du xuân trên núi Dinh cũng là dịp để các bạn về nguồn, tham quan các di tích cách mạng, tìm hiểu cuộc chiến đấu ác liệt gian khổ của bộ đội ta trước ngày đất nước toàn thắng. Cuối năm 1952 Thị uỷ Bà Rịa đã bí mật chuyển căn cứ hoạt động từ rừng Sác, xã Long Sơn về Núi Dinh.

Hang Dây Bí, hang Tổ, hang Mai, hang Dơi, hang Ông Trọng, căn cứ Bưng Lùng… chính là những căn cứ cách mạng của tỉnh ủy, thị ủy Bà Rịa Long Khánh, huyện ủy Châu Đức. Các địa danh này đều gắn liền với chiều dài lịch sử của vùng đất Bà Rịa Vũng Tàu. Trong hai cuộc kháng chiến, núi Dinh là cơ sở an toàn che chở cho các đơn vị thuộc chiến trường miền Đông Nam bộ.

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh

Một địa điểm tham quan trên núi Dinh (Ảnh: internet)

Chinh phục núi Dinh bao giờ cũng là hành trình đầy vất vả bởi đường đi quanh co và những đoạn dốc rất khó đi chằng chịt cây rừng, thế nhưng, với các bạn trẻ yêu thiên nhiên, thích khám phá, thì đây lại là một hành trình đầy hào hứng.

Cảm giác chinh phục đỉnh núi Dinh luôn là một trải nghiệm thú vị.  Đứng trên độ cao ngút ngàn của đỉnh Núi Dinh, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể nhìn thấy sông, biển và đồng bằng như đang chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên đa dạng nhiều màu sắc.

Không chỉ có Suối Đá, Suối Tiên, khu vực phía chân núi Dinh mới có các hồ nước trong vắt để các bạn thỏa thích tắm mát, thỉnh thoảng trên đường đi, bạn sẽ bắt gặp những dòng suối nhỏ, nước trong veo róc rách chen nhau chảy qua khe đá.

Đây cũng chính là địa điểm lý tưởng để các bạn nghỉ ngơi sau những chặng đường leo núi vất vả, thấm mệt. Trong không gian tĩnh lặng, dưới những tán cây cổ thụ, nghe tiếng chim rừng hót líu lo, tiếng nước chảy “róc rách”, tiếng chuông chùa thánh thót, tiếng gõ mõ tụng kinh lóc cóc đâu đó vọng lại xa xăm … đó chính là thời khắc mà những người du xuân trên núi cảm thấy thanh tịnh, bình yên đến lạ.

Mỗi con đường ngoằn ngoèo trên núi Dinh lại mang đến cho các bạn những cung bậc cảm xúc khác nhau trước những nét hoang sơ của đất trời. Gió reo vi vu trên những cành lá . Lác đác giữa rừng cây một vài bông mai vàng rực. Những cây hoa sứ nở trắng cành.

Những chùm hoa dại li ti đủ màu sắc, chấp chới tìm ong bướm. Nếu may mắn bạn có thể tìm gặp được một vài con thú lạ. Một con tắc kè trên thân cây vắt ngang qua đầu người, ngó nghiêng nhìn bạn.

Một con chim chào mào đỏ bay vụt qua. Một chú dê con của những người dân xóm núi lạc bầy kêu be be…tất cả đều mang đến cảm giác là lạ, vui vui, mà chỉ những người du xuân trên núi mới có thể cảm nhận được.

Leo núi ngày xuân, tìm một mỏm đá nào đó ngồi nghỉ, để có thể ngắm nhìn dòng sông Thị Vải xa xa, thu gọn toàn cảnh thành phố Bà Rịa cũng như các khu công nghiệp Tân Thành trong tầm mắt, dưới một gốc cây Mai hoa đua nở, làm một bữa ăn trưa trong tiếng cười vui vẻ của bạn bè. Đó chẳng phải là một chuyến du xuân đầy ý nghĩa sao?...

                                                                                                                   Đào Quốc Thịnh

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, như: Lễ Cầu đảo với nghi lễ truyền thống mở cửa biển, gợi những ký ức về biển của người Chăm; hay Lễ hội Ka tê đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Không gian lễ hội của cộng đồng người Chăm luôn ngập tràn sắc màu văn hóa, từ trang phục, nhạc cụ, điệu múa truyền thống… đến tín ngưỡng dân gian.

Ngôi chùa Khmer xây bằng đá granit nằm ở độ cao 45m, được ví như chốn ‘bồng lai tiên cảnh’ giữa núi rừng

Đây là ngôi chùa có lối kiến trúc chứa đựng nhiều huyền tích của đồng bào dân tộc Khmer.

Sống động di sản văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu dịp lễ 2/9

Gần 400 hình ảnh, hiện vật, di sản văn hóa Óc Eo đang được trưng bày sống động tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thể hiện góc nhìn khái quát, giá trị quý về một trong ba nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Nghề đan võng ngô đồng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm (đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một di tích tại Bà Rịa - Vũng Tàu được xếp hạng cấp quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức công bố quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với "Di tích lịch sử địa điểm trận chiến ngày 6.6.1969 tại Bình Ba" trên địa bàn.

Tháp Bình Sơn - Ngọn tháp bằng đất nung cao nhất còn lại tới ngày nay

Kiến trúc tháp Bình Sơn mang dấu ấn độc đáo, dù được xây dựng từ thời Lý-Trần vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn, và là ngọn tháp cao nhất được xây dựng bằng đất nung còn lại cho tới ngày nay.

Những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam, điểm đến tâm linh của khách thập phương

Những ngôi chùa tại Việt Nam không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân mà còn là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Dưới đây là những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam, mỗi ngôi chùa đều mang một nét đặc trưng riêng biệt và lịch sử lâu đời.

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Từ bao đời nay, người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu coi nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Vì thế khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống là vật dụng quan trọng không thể thiếu trong gia đình người Lự.
Top