banner 728x90

Áo Cà Sa – Biểu Trưng Của Sự Giác Ngộ Và Phật Pháp

03/04/2025 Lượt xem: 2711

Không như pháp phục của những tôn giáo khác, chiếc áo cà sa của đạo Phật không thuần túy chỉ là chiếc y che mình mà đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu trưng của Phật giáo. Đối với hàng phật tử xuất gia, được khoác trên mình chiếc y cà sa để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc, an lành và thành tựu.

Cà sa – dịch từ tiếng Phạn là kasaya tên đầy đủ là cà sa duệ, theo nghĩa đó, kasaya không có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách chữ Hán dịch kasaya là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch chữ này là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn… Tóm lại, chiếc áo cà sa của người Phật tử xuất gia tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, giản dị và khiêm nhường nhất.

Nguồn gốc của chiếc áo cà sa

Cà sa là tên gọi chung các loại y phục dành riêng cho hàng Phật tử xuất gia. Sở dĩ có sự khác biệt về chiếc y cà sa giữa các tông môn, hệ phái Phật giáo là do tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu, phong tục, tập quán… ở các khu vực khác nhau nên chiếc y cà sa cũng có những thay đổi cho phù hợp.

Theo Luật tạng, chiếc y cà sa do đức Phật chế, được hình thành do lúc ban đầu, Tăng đoàn của Phật y áo không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimfbisara) của nước Ma-kiệt-đà[i] (Magadha), một đệ tử của đức Phật, mới đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà[ii] (Ànanda) đang du hành phương Nam để thuyết giảng, Phật thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những đoạn bờ thẳng tăm tắp. Phật liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, chiếc y cà sa mang hình những thửa ruộng, được chắp nối vào nhau bằng những mảnh vải như hình những thửa ruộng được ngăn cách bởi những đoạn bờ. Cũng vì thế trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn được gọi là cát triệt y, điền tướng y tức là áo hình thửa ruộng.

Chiếc y cà sa mang hình những thửa ruộng

Các loại y cà sa

Y cà sa được may theo hình chữ nhật, chia ra làm ba loại là tiểu, trung, đại. Tiểu y gọi là y An-đà-hội (Antaravasaka) là y mặc bên trong. Y An-đà-hội chỉ có 5 mảnh nên còn gọi là y ngũ điều, cả tấm y gồm mười miếng, cứ 1 miếng dài, 1 miếng ngắn ráp lại vào nhau theo chiều dọc gọi là một điều. Trung y gọi là y Uất-đa-la-tăng (Utarasangha) là y mặc ở trên y An-đà-hội. Y này gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, cứ 2 miếng dài thì 1 miếng ngắn ráp lại thành một điều. Đại y gọi là y Tăng-già-lê (Sangati) là y đắp ngoài của chư tăng. Y này gồm 9 mảnh nên còn gọi là y cửu điều. Cả tấm y gồm 27 miếng, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn ráp lại gọi là một điều. Luật Phật cũng quy định, tùy theo cấp bậc và đạo hạnh mà chiếc y Tăng-già-lê có thể có từ 9 đến 25 điều. Những vị càng đạo cao đức trọng càng có tấm y Tăng-già-lê nhiều điều.

Màu sắc của y cà sa

Màu sắc của chiếc y cà sa không nhuộm hẳn bằng một màu nào cả, tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, vì vậy, chiếc y cà sa được pha trộn nhiều màu để tạo ra một màu sắc thật giản dị, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kasaya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu nối với nhau. Ngày nay tùy theo truyền thống của từng pháp phái, địa phương, phong tục, khí hậu… mà chiếc áo cà-sa cũng phần nào có sự cải biến, từ cách may cho đền màu sắc. Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà sa theo phép quy định) gồm màu gần như đen (màu thâm, màu bùn đất), màu gần như xanh (màu rỉ đồng) và màu gần như đỏ (màu hoa quả).

Màu sắc y cà sa

Ý nghĩa của chiếc áo cà sa

Chiếc cà sa của đạo Phật ngoài tác dụng để che thân còn có tác dụng như một tấm chăn đắp hay dụng cụ để ngồi, vì vậy, chiếc y cà sa còn có tên gọi là phu cụ (dụng cụ để đắp) hay tọa cụ (dụng cụ để ngồi). Chiếc y cà sa được may bằng cách ráp nối những mảnh vải vụn lượm lặt lại với nhau, theo cách này sẽ tận dụng và tiết kiệm vải rất nhiều và có thể thay các miếng khác nhau khi có miếng nào bị rách, hỏng. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa khiêm nhường và giản dị của chiếc y cà sa

Y cà sa mang ý nghĩa thiêng liêng biểu tượng cho những gì trân quý cao cả nhất của Phật pháp và giáo pháp

Chiếc y cà sa có nhiều mảnh cũng là sự biểu trưng cho con đường tu tập hướng đến giác ngộ có nhiều thứ lớp, giai đoạn. Đức Phật đã trải qua vô lượng kỳ kiếp để đạt đến chứng quả Bồ đề. Mỗi hành giả đời sau phải liên tục tích lũy công đức, tạo phúc, sửa chữa lỗi lầm, làm cho tâm trong sạch, bảo vệ tăng đoàn trước những nghiệp chướng, biết chờ đợi đủ nhân duyên, đúng thời kỳ mới có được thành tựu

Chiếc áo cà-sa qua thời gian, không gian đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng đất nhưng những biến đổi đó không làm mất đi những giá trị biểu trưng, những hình tượng tiêu biểu của đạo Phật.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Từ và rải tâm từ

Tình thương không có hình thù, không hương vị, không thể cầm nắm được nhưng không có nó thì nhân loại sẽ chìm vào khổ đau. Và cũng nhờ vào cái tưởng chừng như là không thấy gì ấy mà mọi rào cản được xóa bỏ, con người trở nên gần nhau, yêu thương và tha thứ, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa chuông, trống Bát Nhã trong thiền môn

Trong nhà Phật, mỗi một pháp cụ đều có một ý nghĩa đặc biệt, riêng có. Tiếng trống, tiếng mõ hay tiếng chuông trong thiền gia khi cất lên lên đều ngầm có ý là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành. Và mỗi pháp cụ khi sử dụng, đều có phương pháp và cách thức riêng.

Phật giáo là chân lý cần thiết cho đời sống an lạc của nhân loại

Albert Einstein, cho rằng đạo Phật không cần phải xét lại chính mình, vì Phật giáo là chân lý luôn luôn cần thiết cho đời sống an lạc của nhân loại. Đạo Phật nổi tiếng với lời nói “Mời bạn đến và thấy” (Ehipassiko), nhẹ nhàng đi vào thế giới trí thức bởi tính chất trí tuệ nhân bản của nó.

Tỉnh giác với tham ái

Trong vòng luân hồi sinh tử vô tận, ái được xem là sợi dây vô hình trói buộc chúng sanh vào đau khổ. Yêu thương vốn dĩ là điều tốt đẹp, nhưng nếu không có trí tuệ soi đường, nó lại dễ dàng biến thành ái nhiễm, gây ra muôn vàn khổ lụy khi đối diện với hiện thực biến hoại, vô thường.

Pháp “An cư” là một Phật sự quan trọng và thiết thực của Tăng Ni

Mùa an cư là là giai đoạn để chư Tăng, chư Ni chuyên tâm tu tập tại một trú xứ, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, phẩm hạnh. Đó là ý nghĩa quan trọng của việc an cư đối với tất cả Tăng Ni.

Nguồn gốc và ý nghĩa mùa an cư kiết hạ

An cư kiết hạ là pháp tu hành của người xuất gia trong ba tháng hạ đã có truyền thống từ thời Đức Phật còn tại thế. Vậy ý nghĩa của an cư kiết hạ là gì? Chư Tăng làm gì trong mùa an cư kiết hạ?

Phật giáo Việt Nam - Hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc

Phật giáo, từ khi du nhập vào Việt Nam hơn hai nghìn năm trước, đã không đơn thuần là một tôn giáo, mà còn là một dòng chảy tâm linh sâu lắng, gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc. Từ thời kỳ Bắc thuộc, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến thời hiện đại, Phật giáo luôn hiện diện như một cội nguồn đạo đức, một sức mạnh tinh thần bất diệt trong lòng dân tộc Việt Nam.

Tháng Saga Dawa - Sự hội tụ của ba sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật

Từ ngày 28/5 đến ngày 25/6/2025, tháng thứ tư theo lịch Tây Tạng được gọi là Saga Dawa, là thời điểm đặc biệt trong năm đối với những người con Phật, cùng nhau tích lũy công đức để kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Top