banner 728x90

Tản văn: Hoa lau

25/01/2025 Lượt xem: 2644

Cuối tuần, vào quán cà phê nhìn thấy cành hoa lau khô trang trí trên vách tường, trong lòng chợt ùa về những ký ức tuổi  thơ. Ở vùng trung du miền Trung quê tôi, bây giờ  hoa lau đã bung trắng sườn đồi. Trong hơi thu hiu hắt, màu lau trắng như mái tóc của mẹ một đời cơ cực, vương vất buồn như làn khói thuốc của cha ngồi bên hiên nhà ngóng con từng ngày!  

Hoa lau! Mỗi lần thấy màu trắng bàng bạc ấy lòng lại trào dâng nỗi buồn của sự chia ly, chơi vơi những bông lau lay động như cánh tay vẫy chào tiễn đưa ta ngày xa quê đi lập nghiệp. Hoa vô tình nhưng người hữu ý, từ ngàn năm trước thơ văn cũng đã chọn cái thân gầy mong manh hiu hắt, cái sắc trắng ám ảnh của lau để diễn tả nỗi cô đơn sắc lạnh! Chẳng phải xưa kia Bạch Cư Dị đã chia tay người bạn tâm giao trong đêm trăng tuyệt đẹp, giữa làn gió lạnh lay động bờ lau đó sao 

“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”.

Và khúc sông lau lách đìu hiu ấy là chứng nhân cho cuộc tao ngộ của thi nhân với người kỹ nữ tài hoa bạc mệnh, để rồi đời sau biết đến một Tỳ bà hành trác tuyệt. Mấy trăm năm sau, thi hào Nguyễn Du cũng đã dùng sắc trắng hoa lau để diễn tả nỗi chia ly hiu quạnh của Thúy Kiều giữa dòng đời lưu lạc:

“Vi lô san sát hơi may/

Một trời thu để riêng ai một người”

(theo Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh: vi lô là cỏ lau)!

Và còn biết bao nhiêu nữa áng văn đầy nỗi niềm về lau. Dường như hoa lau có mặt ở trên đời là để chia sẻ với con người về một thế giới tinh thần thăm thẳm. Sự im lặng của hoa là giao cảm lớn nhất an ủi tâm hồn con người trước mỗi cuộc chia ly.

Hoa lau! Mỏng manh nhưng đầy kiêu hãnh! Từ ngàn đời nay, từ đầu nguồn cho đến cuối bãi, mặc cho mưa gió cỏ lau vẫn hiên ngang đứng trong trời đất, vươn mình đón những làn gió đông khắc nghiệt. Giống như người Việt nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước một thế lực thù địch nào. Ngược dòng lịch sử, lau lách còn gắn với những trang sử vàng của dân tộc. Chẳng phải xưa Triệu Quang Phục chọn đầm Dạ Trạch nhiều lau lách để làm căn cứ khởi nghĩa chống lại nhà Lương (Trung Quốc); Nguyễn Thiện Thuật với khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Đầm Dạ Trạch, Bãi Sậy um tùm lau sậy phù hợp với cách đánh du kích, đã trở thành tử địa của quân thù. Lau lách còn gắn với tích chuyện “lấy bông lau làm cờ” của Đinh Bộ Lĩnh. Phải chăng, chính ngọn cờ lau của tuổi thơ đã góp phần nuôi dưỡng ý chí, khát vọng để rồi khi lớn lên mới có Đinh Tiên Hoàng - thống nhất loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt lừng lẫy về sau?!  

Hoa lau! Tôi đã bao lần đứng ngẩn ngơ khi bắt gặp sắc lau trắng kỳ ảo của hoa trên những núi đồi của vùng đất “Bình Trị Thiên khói lửa”. Suốt mấy trăm năm chiến tranh giặc giã, không ít người đã nằm lại với núi đồi, suối khe. Và trên khắp nước Việt này, với mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, còn biết bao người đã nằm lại với núi đồi, đồng bãi hóa thân mình vào đất mẹ chưa một lần được về quê hương. Giữa trời đất hoang vu lộng gió, nhìn ngàn vạn bông lau bung trắng chạy dài theo sườn đồi mà ngỡ như bà mẹ thiên nhiên đang tiễn đưa, tưởng nhớ những người con đã khuất! Có điều gì giản dị mà thiêng liêng hơn thế!

Hoa lau! Một gạch nối ngẫu nhiên thú vị cho những ai trót mê đắm loài cây - hoa dại này.

Phúc Nguyên

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.

Tản văn: Chia tay tuổi học trò

Tháng 6 lặng lẽ đi qua, cánh phượng hồng chớm nở khẽ khàng như một lời nhắc nhở: một năm học đã khép lại. Trên những vòm cây già, tiếng ve lại ngân lên bản nhạc mùa hạ hối hả mà cũng tha thiết đến nao lòng. Có người bảo tiếng ve là khúc ca tiễn biệt tuổi học trò. Với tôi, đó là âm thanh của ký ức – thứ ký ức mãi xanh trong miền sâu thẳm của trái tim.

Tùy bút: Sài Gòn mưa

Sài Gòn mưa. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè có một cơn mưa xuống làm con người dễ chịu hơn. Mưa đêm. Được ngửa cổ nhìn trời mà đón những giọt mưa. Cho đỡ khát, cho trôi đi khói bụi của bao ngày.

Cốm làng Vòng – Mùa thu Hà Nội

Không biết tự bao giờ, cái tên cốm làng Vòng đã trở thành nỗi nhớ xanh non của đất Kinh kỳ. Người Hà Nội đi xa, mỗi độ thu về, lại bâng khuâng ngậm ngùi khi nghĩ tới hương cốm phảng phất trên những con phố xưa, như một lời nhắc nhở dịu dàng về tuổi thơ đã qua và quê nhà còn đó.

Tản văn: Chia tay mùa hè

Mùa hè năm ấy, mặt trời như treo mãi trên đỉnh cao xanh biếc, rắc xuống trần gian thứ ánh sáng vàng ươm ngọt lịm. Con đường dẫn lối về khu vườn nhỏ bỗng bừng lên rực rỡ, từng phiến lá xanh thẫm lấp lánh như vẫy chào người qua. Ta vẫn nhớ rõ hương hoa nhài thoang thoảng, tiếng ve ngân dài như khúc dạo đầu cho một cuộc chia tay lặng lẽ, mà cũng vô cùng tha thiết.
Top