banner 728x90

Phong tục kết bạn “tồng” của người Tày

31/10/2024 Lượt xem: 2355

Phong tục kết bạn “tồng” của người Tày ở Cao Bằng là một phong tục có từ lâu đời, gắn kết những người có sự đồng điệu về tâm hồn, tính cách, muốn chia sẻ buồn vui với nhau trong cuộc sống.

Trong tiếng Tày “tồng” có nghĩa là “giống nhau”, “hợp nhau”. Khi hai người bạn muốn kết bạn “tồng” thường sẽ có nhiều sở thích chung, đồng điệu về nhiều mặt như: “Tồng” niên (cùng tuổi); “tồng” chí hướng (cùng chung chí hướng về học hành, thi cử, nghề nghiệp...); “tồng” sở trường (hát hay, nhảy đẹp, học giỏi...)... Họ chia sẻ với nhau về công việc và cuộc sống giống như anh em ruột thịt nên việc kết “tồng” là sợi dây gắn kết những người bạn trở thành thành viên trong gia đình.

Anh Đinh Hữu Thuật, xóm Khau Lùng, xã Đức Long (Thạch An, Cao Bằng) chia sẻ: Tôi và anh Đinh Văn Tính, xóm Nà Vài, xã Danh Sỹ (Thạch An) đã kết “tồng” gần 20 năm. Chúng tôi quen nhau từ khi còn nhỏ, có nhiều sở thích giống nhau, hợp nhau về tính cách và tâm hồn nên xin phép gia đình bố mẹ 2 bên chọn ngày kết làm bạn “tồng”. Sau khi kết “tồng”, chúng tôi càng thêm thân thiết hơn, các con của tôi và con anh Tính đều gọi hai chúng tôi là bố “tồng”. Mỗi khi gia đình tôi có việc, anh Tính luôn có mặt giúp tôi lo liệu chu toàn.

Người Tày chỉ kết một đến hai bạn “tồng” trong cuộc đời dù có nhiều bạn bè thân thiết. Kết “tồng” chỉ giữa nam với nam, nữ với nữ, không nhất thiết phải cùng dân tộc Tày, hay cùng họ. Để kết bạn “tồng” ngoài những điểm tương đồng cần phải thực hiện nghi lễ kết “tồng” chính thức ở mỗi gia đình. Hai bên gia đình chọn ngày lành tháng tốt, mỗi gia đình một ngày khác nhau để tổ chức lễ kết bạn “tồng” cho đôi bạn, các thủ tục của hai bên gia đình đều giống nhau. Lễ kết bạn “tồng” phải có sự chứng kiến của anh em, họ hàng thân thiết gia đình hai bên.

Kết bạn “tồng” là một phong tục mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Trong ngày kết bạn “tồng”, người bạn đến gia đình đối phương nhận làm bạn tồng phải mang theo lễ vật là một con gà giò hoặc gà thiến, gà luộc, xôi, gạo tẻ, gạo nếp, bánh kẹo, hoa quả... Lễ mang theo phải đầy đủ với ý nghĩa sau này sẽ cùng ăn chung cơm, khó khăn, hoạn nạn có nhau và trở thành người một nhà. Sau khi thắp hương ra mắt tổ tiên, mọi người cùng ăn bữa cơm thân mật. Dưới sự chứng kiến, công nhận của ông bà, cha mẹ, người thân hai người chính thức như anh em ruột thịt trong nhà. Trước khi bạn “tồng” về, gia đình bên kia chuẩn bị sẵn lễ đáp lại gồm nửa con gà luộc, xôi, quần áo mới, bát, đũa, bánh kẹo... như một lời công nhận bạn “tồng” trở thành người thân trong nhà, những lễ vật đáp lại mang ý nghĩa sau này sẽ cùng trải qua hoạn nạn, khó khăn hay hạnh phúc, vui vẻ.

Sau khi kết “tồng”, họ coi nhau như anh em ruột thịt, thường xuyên qua lại cũng như tham gia tất cả mọi công việc cưới hỏi, ma chay của cả hai bên gia đình. Bạn “tồng” sẽ cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Nếu không may ông bà, cha mẹ mỗi bên qua đời, người bạn “tồng” cũng như một người con trong gia đình phải sắm lễ vật đến lễ tế và để tang. Đây là một phong tục rất độc đáo mà ít nơi có, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Ngày nay, nhiều phong tục, tập quán của người Tày ít nhiều bị mai một, tuy nhiên phong tục kết bạn “tồng” vẫn được lưu giữ vẹn nguyên, chứa đựng những giá trị nhân văn, cao đẹp về truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái giữa con người với con người.

Theo baocaobang.vn

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Trống, chiêng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc

Trống, chiêng là bộ nhạc cụ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thường ngày và văn hóa tín ngưỡng truyền đời của đa phần đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Nhạc cụ này gắn liền với mọi nghi lễ truyền thống, được coi là linh hồn trong văn hóa tinh thần.

Cúng việc lề – Nét văn hóa đặc trưng của người Việt vùng Tây Nam Bộ

Cúng Việc lề là nghi thức cúng truyền thống theo việc đã thành lề thói, thành lệ, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung.

Những tục lệ trong ma chay của người Việt

Ma chay là phong tục không thể thiếu được ở tất cả các nền văn hóa, quốc gia trên thế giới. Tuy là chung cùng một mục đích là để tưởng nhớ người đã khuất song mỗi nơi lại có cách thể hiện khác nhau. Theo văn hóa ma chay người Việt, khi một người mất tuỳ quan hệ huyết thống và tình nghĩa thân sơ, mà phân ra các mức thọ tang khác nhau để khắc ghi sự thương tiếc.

Lễ hội Cha Kchiah của người Giẻ Triêng

Đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một lễ hội truyền thống rất độc đáo là lễ hội Cha Kchiah (hay còn gọi là lễ hội ăn than). Tiếng dân tộc Giẻ Triêng, từ Cha là ăn, còn Kchiah là than, vừa là tên gọi của một loài cây mà người Giẻ Triêng dùng để đốt lấy than, phục vụ cho lò rèn truyền thống.

Cưới hỏi – Lễ tục xưa và nay

Hôn nhân là nguồn gốc của sinh tồn, là cội rễ của hạnh phúc. Do vậy, từ xưa đến nay, ở bất cứ xã hội nào, tầng lớp, giai cấp nào, cưới hỏi cũng luôn được coi trọng, nhất là ở các lễ nghi, lễ tục.

Lễ bốc Mó của dân tộc Thổ

Từ xa xưa, trong tâm thức và tín ngưỡng của dân tộc Thổ (Nghệ An), Lễ bốc Mó hay còn gọi là Lễ cúng đền Mó, khai Mó nước đầu năm là lễ tục đặc biệt quan trọng được tổ chức hàng năm. Nghi lễ này mang ý nghĩa khai thông mó nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, nguồn nước dồi dào để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và việc tưới tiêu của nông dân.

Chiếc địu văn hóa đẹp của đồng bào vùng cao

Chiếc địu đã trở thành phong tục, thành nét văn hóa đẹp của đa số đồng bào các dân tộc vùng cao ở Việt Nam. Phong tục này đặc biệt thể hiện rõ nét ở đồng bào Tày, Thái…

Nét văn hóa trong nông cụ truyền thống của người Tày, Nùng

Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mọi dụng cụ lao động truyền thống phục vụ sản xuất, sinh hoạt được người Tày, Nùng khéo léo làm ra từ những nguyên liệu mộc mạc, có sẵn. Đến nay, nhiều vật dụng vẫn tồn tại và được lưu giữ, tạo nên nét đặc sắc văn hóa của địa phương.
Top