banner 728x90

Tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen - Tây Ninh

02/07/2024 Lượt xem: 2549

Núi Bà Đen không chỉ được biết đến là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ mà còn là nơi có nhiều truyền thuyết tín ngưỡng dân gian, là điểm hành hương tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách thập phương khắp bốn mùa.

Toàn cảnh núi Bà Đen 

Vị thần được thờ chính trên Núi Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, tức Bà Đen. Bà được thờ cúng tại một Điện thờ nằm trong thạch động lưng chừng núi, cạnh chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Lễ Vía Bà vào tháng 5 âm lịch được xem là lễ hội dân gian quan trọng nhất ở núi hằng năm. Mặc dù sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian là điều thường thấy ở các đền, chùa qua các mô hình thờ cúng, thế nhưng một mô hình lễ hội có sự kết hợp giữa dân gian và tôn giáo như Lễ Vía Bà Đen là một sự hiếm có. Bà Linh Sơn Thánh Mẫu – một trong những biểu tượng thờ mẫu điển hình ở Nam bộ đã được “Phật hóa” tại núi Bà Đen – Tây Ninh, vì thế Lễ Vía Bà nơi đây có sắc thái riêng, ít gặp ở nơi nào khác. Bởi lẽ, Bà vừa là Bồ tát, nhưng cũng là một Nữ thần, một Thánh Mẫu trong tâm thức dân gian.

Có rất nhiều truyền thuyết về sự tích núi Bà Đen, về Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Hầu hết các truyền thuyết được kể lại đều dựa trên cơ sở văn hóa – xã hội, lịch sử, địa lý của Tây Ninh. Truyền thuyết mà mọi người hay nhắc đến nhất kể rằng, ở vùng quê xưa thuộc huyện Trảng Bàng ngày nay có người con gái tài sắc mang tên Lý Thị Thiên Hương, tuy nước da ngăm đen nhưng rất có duyên. Thuở ấy, núi Bà Đen còn mang tên là núi Một, trên núi có pho tượng phật bằng đá, người dân thường đến đó cúng bái. Xinh đẹp nên Lý Thị Thiên Hương bị con nhà quan lại ép uổng nhân duyên; không ưng thuận nên bị chúng lập mưu chặn đường cưỡng bức trong một lần viếng núi.

Được chàng trai nghèo giỏi võ trong vùng tên là Lê Sĩ Triệt ra tay cứu thoát, cảm ơn ân nghĩa nên nàng xin gia đình hai bên cho hẹn ước nhân duyên, nhưng gặp thời loạn lạc chàng trai phải tòng quân. Ở nhà, nàng Thiên Hương chung thủy đợi chờ và thường lên núi cầu trời khấn Phật cho người đi chinh chiến. Một lần, bị bọn tay sai quan lại vây bắt, nàng gieo mình xuống vực sâu tử tiết, không chịu ô uế tấm thân.

Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Vài ngày sau, nàng báo mộng cho nhà sư trụ trì chùa trên núi đến tìm, mang xác về chôn cất. Từ đấy, chuyện về nàng gắn liền với những điều linh thiêng thường xuyên xuất hiện, qua truyền tụng của nhân dân đã đến tai quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Chuyện được tâu về triều đình và vua Gia Long sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu; còn người dân căn cứ vào nước da của bà nên gọi là Bà Đen.

Dù là huyền thoại bí ẩn nhưng truyền thuyết về Bà Đen thể hiện hình tượng người phụ nữ Nam bộ thủy chung và trung trinh tiết liệt; cũng góp phần làm sáng tỏ đặc điểm địa lý, lịch sử vùng đất Tây Ninh trong những ngày đầu khai phá. Trong truyền tụng dân gian, người ta kể rằng chính Vua Gia Long đã sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, nơi động thờ bà là Linh Sơn Tiên Thạch Động; và cũng chính vua đã cho đúc cốt bà thành tượng đồng đen để phụng thờ.

Như vậy, cho đến tận năm 1849, núi mới được đặt tên là Linh Sơn và chính thức được triều đình ghi vào danh sách những vị trí linh thiêng, cần được thờ tự của non sông, đất nước. Tờ sắc phong của Vua Gia Long đã không còn, đến đời Bảo Đại, bà lại được sắc phong “Linh Sơn Thánh Mẫu tôn thần”, do chiến tranh nên tờ sắc phong thứ hai cũng không còn, nhưng bia đá ghi lại sự kiện này thì vẫn còn hiện diện trên sân điện (cạnh miễu Ông Tà). Từ sự công nhận của triều đình nhà Nguyễn về một vị thần núi ở Nam bộ, khi gặp tín ngưỡng thờ mẫu trong tâm thức dân gian đã hội tụ thành một Thánh Mẫu được phụng thờ: Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, tức Bà Đen.

Lễ Vía Bà được tổ chức trong ba ngày, bắt đầu từ sáng Mùng 4 và kết thúc vào trưa ngày Mùng 6 tháng 5 Âm lịch. Lễ chính được thực hiện trên các điện, chùa trong quần thể kiến trúc trên sân núi Điện Bà. Ngoài lễ cúng chính trên Điện Bà và Linh Sơn Tiên Thạch Tự, các vị sư ở núi còn tổ chức Lễ Vía tại chùa Linh Sơn Phước Trung Tự (Chùa Trung) ở chân núi, nhưng tiết chế các nghi thức hơn. Lễ Vía chỉ diễn ra trong vòng một ngày rưỡi và lệch trước một ngày; bắt đầu từ Mùng 3 và đến trưa Mùng 4 tháng 5 âm lịch là mãn lễ. Việc có thêm một Lễ Vía nữa ở Chùa Trung là để phục vụ cho một bộ phận khách hành hương là người cao tuổi không đủ sức khỏe lên tận Chùa Bà để chiêm bái Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu Núi Bà Đen – Tây Ninh./.

Ban Nghiên cứu Tôn giáo

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top