banner 728x90

Truyện ngắn: Tình bạn thời chiến tranh

04/10/2024 Lượt xem: 2446

Nhà gần nhau nên Nhung, Hùng và Quân là bộ ba khăng khít từ những ngày thơ ấu cho đến học phổ thông. Mùa hè năm ấy, cả Quân và Hùng đều có tên trong danh sách đi học ở nước ngoài; còn Nhung nhận giấy báo vào Đại học Sư phạm văn. Tuy vậy, Hùng tuyên bố một câu làm mọi người sửng sốt: “Tớ đã có quyết định nhập ngũ!”. Mặc cho 2 người bạn ra sức thuyết phục, Hùng vẫn không thay đổi quyết định. 

Một buổi tối, cả nhóm làm bữa “liên hoan nhẹ” gồm ít đậu phụng luộc và mấy cái kẹo dưới gốc cây sứ trước nhà Nhung. Hôm ấy trăng sáng vằng vặc. Cả 3 tranh nhau nói. Quân kể chuyện vui. Hùng và Nhung đều cười. Song, cuối cùng cả 3 cùng im lặng bởi không thể che giấu được nỗi buồn chia ly. Mỗi người sẽ đi về một hướng, cách xa nhau và không biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại nhau. 

Khi Nhung xuống bếp lấy thêm nước vào bình trà, Quân nói với Hùng: “Ngày chiến thắng, chúng mình sẽ gặp nhau”. Hùng gật. Lưỡng lự giây lát, Quân nói tiếp: “Còn điều này nữa... Cậu hãy hứa với mình... Hãy để Nhung tự quyết định và lựa chọn! Và, dù cô ấy chọn ai, thì chúng ta mãi mãi vẫn là bạn của nhau, nhé!”. Hùng gật đầu: “Nhất trí”. Hai người bắt tay nhau, rất chặt. 

Nhung hay nhận được thư của hai người bạn, từ hai phương trời cách biệt. Thư của Quân là những cái phong bì sang trọng với những phong cảnh xa lạ: những ngôi nhà cao tầng, những cây thông ngập trong tuyết trắng... Ngược lại, thư của Hùng thường nhàu nát và lem luốc bụi đường sau hàng tháng trời băng rừng lội suối. Điểm duy nhất giống nhau trong những lá thư ấy là nỗi nhớ. Một nỗi nhớ đầy ắp, mênh mông. Nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, quê hương đất nước và nhớ về nhau...

Bỗng nhiên, tin tức về Hùng bặt tăm. Nhung mong ngóng, chờ đợi, trăn trở, linh cảm về những điều không may mắn... Tất cả dồn lại, cháy bỏng trong trái tim cô...

Sau khi tốt nghiệp, Nhung nhận công tác tại một trường cấp 3, đúng vào lúc đất nước thống nhất. Căn phòng nhỏ của cô trong khu tập thể giáo viên luôn nhộn nhịp khách: Không chỉ các em học sinh tíu tít đến hỏi bài mà còn rất nhiều chàng trai muốn tìm hiểu cô giáo trẻ xinh đẹp. Nhung luôn vui vẻ, niềm nở với họ nhưng chưa nhận lời bất cứ ai. Đã qua tuổi hai mươi lăm mà cô vẫn thui thủi một mình. 

Hai năm sau, Nhung ra sân bay đón Quân. Vẫn nụ cười dịu dàng nhưng đôi mắt đen như nhung ấy không còn lóng lánh như anh vẫn tưởng tượng nữa, dù Nhung cười nói líu ríu... Quân vẫn nhận ra một khoảng trống và một nỗi buồn sâu thẳm, mênh mang trong mắt cô. 

Quân trở thành cán bộ giảng dạy ở một trường đại học trong trung tâm thành phố. Tuy các nữ sinh luôn vây quanh thầy giáo Quân với những ánh nhìn ngưỡng mộ, anh vẫn chẳng để ý đến ai. Chủ nhật nào Quân cũng đạp xe đến chỗ Nhung. Đồng nghiệp của Nhung trong khu tập thể giáo viên trầm trồ: “Người yêu Nhung đẹp trai thế!”; “Bao giờ thì cưới đấy?”... Nhung lắc đầu, cười: “Tớ và anh ấy chỉ là bạn”. 

Một buổi sáng, Quân đến nhà Nhung. Nét mặt anh có vẻ lạ. Thay vào nụ cười rộng mở và ánh mắt long lanh mọi khi là cái nhìn lảng tránh. Nhung linh cảm có điều gì đó. “Có tin của Hùng, phải không?”. Quân gật đầu, lặng lẽ ngồi xuống ghế. Nhung nắm hai vai anh lắc mạnh: “Hùng đâu? Anh ấy thế nào?”. Nhận ra sự đau đớn và vẻ bối rối trong mắt anh, cô chậm rãi từng chữ: “Cậu đừng ngại. Dù thế nào thì mình cũng sẽ chịu đựng được””. 

“Hùng... Hùng vẫn còn sống... nhưng bị thương rất nặng...” - Quân nói. Nhung đứng bật dậy: “Vậy là anh ấy còn sống! Mình biết mà. Nhưng sao cậu biết? Hiện giờ anh ấy ở đâu?”. Quân rút trong túi một phong thư: “Mình mới nhận được tối qua”.

Nhung run run đọc những dòng chữ xiêu vẹo. Hùng báo tin đang điều trị tại một trại điều dưỡng. Hùng bị thương ngay cửa ngõ Sài Gòn, trước ngày chiến thắng và được đưa ra Bắc từ đó. Những dòng tiếp theo như cắt vào tim Nhung: “Mình rất muốn giữ lời hứa. Nhưng không thể được! Hãy cố gắng chăm sóc Nhung! Mình chúc hai bạn hạnh phúc”. 

Nhung sững sờ: “Lời hứa nào? Hùng hứa với cậu điều gì?”. Quân ngập ngừng: “Cậu... Cậu còn nhớ hôm chúng mình chia tay không?”. “Mình nhớ”. “Hôm đó, mình có nói với Hùng, hãy để cậu chọn và tự quyết định... một trong hai đứa mình...”. 

Nhung áp lá thư vào ngực, ngồi xuống ghế. Thì ra là vậy. Nước mắt cô lặng lẽ rơi. Quân đứng dậy, bước lại gần Nhung. Hai tay anh dang ra định ôm vai cô rồi lại rụt rè thả xuống. Anh thì thầm: “Mình... Mình rất yêu Nhung...”. 

Nhung lau nước mắt, nhìn Quân dịu dàng: “Mình rất cảm ơn Quân! Thời gian qua, nếu không có Quân, chắc mình không thể chịu đựng được”. Một tia hy vọng lóe lên trong mắt Quân: “Vậy... bây giờ...”. Nhung khẽ lắc đầu: “Mình xin lỗi, Quân ạ”. Quân lúng túng: “Nhưng... Hùng...”. Nhung vẫn cương quyết: “Phải! Ngay cả khi Hùng bị thương rất nặng”. Quân quay đi, buồn bã: “Mình hiểu”. 

Ba tháng sau, đám cưới của cô giáo Nhung với anh thương binh Phạm Phi Hùng được tổ chức, giản dị nhưng đầm ấm. Cô dâu mặc áo dài trắng, trên đầu cài hoa trắng, tay ôm bó hoa trắng, ánh mắt lấp lánh. Chú rể đeo kính đen, ngồi trên xe lăn nhưng nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc... 

Phúc Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top