Với Nguyễn, đó là chuyến xe về nguồn đầu tiên sau bao bộn bề lo toan cho cuộc sống, dù chẳng phải lao động vất vả nhưng cái nghề của anh không cho phép anh dừng chân một nơi nào quá lâu. Nghề địa chất. Tranh thủ những ngày nghỉ, Nguyễn quyết “phượt” một chuyến lên miền kỷ niệm. Đó là khu di tích lịch sử quốc gia - Trung ương Cục miền Nam, tiện thể về thăm người bạn cũ ở Chàng Riệc.
Xe băng băng qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát, qua những dòng sông yên ả thanh bình, qua những làn điệu dân ca ngọt ngào, xao xuyến bởi Nguyễn vừa thoáng gặp hình bóng con đò và cô lái xinh tươi với lòng thuyền đầy ắp sắc màu hoa, trái. Nguyễn hình như không nghe tiếng la hét của ai đó khi chiếc điện thoại của họ cứ tẹt tẹt, tè tè. Nguyễn đang sống cùng ký ức.
Ngày đó, đạn bom khốc liệt. Nguyễn nhớ hôm ấy là đầu mùa mưa, anh cùng đồng đội đi tìm ốc núi về nấu bung với trái chuối rừng, một món ngon của thiên nhiên ban tặng cho những người lính luôn phải chiến đấu gian nan, đói thường xuyên, no bất chợt. Bỗng Nguyễn và đồng đội nghe tiếng lựu pháo nổ chát chúa gần đó. Họ lao nhanh đến xem thử chuyện gì thì hỡi ôi, cô giáo của bản Rùm Đuôn bị trúng bom. Tất cả băng cá nhân được Nguyễn cùng đồng đội gom lại, băng bó cho cô rồi cáng cô về cứ.
Tuy là chiến khu, bệnh viện trong lòng đất, phương tiện cứu chữa thiếu thốn, thuốc men không nhiều nhưng với lòng nhiệt tâm thì chuyện gì cũng có thể cho kết quả khả quan, ngoại trừ thương tích quá hiểm và thời gian di chuyển quá dài. Các y, bác sĩ hôm đó đã vận dụng hết tài năng của mình nhưng kết quả chưa thật sự hoàn hảo như mong đợi, bởi cô gái bị thương nhiều chỗ và mất khá nhiều máu. Một cuộc hội ý y khoa chớp nhoáng là phải tiếp máu cho cô ấy. Những người lính đã sẵn sàng... nhưng chỉ có Nguyễn là người thích hợp bởi anh cùng nhóm máu với cô. Vậy là rõ rồi. Cánh lính còn lại chia nhau làm ốc, lặt rau và nấu cháo. Họ mong Nguyễn và cô gái sẽ nhanh chóng hồi phục bởi món ăn này tuy dân dã nhưng vô cùng ngon và bổ.
- Đây cũng là rượu quý đấy, toàn là mật nhân, đương quy, cao sơn dương... các cậu làm một ly cho khỏe gân cốt - Bác sĩ bệnh viện khẩn khoản mời cánh lính khi công việc truyền máu cho cô gái đã hoàn thành.
- Rõ.
- Còn Nguyễn sao rồi, bác sĩ?
- Có em y tá bón cháo cho rồi, các cậu yên tâm. Nghỉ ngơi chốc lát là về được thôi.
* * *
Về lại đơn vị, bẵng đi một thời gian, Nguyễn thôi không nghĩ về cô gái ấy nữa. Cho đến một hôm, đồng đội vào báo có người đến thăm thì Nguyễn thật sự bồn chồn. Hẳn là cô gái ấy rồi bởi Nguyễn đâu còn ai thân thích.
- Chào cô giáo.
- Chào anh, cho em gặp anh Nguyễn.
- Là tôi đây.
- Anh Nguyễn... - Cô gái khóc thút thít - Em cảm ơn anh vô cùng...
- Có gì đâu, cô giáo.
- Không có anh, các anh... thì em đã đi rồi.
Nguyễn vụng về không dám lau mắt cho người ta.
- Số mệnh cả thôi cô giáo à, giống như không có cô và dân bản thì chúng tôi không thể hát bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Cô gái phì cười. Quà cho anh là đôi gà mái, xấp giấy kẻ ngang và vài cây bút bi - những thứ rất hiếm trong thời chinh chiến. Nguyễn từ chối khéo vì nghĩ cô giáo cần chúng hơn mình.
- Tôi xin nhận đôi gà để mời anh em... còn giấy, bút xin gởi lại cô giáo...
- Bộ anh chẳng bao giờ viết thư cho người nhà sao?
- Có ai đâu để mà viết.
- Bạn bè cũng không ư?
Nguyễn nhè nhẹ lắc đầu. Cô gái nhìn về xa xôi, nghe chừng đang xúc động thật sự.
- Em cũng chỉ có một mình...
Nguyễn nhìn cô gái thật chậm như sợ những nét xinh xắn của đôi mắt, đôi môi, mái tóc đen óng lõa xõa sau vai kia không hằn rõ trong những ngày sau.
- Khi nào có dịp xuống làng, mời anh ghé trường em chơi nhé.
- Nhất định rồi cô giáo.
Họ quen nhau từ đó và cũng yêu nhau từ đó.
Cuộc đời luôn như con vụ quay cuồng, Nguyễn cùng đồng đội được lệnh thuyên chuyển qua mặt trận khác trong một đêm trăng rằm. Họ xa nhau không một lời từ biệt, không một kỷ vật ước thề.
* * *
- Đến nơi rồi, cô bác ơi.
Tiếng anh lơ xe cắt ngang dòng suy tư của Nguyễn. Mưa xuân lắc rắc phía cánh rừng biên giới làm cho những tia nắng cuối ngày ngưng đọng thành cái cầu vồng khổng lồ bao trùm cả ngọn núi Một hùng vĩ và thiêng liêng. Nguyễn phân vân bởi con đường về bản còn xa lắm, trong ký ức anh phải đi bộ cả ngày trời mới tới.
- Chị ơi, cho hỏi đường về Rùm Đuôn còn xa không?
- Có xe bus mà anh, lo gì. Khoảng hơn tiếng xe chạy.
- Cảm ơn chị.
- Tui cũng về đó mà.
- Thế thì hay quá, chị cho tôi theo với nhé.
- Cái anh này... - Người phụ nữ cười thật tươi.
Đó là một phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi với nước da ngăm ngăm nhưng rắn chắc. Chị khá đẹp. Nét đẹp của người đủ đầy hạnh phúc.
- Chị này, ngày xưa nơi đó thưa thớt dân cư lắm mà.
- Mới phát triển sau năm 80.
- Còn chị...
- Tui thuộc diện dân nghèo thành thị không có việc làm ổn định nên phải đi kinh tế mới...
- Nhưng đâu phải hun hút miệt này?
- Tui có chị gái dạy học ở đây từ trước ngày giải phóng nên chọn.
Nguyễn hơi trầm tư bởi ngày đó bản chỉ có một trường học và chỉ có La là nữ. Lẽ nào...
- Phải La không? Phải người trong tấm ảnh này không?
Nguyễn móc ví lấy ra tấm ảnh trao cho người phụ nữ.
- Đúng rồi, chị tui đây mà. Ảnh chụp hồi chị đi học.
Một chút xúc động thoáng qua, người phụ nữ tiếp:
- Anh đã lập gia đình và ở thành phố?
- Chưa chị ạ.
- Để... thành kim cương chắc!
Nguyễn cười bâng quơ, nghĩ thầm cô gái này đáo để thật.
- Vậy theo chị, tôi có nên đến thăm La không? Tôi chỉ có người quen duy nhất ở đó là cô ấy.
- Tùy...
- La đã có gia đình?
- Thành tượng đá rồi, chị cũng chẳng có ai.
Nguyễn quay mặt đi để người phụ nữ không nhận ra là anh đang xúc động. Nguyễn trách mình không can đảm, không dám đối diện với sự thật là mình đã có vợ và đã chia tay với người vợ ấy.
- Chị này, giúp tôi tìm mua một bó hoa hồng.
Người phụ nữ nhìn Nguyễn:
- Xứ này làm gì có hoa hồng.
- Thế thì có hoa gì?
- Hoa xương rồng.
- Ai lại đi tặng cho người mình thương thứ hoa lắm gai ấy?
- Anh mà cũng thương chị tui nữa à, sao bắt chị tui đợi mòn đợi mỏi.
- Hoàn cảnh đưa đẩy chớ tôi có muốn đâu.
- Thôi, không bàn chuyện đó nữa. Ta vào chợ xã mua vài thứ cho bữa cơm chiều rồi về anh nhé, chị em đang chờ.
Nguyễn cùng người phụ nữ vào chợ. Vừa đi anh vừa huýt sáo nho nhỏ bản nhạc Valentine’s day dịu dàng nhưng sâu lắng, bản nhạc mà ngày xưa La thường hát cho anh nghe.
- Hoa hồng kìa - Nguyễn khều tay người phụ nữ.
- À… ngày mai là 8-3 nên chợ nhập về bán lễ, chứ ngày thường làm gì có.
- Chọn giúp anh hai bó hoa đẹp nhất nhé.
- Một thôi chứ...
- Đâu được, em cũng là người phụ nữ đáng yêu mà.
Nguyễn cười, người phụ nữ cũng cười. Mùa vẫn đang xuân. Vui nhất có lẽ là Nguyễn, bởi anh vừa gặp lại tình yêu chân thật của mình. Dẫu muộn nhưng chắc chắn là an bình, không sóng gió chênh chao.
Phúc Nguyên