Nơi tôi ở là một làng chài ven biển. Tôi sinh ra đã thấy biển trên đời, ấu thơ nơi tôi lớn là những ngày tôi chạy dọc hoài theo những triền cát nghe sóng vỗ vào lòng...
Tôi yêu biển. Vì biển mang lại nguồn sống cho cả gia đình tôi, cho nhiều bà con vùng chài duyên hải và còn mang lại cả một khoảng trời che giấu của riêng tôi, trong khoảng trời đó có hình bóng của mẹ tôi.
Gia đình tôi nghèo và cũng như bao cuộc sống của người dân làng chài khác, cuộc sống của chúng tôi bám trụ vào biển, nỗi lo bám vào những cơn bão và niềm hân hoan bám vào những phút trở về. Ba cứ đi theo các chú lên tàu ra khơi, có khi ba đi chỉ hai tuần, ấy là lúc biển động không có cá, có khi ba đi bằn bặt cả tháng hay thậm chí theo tàu ra khơi mấy tháng liền, căn nhà nhỏ chỉ còn mẹ và hai chị em tôi ngày ngày ngóng đợi tin ba... Mỗi lần ba đi là mỗi lúc cuối ngày mẹ lại nắm tay chị em tôi nhìn ra biển khơi, chỉ về phía những con tàu nơi mù sương tít tắp và nhẹ nhàng nói “ở nơi đó có ba” cho chúng tôi vơi đi nỗi nhớ. Dẫu cách xa nghìn trùng nhưng chỉ cần nhìn thấy được con tàu chở ba đi thì đối với chúng tôi, khoảng cách ấy trở nên gần gũi nhất vì luôn cảm nhận được ba ở bên chúng tôi... Có lần, bé út khóc toáng lên, nắm tay tôi lắc lắc:
- Chị ơi, sao em không thấy ba về? Có khi nào ba bỏ má con mình luôn không chị?
- Không có đâu, nhỏ nói bậy à, má nghe buồn đó, nghe chưa? - Nhưng thật ra trong lòng tôi cũng dâng tràn sự nao núng.
Lớn lên trong gia đình nghèo nên những lo toan vất vả của cuộc sống áo cơm thấm sâu vào trí óc chúng tôi. Biết rằng mình còn thơ bé quá chưa đỡ đần được gì nhiều cho ba mẹ nên tôi luôn cố gắng giúp mẹ những việc vặt trong nhà, và cũng bởi thế những lúc rảnh rỗi, khi đã xong những việc mình có thể làm, tôi lại lân la xung quanh đi tìm những gì cho là có ích đối với cuộc sống của chúng tôi. Khi là vài cái vỏ sò xâu chuỗi lại đem bán cho khách du lịch, khi lượm lặt rác bẩn để bờ biển quê tôi đẹp hơn, khi lại đi bán dạo vài thanh kẹo cho những cặp tình nhân đang cùng nhau ngắm biển... Và cho đến một ngày, tôi đã phát hiện ra ở một góc biển vắng là cả một vùng riêng của rau muống biển... Phát hiện này khiến tôi nghĩ rằng tôi đã kiếm được cái ăn mới cho gia đình thay vì cứ phải bỏ ra khoản tiền lớn mua mớ rau ngoài chợ. Tôi mong từng ngày thứ dây ấy bò lan trên mặt đất rộng ra để tôi có thể hái về cho mẹ nấu canh vì đinh ninh rau muống biển cũng như mớ rau muống ruộng ngoài chợ có thể ăn được...
Vì sức khỏe và tuổi tác nên ba không đi biển nữa, mọi nỗi lo lại đổ ập lên vai mẹ. Và tuổi thơ đối với tôi là những đêm mẹ chong đèn thức đêm tính toán hàng trăm thứ tiền, còn ba tính toán những việc phải làm nay mai... Tôi chạy ra biển mang về cả rổ rau muống biển mà tôi vẫn hằng chờ chúng lớn lên đỡ đần cha mẹ, mẹ thoáng chút ngỡ ngàng rồi khẽ mỉm cười vuốt tóc tôi: “Cảm ơn con nhưng cái này không ăn được”. Tôi thất vọng, ném cả rổ rau muống xuống đất và bực dọc trút giận vào những chiếc lá còn xanh...
Ba đi làm phụ hồ trong xóm nhỏ, còn mẹ kiêm thêm bán buôn lặt vặt, miếng ăn gia đình cũng dần cải thiện thêm. Tôi lớn lên vừa học vừa làm, cũng đỡ đần được ba mẹ thêm chút ít. Nhưng mỗi lần đi qua đám rau muống biển, tôi lại trút giận vô cớ vào chúng chỉ vì đã phụ niềm tin của tôi những lúc tôi cần chúng nhất...
Hôm nay, tôi đã là một sinh viên đại học nhưng mẹ vẫn giữ thói quen dẫn tôi đi dạo biển mỗi ngày, và những chuyến dạo biển ấy còn có thêm ba bên cạnh. Tôi cảm thấy ấm áp và hạnh phúc bởi dù nhà tôi vẫn nghèo nhưng không bao giờ thiếu tình cảm, nó giá trị hơn mọi thứ trên đời này. “Mỗi sự vật sinh ra trên đời đều có lý do tồn tại của riêng nó” - Ba nhìn tôi mỉm cười và chỉ về phía đám rau muống biển. Tôi chợt nhận ra những chiếc lá của chúng có hình trái tim. Nhờ những chiếc lá ấy mà gia đình tôi gắn bó với nhau hơn, ba mẹ cũng hiểu tôi hơn.
Mãi sau, tôi vẫn giữ thói quen đi ngắm biển cùng người mà tôi yêu. Đâu đó lẫn trong đám lá xanh là những bông hoa như những chiếc kèn có màu tim tím, tôi kể cho anh nghe câu chuyện của tôi, sự ngốc nghếch của mình và giá trị của những trái tim nhỏ bé ấy...
Nguyễn Kim Phụng