banner 728x90

Trống - Báu vật của người Jrai

31/05/2024 Lượt xem: 2417

Với dân tộc Jrai (Gia Lai), trống không đơn thuần là một loại nhạc cụ truyền thống mà trống còn được xem là một vật chứa đựng giá trị về vật chất cũng như tinh thần trong cuộc sống, nó mang ý nghĩa thiêng liêng trong sinh hoạt tín ngưỡng, là biểu hiện những đặc trưng cơ bản truyền thống văn hóa người Jrai tồn tại từ bao đời nay.

Trống - Báu vật của người Jrai

Trống của người Jrai được phân loại theo kích thước thành 3 nhóm chính: trống nhỏ gồm 3 hiện vật có chiều dài tang trống từ 24 cm đến 40 cm và đường kính mặt trống từ 14 cm đến 20 cm; trống trung gồm 8 hiện vật, có chiều dài tang trống từ 40 cm đến 60 cm và đường kính mặt trống từ 30 cm đến 45 cm; trống lớn gồm 13 hiện vật, có chiều dài tang trống từ 85 cm đến 110 cm và đường kính mặt trống từ 60 cm đến 100 cm.

Quy trình chế tác trống của người Jrai trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu, phức tạp và phải tuân theo các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt. Trước hết là khâu tuyển chọn nguyên liệu, như đã nói ở trên tang trống được làm phần lớn từ thân cây gỗ sao, khác với tang trống của người Việt và một số dân tộc khác được làm từ gỗ mít và tang trống được ghép nhiều thanh lại với nhau. Khi chọn nguyên liệu làm trống người Jrai phải giết gà, heo để cúng.

Theo quan niệm khi chọn cây họ chỉ ước lượng đường kính, chiều cao của thân cây, tuyệt đối không được dùng thước để đo để tránh làm náo động thần cây. Trong trường hợp khi đi chọn chặt cây mà thấy rắn bò ngang qua đường thì phải lùi ngày lại để tránh điềm xấu xảy ra, hoặc khi chặt cây người ta thường kiêng kỵ đối với các trường hợp như cây đổ đè phải con vật nào đó (thỏ, sóc, chồn...), thân cây không nằm xuống đất, cây đổ mà ngọn chắn ngược dòng suối chảy hoặc bất chợt một con vật nào chạy ngang qua thân cây... đều bị coi là điềm xấu, cây này không thể dùng để làm trống.

Mặt trống, người Jrai thường sử dụng da của con trâu, bò để làm; thông thường người ta hay sử dụng da trâu để bịt mặt trống. Với quan niệm vạn vật, hiện tượng luôn luôn tồn tại song song hai mặt, âm-dương, đất-trời,... nên khi làm trống đặc biệt với loại trống lớn có đường kính mặt trống từ 0,8 mét đến 1,2 mét người ta sử dụng da của 2 con trâu (trâu đực và trâu cái). Khi trống được hoàn thành, 2 mặt trống người Jrai vẫn thường gọi là mặt đực và mặt cái. Mặt đực và mặt cái không những chỉ phân biệt dựa vào da trâu đực hay da trâu cái mà còn được phân biệt qua cấu tạo trên mặt trống (mặt đực có khoét lỗ thông hơi, mặt cái không khoét lỗ) và còn được phân biệt qua âm thanh phát ra khi đánh trống (đánh vào mặt đực có âm trầm, hào hùng; đánh vào mặt cái âm phát ra thanh, bay bổng).

Trống của người Jrai dù to hay nhỏ đều được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng kỹ thuật đục, đẽo, khoét rỗng thân cây được cắt ra và đục khoét tang trống tại nơi lấy cây. Người Jrai sử dụng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa... để đục khoét tang trống từ hai mặt dần dần vào, hoặc có khi người ta đốt lửa hai đầu cho cháy thâm vào từ hai bên sau đó dùng rìu, rựa để tu chỉnh và đục đến khi thông nhau. Sau khi tang trống được đục khoét xong người ta không đưa về nhà ngay mà để lại ở đó cho khô (trung bình khoảng 20-30 ngày), sau đó trở lại rừng và làm lễ rước trống về làng. Tiếp đến là công đoạn bọc (bịt, bưng) trống. Những người được tham gia bọc da trống phải là người biết đánh trống, thường là các già làng. Để làm căng mặt trống, người Jrai cũng dùng chèn, đai mây, búa gỗ, đinh ghim bằng tre để níu căng da trống. Trên tang trống người ta khoan nhiều lỗ để ghim đinh từ mặt trống cho đến giữa thân. Trước đây trống được bọc kín cả tang trống từ hai mặt vào và dùng bằng đinh tre hoặc đinh gỗ; càng về sau người ta chỉ bọc ở hai mặt trống, tang trống để trần và dùng đinh kim loại.

Trống thường do nam giới sử dụng và được biên chế cùng với cồng chiêng, chũm chọe, lục lạc… trong các dịp lễ hội của gia đình, cộng đồng như: lễ bỏ mả, lễ cúng cầu mưa, lễ mừng lúa mới… Đặc biệt đối với chiếc trống lớn người Jrai thường được sử dụng vào các nghi lễ tại nhà, họ không bao giờ hoặc cho phép ai đưa trống ra khỏi nhà, một phần vì kích thước lớn không thể di chuyển, một phần vì họ cho rằng nếu làm vậy rất tội lỗi và điều xui sẽ đến với những người thân trong gia đình. Người sử dụng trống thường là những người có uy tín, là người chỉ huy. Mỗi khi tiếng trống vang lên là sự báo hiệu cho dân làng biết có việc hệ trọng xảy ra.

Đối với trống trung, cũng do nam giới sử dụng do hai người vừa khiêng vừa đánh hoặc có bốn hay sáu người vừa khiêng vừa đánh dẫn đầu dàn cồng chiêng và vòng xoang. Có khi chỉ một người đeo ngang trống trước bụng, dùng tay vỗ trống, vừa đánh vừa múa theo tiết tấu, nhịp điệu của dàn chiêng. Riêng trống nhỏ khi sử dụng bằng cách quàng một sợi dây qua cổ và để trống ngang trước bụng, hai tay vỗ vào hai mặt trống; khi đánh không sử dụng cả bàn tay mà chỉ sử dụng các ngón tay để vỗ vừa di chuyển cùng dàn chiêng vừa đánh vừa nhảy nhót hay còn gọi là múa trống.

Người Jrai coi trống là một tài sản quý, là một vật thiêng liêng biểu thị tiếng nói của thần linh. Trống là một loại nhạc cụ gõ, đồng thời còn là phương tiện thông tin. Khi nghe tiếng trống vang lên theo nhịp điệu rộn ràng thì dân làng biết được nhà có việc vui để kéo đến uống rượu mừng. Còn khi nghe tiếng trống giật đứt quãng, dặt dìu nghe như đau đớn, ai oán thì dân làng đều biết đấy là báo hiệu nhà có chuyện buồn và cùng đến để sẻ chia...

Nguồn Dân tộc Việt

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top