banner 728x90

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Tây Ninh

08/07/2024 Lượt xem: 2528

Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Bao lam “Lưỡng long chầu Hộ pháp” ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng).

Theo kinh điển Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Theo ghi chép trong quyển thứ hai, bộ “Phiên dịch danh nghĩa tập” thì: Rồng có bốn loại, một giữ Thiên cung điện, trì giữ không cho rớt xuống, vì vậy trong nóc nhà của dân gian thường có làm hình rồng; hai gọi gió làm mưa, làm lợi ích cho nhân gian; ba Địa long, mở sông dẫn hồ; bốn Phục Tàng, ẩn theo bảo vệ Chuyển Luân Vương có phúc lớn. Quyến thuộc của rồng rất ít sân tâm và thường nghĩ việc phúc đức, dùng thiện tâm mà làm mưa khiến cho ngũ cốc của thế gian được nảy nở.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, có chín con rồng phun hai dòng nước ấm tắm cho đức Phật, nên có câu kệ rằng “Cửu long phúng thuỷ thiên ngoại lai”. Hiện nay ở các chùa có thờ toà Cửu Long ghi nhận sự kiện này.

Trong lần đi Huế, Quốc ân Đại Hoà thượng Từ Nhẫn, một vị danh tăng của Nam bộ có nhiều ảnh hưởng với Phật giáo Tây Ninh được vua Khải Định ban cho toà Cửu Long bằng đồng, nay đang thờ tại chùa Sắc tứ Thới Bình (tỉnh Long An).

Việc thờ cúng Long Vương trong các chùa Phật giáo ở miền Bắc và miền Trung không đậm nét nhưng phổ biến ở miền Nam. Ở miền Bắc, Long Vương, Thuỷ thần đa phần được thờ tại các đình, đền hay miếu, ít thấy thờ ở chùa. Các chùa ở miền Trung hầu như không có thờ tượng Long Vương,

Hiện trong nhiều ngôi cổ tự ở Tây Ninh và Nam bộ có thờ tượng Long Vương hay thực hành các nghi thức về Long Vương. Việc thờ cúng Long Vương phổ biến trong các chùa ở Nam bộ, bên cạnh ý nghĩa rồng hộ trì Phật pháp còn do ảnh hưởng từ vùng đất - nơi hội tụ của nhiều tộc người, trong đó có sự giao thoa văn hoá Việt - Hoa, Phật giáo nhập thế tiếp nhận tín ngưỡng thờ Long Vương vào cúng ở chùa.

Long thần với vai trò hộ trì tam bảo nên thường thấy thờ cùng trên bàn thờ Hộ pháp Vi Đà với tôn hiệu “Long thần Hộ pháp” hay được biểu hiện qua hình tượng rồng ngậm giáng ma xử của Hộ pháp, trong lễ Thù ân thập bát bái có lạy “Đại vì Thiên Long Bát bộ, Hộ pháp thánh chúng ân, đảnh lễ thường trụ tam bảo”.

Tranh bích hoạ cá hoá long năm 1997 ở chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Gò Dầu)

Trong những ngôi chùa cổ như chùa Phước Lưu (Trảng Bàng), Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen), Thiền Lâm (Hoà Thành)… có thờ bộ tượng Thập bát La Hán được chạm khắc mang đậm chất dân gian, trong 18 tượng La Hán có tượng Hàng Long La Hán. Tương truyền, ở Ấn Độ cổ có một tên ác ma xúi giục, kích động người dân sát hại tăng nhân, huỷ tượng Phật, cướp kinh sách.

Long Vương đã dùng nước bao phủ đem kinh Phật về long cung, sau tôn giả Khánh Hữu (Nandimitra Arahat) đã hàng phục Long Vương thu hồi kinh Phật, cho nên người đời gọi ông là Hàng Long La Hán. Tượng của ông trong bộ Thập bát La Hán thường được tạc với một con rồng.

Ở các chùa hay trong pháp hội trai đàn thường bày bộ tượng (hoặc tranh) Tứ Thiên vương, như điện Phật chùa Linh Sơn Tiên Thạch, Linh Sơn Phước Trung (núi Bà Đen) Tứ Thiên vương được đặt ở tứ trụ trước bàn thờ Phật. Bốn vị Thiên vương thường được nhắc đến trong các kinh Phật, có Quảng Mục Thiên vương tay cầm con rồng biểu trưng cho chữ “thuận” trong câu “phong điều vũ thuận”.

Trong nghi lễ thiền môn ở Tây Ninh, vào thời công phu khuya các ngày sóc, vọng (tức mùng 1 và ngày 15 nông lịch) hằng tháng ở các cổ tự còn thực hiện các nghi thức chúc tán tại các bàn thờ, trong đó có nghi thức chúc Long Vương, nghi thức này được thầy cả (chủ lễ) thực hiện tại bàn thờ Long thần Hộ pháp, những chùa ở Nam bộ có bàn thờ Long Vương thì thực hiện nghi thức tại bàn thờ này.

Thầy cả cùng duy na, duyệt chúng và đại chúng trong chùa đến trước bàn thờ chúc tán, lễ bái, trong đó có bài tán “Long Vương thánh chúng/ Công đức nan lường/ Ngũ hồ tứ hải tán quỳnh tương/ Nhứt trích sái thanh lương/ Khâm giả trừ ương/ Duy nguyện giáng kiết tường”.

Khi xưa, làm nông nghiệp, trồng lúa là chủ yếu nên thời tiết rất quan trọng đối với người dân, những mong muốn về “Quốc thới dân an - Phong điều vũ thuận” được thể hiện trong câu chúc, văn khấn hay các bức hoành phi trong đình, chùa.

Dân gian quan niệm rồng có khả năng gọi gió làm mưa, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân; chư tổ xưa hằng năm tổ chức cầu an, cầu phong điều vũ thuận nên ở các chùa xưa còn có nghi thức Kỳ vũ Long Vương, trong khoa cúng có đọc chú và tán tụng.

Thầy cả cầm thủ lư trong lễ cúng tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen)

Trong ứng phú đạo tràng, Phật giáo Tây Ninh và cả Nam bộ có khoa Cấp thuỷ thỉnh Long Vương, Hà Bá, Thuỷ Quan. Nghi thức này thường được thực hiện trong đám trai đàn. Đặc biệt, khoa Cấp thuỷ là một phần trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu được thực hiện theo nghi thức Phật giáo tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà ở núi Bà Đen, góp phần làm nên di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Nghi thức được thực hiện tại bàn thờ Giám Trai sứ giả Bồ tát ở nhà trù (bếp), thầy cả đắp y, đội mão cùng duy na, duyệt chúng và đại chúng tán tụng, lễ bái trước bàn thờ, có đánh tum, đẩu và nhạc lễ. Trong nghi thức có câu thỉnh Long Vương: “Nhất tâm phụng thỉnh quyền tri thuỷ giới chức thuộc hải tào oai linh kiểm soát ư giang hà cảm ứng khứ trừ ư nguyên phái tỉnh tuyền Long Vương thuỷ tư chơn tể”.

Tượng Long thần Hộ pháp ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng)

Đến nay, ở Tây Ninh còn lưu giữ quyển “Cấp thuỷ khoa nhất quyển” được Giáo thọ Nguyên Tấn - Từ Quang ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) biên soạn trong những năm 1924-1928 bằng chữ Nho. Khoa Cấp thuỷ còn được Hoà thượng Nguyên Cần - Giác Hạnh ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen) biên soạn trong hai bộ sách “Khoa Việt” bằng chữ Nho vào hai năm 1933-1934.

Về sau, Thượng toạ Niệm Thắng ở chùa Hiệp Long (thành phố Tây Ninh) có biên soạn lại bằng chữ Nho, để thuận tiện nhiều chùa đã phiên âm, dịch nghĩa sang chữ Việt và sử dụng phổ biến trong Phật giáo Tây Ninh và các ban kinh sư ở Nam bộ.

Ban Nghiên cứu Tôn giáo

 

 

Tags:

Bài viết khác

Chùa Hang – Nơi Phật giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam

Chùa Hang nằm ở khu 1 thuộc phường Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo các tài liệu nghiên cứu thì chùa được một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc (có tài liệu ghi là người Ấn Độ) đã đến cư trú tại hang và mở chùa này vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.

Nguồn gốc và ý nghĩa lá cờ Phật giáo

Từ quốc gia cho đến các tổ chức trong xã hội, đều phải có một biểu tượng, cờ chính là một trong những biểu tượng. Phật Giáo không nằm ngoài quy ước đó. Cờ Phật giáo là một lá cờ được thiết kế vào cuối thế kỉ XIX nhằm tượng trưng và đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo và được tất cả Phật tử trên khắp thế giới sử dụng.

Ảnh hưởng của đạo Công giáo đến nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc và văn học

Đạo Công giáo đã có một ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ kiến trúc nhà thờ tráng lệ, hội họa tôn giáo, âm nhạc cổ điển đến những tác phẩm văn học kinh điển.

Tứ đại thiên vương trong đạo Phật

Tứ đại thiên vương được xem là những người canh giữ thượng giới, bảo vệ nhân gian, chống lại tà ma ác quỷ, tứ đại thiên vương đều là những vị thần có pháp lực vô cùng cao cường.

Nét độc đáo trong lễ Kỳ yên ở đình làng Trảng Bàng

Quá trình hình thành và phát triển, Trảng Bàng là nơi hội tụ của nhiều tộc người, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo tại địa phương.

Các nghi lễ trong lễ hội

Do sự phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa, nhất là về tín ngưỡng, tôn giáo đưa đến và quy định nên người Việt có rất nhiều lễ hội, diễn ra quanh năm ngày tháng, ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi lễ hội mang một sự độc đáo riêng có. Tuy nhiên, về nghi lễ, các lễ hội đều thực hiện nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội.

Ngày giỗ của người Thiên chúa giáo

Ngày giỗ là ngày kỷ niệm người chết qua đời, để tỏ lòng thương nhớ người đã khuất, đó là cách tốt nhất để con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Bởi vậy, dù là lương hay giáo thì tất cả đều làm giỗ, trong từng chi tiết có phần khác nhau, nhưng tựu trung lại đều tỏ lòng hiếu nghĩa mà không trái với đạo giáo.

Đôi nét về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Nam Bộ

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (còn gọi là Phật Thầy Tây An) khai lập vào cuối năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến (nay là Tây An cổ tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Top