Thờ cây là tín ngưỡng có tính tối cổ, phổ biến trên thế giới cho đến ngày nay. Tín ngưỡng này là biểu hiện của sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở mỗi quốc gia, vùng miền, việc thờ cây lại có những nội dung khác nhau. Với đất nước thảo mộc như Việt Nam, mối liên hệ giữa cây và người, cây và thần thánh, cây và sự thiêng liêng được gắn kết chặt chẽ trong đời sống văn hóa tâm linh. Có thể kể đến như người Dao thờ cây đa, cây sấu; người Mường coi cây si như một loài cây cội nguồn, người Kinh thờ cây đa, cây gạo... Mỗi tộc người lại thờ những cây khác nhau với một mục đích khác nhau.

Miếu thờ được dựng bằng đá
Người Hà Nhì gọi khu rừng thiêng của họ là rừng cúng Gà Ma Do. Khu rừng này có thể nằm ở gần các bản làng nhưng các gia đình không được làm nhà vượt qua rừng cúng. Khi lập thôn bản, các già làng và thầy cúng phải chọn khu rừng cúng Gà Ma Do đầu tiên. Để thực hiện lễ cúng rừng, những người đàn ông đại diện cho các gia đình phải chuẩn bị lễ vật từ sáng sớm. Họ xếp hàng ngay ngắn để đi vào rừng, người đàn ông đi đầu được phân công cầm ống nước thiêng. Khi vào rừng, họ phải đi chân trần để thể hiện sự tôn trọng không gian của thần linh.
Cây thần là cây lớn và già nhất trong khu rừng thiêng. Mỗi khu rừng cúng đều có một cây thần. Đây là loại cây cao to, cành lá sum suê, người Hà Nhì gọi là "Si san". Cây này phải có màu xanh suốt bốn mùa, biểu hiện cho sự trường sinh bất tử. Cây cũng phải có quả bởi cây có quả như người có con và cũng là mong muốn của sự được mùa.
Dưới gốc cây thần, người Hà Nhì đặt một miếu thờ nhỏ bằng những hòn đá. Trong sử thi của người Hà Nhì có ghi rằng: Trước kia mỗi người Hà Nhì có một hòn đá, trên đó người ta làm thịt các con vật để tế lễ. Gia đình có một hòn đá như vậy thì trong một bản, một khu rừng cũng phải có một hòn đá. Do đó, người Hà Nhì tạo ra miếu đá này để thờ thần rừng. Trong lúc người khác chuẩn bị lễ vật, 2 thầy cúng sẽ dọn sạch miếu đá. Nước dùng để làm lễ phải là nước lấy từ đầu nguồn sau lễ cúng nguồn nước hôm trước và được đựng trong ống tre. Sau khi dâng lễ vật, 2 thầy cúng sẽ bắt đầu khấn.

Cây gạo trở thành không gian thiêng trong tiềm thức tín ngưỡng người Việt
Tục thờ rừng của người Hà Nhì là những nghiệm sinh của chính tộc người này. Trong quá trình tồn tại, họ sớm nhận ra giá trị của rừng đối với cuộc sống của chính họ, đó là sự đúc kết kinh nghiệm của họ hàng trăm năm qua. Chính những quan niệm về rừng như vậy đã giúp người Hà Nhì có tri thức đặc biệt về rừng. Qua thái độ kính trọng, sợ hãi hoặc luôn chăm sóc rừng, cây rừng như đối với người thân, đối với bề trên. Mặt khác, không chỉ có quan hệ chăm sóc, thương yêu rừng, người Hà Nhì còn tạo ra cơ chế riêng bảo vệ rừng.
Cúng rừng là tập tục tổ tiên người Hà Nhì để lại cho con cháu. Trong những ngôi nhà, ngày này qua ngày khác, đời này qua đời khác, việc răn dạy cho trẻ nhỏ đã trở thành một cách thức giúp người Hà Nhì duy trì được phong tục tập quán cũng như bảo vệ được những khu rừng của mình trước biến động của xã hội Theo luật tục của người Hà Nhì, không ai được vào khu rừng thiêng lấy một cái gì, kể cả cây hay củi khô. Ai xâm phạm sẽ bị làng phạt rất nặng. Những đứa trẻ trong độ tuổi ham chơi cũng tuyệt nhiên không bao giờ vào khu rừng thiêng phá phách.
Ngoài ra, ở đồng bằng Bắc Bộ, đến với di tích nào chúng ta cũng bắt gặp những loài cây thiêng được trồng xung quanh như cây đa, cây si, cây bồ đề... Cây thiêng là nơi thần hoặc ma thường đến như người ta vẫn hay nói "Thần cây đa, ma cây gạo".
Không biết tự bao giờ cây gạo đã trở thành linh hồn của mỗi làng quê. Khi đất trời trở mình trong hơi thở ấm áp của mùa xuân thì hoa gạo trổ bông như thắp lửa, đỏ rực một vùng trời. Có một điều đặc biệt là những bông hoa gạo lại xuất hiện trước cả khi ra lá và hoa lại nở ra từ trái. Phải chăng bởi vòng đời ngược nên cây gạo luôn mang trong mình màu sắc tâm linh, huyến bí nhưng dân gian vẫn truyền tục nhau.
Có thể nói, thời xưa con người sợ và tin vào nhiều thứ khiến nảy sinh tín ngưỡng "Vạn vật hữu linh đa thần giáo". Khi đốn cây để làm nhà, người ta tin rằng có thần linh ngự trong cây cỏ. Sợ thần linh trách phạt, người ta chỉ dám đốn vừa đủ để dùng. Điều đó vô hình chung đã giữ được sự cân bằng sinh thái cho tự nhiên. Ngoài ra, nói một cách sâu xa, điều này cũng giữ sự cân bằng tâm lý cho con người.
Ban Nghiên cứu văn hóa