banner 728x90

Thờ cúng tổ tiên của người Việt

01/05/2024 Lượt xem: 3079

Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng xã hội xuất hiện từ xa xưa và vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người, dân tộc. Ở nước ta đã và đang dung dưỡng một đời sống tâm linh dân gian rất đa dạng, nhưng tiêu biểu vẫn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng này trải dài qua các thời kỳ lịch sử, tồn tại ở nhiều cộng đồng, thành phần tộc người và đan xen, thẩm thấu vào hầu hết các tôn giáo hiện có ở Việt Nam.

Ở thời kỳ đầu của xã hội nguyên thủy, nền kinh tế dựa vào săn bắt, hái lượm là chủ yếu nên sự tồn tại của con người lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Do đó, con người sùng bái tự nhiên - các thần. Khi xã hội loài người chuyển từ nền kinh tế săn bắt, hái lượm sang nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi đã đánh dấu bước phát triển mới của nhân loại. Con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên như trước nữa, đồng thời khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội công xã nguyên thủy. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hình thành trực tiếp trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội. Khi địa vị, quyền lực của người đàn ông trong gia đình và xã hội vẫn được giữ vững thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn sẽ còn tồn tại trong cộng đồng.

Ngoài yếu tố nhận thức, còn có một số yếu tố tâm lý khác góp phần hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt. Đó là sự lo lắng, sợ hãi, lòng biết ơn, kính trọng... của họ đối với các đối tượng được thờ cúng. Sợ hãi là yếu tố xúc cảm có tác động mạnh mẽ đến hành vi thờ cúng tổ tiên. Trong chế độ phụ hệ, quyền lực của người đàn ông làm nảy sinh ở người phụ nữ và con cháu của họ sự quy thuận lẫn cảm giác sợ hãi, kể cả khi người đàn ông gia trưởng còn sống và khi họ đã chết. Với niềm tin rằng, nếu không thờ cúng tổ tiên, chẳng những không được phù hộ, che chở mà còn bị trách mắng, quở phạt, khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả và bất hạnh.

Nghi lễ thờ cúng rước kiệu

Cùng với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ngày càng phát triển, được củng cố bền vững do chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi một số tôn giáo, đặc biệt là Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Người Việt cổ cũng luôn mong cầu sự che chở của sức mạnh siêu nhiên. Điều này được thể hiện qua những câu chuyện huyền thoại được lưu truyền trong dân gian (như truyền thuyết về Lạc Long Quân có nhiều phép thuật, An Dương Vương được thần Kim Quy giúp xây thành Cổ Loa, Chử Đồng Tử nhờ có phép thuật xây lâu đài trong chớp nhoáng...), qua hệ thống tín ngưỡng đa dạng, phong phú.

Phật giáo do thái tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn sáng lập ra vào khoảng hơn 2500 năm trước. Ngay từ đầu Công nguyên, Phật giáo đã theo đường biển mà truyền vào miền Bắc nước ta. Ban đầu, cư dân Việt đã thọ giáo các nhà sư Ấn Độ thuộc phái Tiểu thừa. Về sau, các nhà sư Trung Hoa thuộc phái Đại thừa sang nước ta mà truyền đạo. Đến nay, phái Đại thừa của Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo với 3 tông phái: Mật tông, Thiền tông và Tịnh độ tông. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng đến Việt Nam, dân gian không tách biệt rạch ròi 3 tông phái này, mà hỗn dung chúng với tín ngưỡng bản địa. Do đó, không có tông phái Phật giáo nào ở Việt Nam còn thuần khiết.

Cũng giống với các tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan niệm của Phật giáo về tổ tiên. Nói cách khác, Phật giáo cũng ảnh hưởng nhiều đến nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đặc biệt là, các nghi lễ trong tang chế và nghi thức thờ cúng trong dịp tết cổ truyền. Ảnh hưởng của Phật giáo đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn thể hiện trong các bài văn khấn cúng tổ tiên của người Việt. Giáo lý đạo Phật cũng nói nhiều đến tứ ân, yêu cầu phật tử cần phải nhớ và thực hành 4 ân: ân tam bảo, ân cha mẹ, ân quốc gia xã hội và ân pháp giới chúng sinh.

Có thể thấy, Phật giáo rất coi trọng tình cảm biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, nhất là các đấng sinh thành và khuyến khích con cháu thể hiện tình cảm đó qua việc thờ phụng. Quan niệm này rất phù hợp với đạo đức truyền thống của người Việt, nên Phật giáo nhanh chóng dung hợp được với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và có ảnh hưởng đến tín ngưỡng này ngày một sâu sắc.

Nghi thức giỗ tổ Hùng Vương

Có thể lấy ví dụ nghi lễ trong đám tang của người Việt. Trước giờ phút lâm chung của người thân, phần đông người Việt thường mời sư và các vãi đến tụng kinh, niệm Phật cho người sắp qua đời. Việc này, mang ý nghĩa giúp cho người thân của họ sớm được siêu thoát. Sau 35 ngày hoặc 49 ngày qua đời, vong linh người chết lại được người thân đưa lên chùa quy y và nhờ nhà sư làm lễ cầu siêu. Theo quan niệm của Phật giáo, linh hồn người đã khuất có thể thờ tự ở tư gia hoặc thờ tại chùa hoặc cả hai. Nhờ gần gũi với tam bảo nên hương linh được nghe kinh, biết tu tập, không làm các điều ác... để rồi sớm thức tỉnh, chuyển hóa và sinh vào cảnh giới an lành.

Lễ Vu Lan là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo, diễn ra vào ngày 15-7 âm lịch, trùng với tết Trung nguyên - cái tết gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đây là ngày lễ báo hiếu cha mẹ, là ngày xá tội vong nhân, cúng tế cô hồn. Trong ngày Vu Lan, người ta dâng các vật phẩm để cúng chư tăng (không phải cúng Phật, chư tăng gồm: thánh tăng, hiền tăng và phàm tăng) với mục đích cầu xin cho linh hồn người chết thoát khỏi địa ngục, siêu thoát, về đến cõi cực lạc.

Hằng năm, người Việt có nhiều dịp thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Ngoài việc thờ cúng vào ngày giỗ, tết theo truyền thống, thì người Việt còn thường xuyên thờ cúng tổ tiên vào ngày rằm, mồng một âm lịch (ngày sóc, vọng) theo truyền thống Phật giáo và nhiều dịp bất thường khác khi cá nhân, gia đình xuất hiện sự kiện mới. Ảnh hưởng của Phật giáo đến thờ cúng tổ tiên trong tất cả những dịp này được thể hiện trong các bài văn khấn. Như vậy, mặc dù chưa xác định được tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất hiện vào thời điểm nào trong lịch sử, nhưng có thể nói rằng, từ xa xưa, xã hội Việt Nam đã chứa đựng những yếu tố thuận lợi, mầm mống cho sự hình thành tín ngưỡng này. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ phát triển, có biểu hiện rõ nét hơn, rồi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt là nhờ sự tiếp biến, tác động bởi một số tôn giáo, trong đó có: Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Những quan niệm từ những tôn giáo này còn tiếp tục bồi đắp, song hành trên diễn trình, đường đi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta.

Ban nghiên cứu Phật giáo phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top