banner 728x90

Thờ cúng các Vua Hùng, khởi nguồn của văn hóa truyền thống dân tộc

21/04/2024 Lượt xem: 2504

Truyền thuyết dân gian đất Phong Châu nhiều nghìn năm qua vẫn liền mạch lưu truyền về sự hiện tồn của 18 đời vua Hùng, trong đó, vị Vua Hùng đầu tiên đã có công dựng ra nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử hình thành của cộng đồng Việt Mường - và sau đó là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Nếu như trên vùng đất Phong Châu cổ xưa, núi thiêng Nghĩa Lĩnh trở thành biểu tượng trung tâm khởi nguồn và quy tụ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng thì với người Việt - Mường xưa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà đỉnh cao là biểu tượng tín ngưỡng thờ các vua Hùng, lại lan tỏa từ trung tâm Kinh đô Văn Lang để đến với mọi gia đình tại khắp các làng bản, thôn xóm trên đất nươc ta.

Lễ dâng hương giỗ tổ

Dường như, không nơi đâu như vùng đất Văn Lang này, người dân đã “bình dân hóa” hình tượng các Đức Vua, đón vong linh các Đức Vua (bài vị) về phối thờ trên cùng ban thờ Tổ tiên của dòng họ mình, gia đình mình, tạo ra sự gần gũi thường nhật, can dự vào mọi hành vi, hoạt động của con người trên bước đường làm ăn, đấu tranh sinh tồn qua hàng nghìn năm lịch sử. Chính từ không gian văn hóa liên thông này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc và ý thức lịch sử, sự quý trọng vĩ nhân và ước nguyện cộng đồng, trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm, luôn luôn hòa quyện, phối nhập một cách hồn nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, mang tính truyền thống đối với các bậc tiền nhân của cộng đồng dân tộc.

Có thể nói, ngay từ khởi nguồn, những tín ngưỡng sơ khai thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại các Vua Hùng, đã bắt nguồn từ tục thờ cúng tổ tiên của cư dân Việt - Mường, thể hiện sự nối kết tâm thức tri ân lớp người khai sáng cho gia đình, dòng tộc và cao hơn cả là tri ân những người có công khai phá, tạo lập cộng đồng, vượt qua mọi thử thách của tự nhiên khắc nghiệt và các thế lực ngoại xâm, đặt nền móng cho sự liên kết sức mạnh cộng đồng, vươn tới đỉnh cao là ý thức tự hào và tâm nguyện củng cố - bảo vệ một quốc gia, một dân tộc. Trải qua tiến trình vận động, biến đổi của lịch sử, nhận thức về lịch sử, về vị thế của đất - nước, nơi tụ cư của cộng đồng, dần dần được nâng cao. Những bài học về sự thành - bại, được - mất trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội đã là những cơ sở cốt lõi giúp cho cộng đồng đúc kết nên những kinh nghiệm - chuẩn mực sinh tồn, gìn giữ và khai thác những yếu tố đắc dụng và loại trừ những thành tố khả biến ngáng trở, đặng phục vụ hữu ích cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng trước mọi nguy cơ, thách đố của lịch sử.

Và như vậy, ngay từ những niên kỷ đầu tiên sau thời đại các vua Hùng, tín ngưỡng tri ân, tôn vinh các thế hệ tiền nhân được thể hiện qua hàng loạt hành vi thực hành nghi lễ, lễ hội trong hàng loạt cộng đồng làng/xóm đã xác lập và tô đậm thành thói quen những hoạt động đời thường, theo những chuẩn mực văn hóa - xã hội được cộng đồng chấp thuận, duy trì, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Câu chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai và sau đó là cuộc phân ly để năm mươi người con lên rừng và năm mươi người con xuống biển chính là bóng dáng của lịch sử những tháng năm con người có nhu cầu mở mang địa bàn sinh sống với một thứ quan hệ huyết thống, có vai trò tạo ra cơ sở cho sự cố kết cộng đồng. Lòng tự hào về nòi giống con Rồng cháu Tiên và ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào” (sinh cùng một bọc) đã là cội nguồn giữ gìn và bảo vệ mối đoàn kết cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam sau này.

Căn cứ trên cứ liệu khảo cổ, dân tộc học và văn chương dân gian, có thể phác được phôi thai và dần định hình từ thời đại Hùng Vương, để rồi, tạo đà khởi nguồn cho những chuẩn mực mang giá trị đạo đức, có ý nghĩa giáo dục, quy tụ, điều chỉnh và vận hành cho mọi hành vi của các thế hệ hậu sinh. Đó là: Giáo dục con cái cần cù, chịu khó lao động; nhắc nhở con cháu học nghề, giữ nghề và luyện tay nghề; động viên con cháu hy sinh vì cộng đồng, tham gia đánh giặc ngoại xâm; quý trọng láng giềng, đoàn kết với người cùng cảnh ngộ; giữ dòng máu huyết thống của Bố Rồng - Mẹ Tiên; có thứ bậc trong gia đình, cần coi trọng và tuân theo luật lệ đặt ra; tuân theo khối đoàn kết thống nhất của cộng đồng xã hội trong quá trình khai phá đất đai canh tác, làm thuỷ lợi, chống lũ lụt và chống ngoại xâm. Giữ trọn tình yêu thương bố mẹ, tình nghĩa anh em, xóm làng,…

Từ những cứ liệu khoa học chính xác, cùng các cứ liệu phong tục, nghi lễ và văn chương dân gian, nảy sinh từ thời đại vua Hùng, đã cho phép chúng ta nhận diện bước đầu: Gia đình các thế hệ người Việt - Mường thời các vua Hùng được hình thành và tồn tại trong một không gian văn hoá đặc sắc là trung du và châu thổ Bắc Bộ, qua thử thách và với các mối quan hệ tự nhiên - xã hội, đã dần định hình được một nếp sống và phong cách sống tương ứng, phù hợp để tồn tại và phát triển. Những phẩm chất văn hoá qua lối sống đó trong lịch sử đã tạo ra những chuẩn mực văn hóa sơ khai cho nét tính cách của người Việt cổ xưa, biết thính nhạy với mọi ứng xử quan hệ để vươn lên cùng tồn tại.

Lễ rước kiệu tại đền Hùng

Điều đó, theo nhìn nhận của lớp người đương đại, là cốt lõi bản địa của một thứ “gia phong” sâu rễ bền gốc, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của gia đình người Việt thuở ban đầu dựng nước và giữ nước, hình thành nên những nét truyền thống quý báu, định hình như những hệ thống giá trị văn hóa bền vững, được truyền lại cho đời sau học tập, gìn giữ, noi theo. Và như vậy, nếu như đặc trưng của nền văn hóa Việt lúa nước là văn hóa làng, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã xác lập được giá trị khâu nối, liên kết sức sống của văn hóa làng trong không gian văn hóa cộng đồng quốc gia đa dân tộc, trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Giá trị liên kết cộng đồng đó đã là hạt nhân tạo ra sức mạnh cho khối đoàn kết đại dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử, được các triều đại quân chủ phong kiến khai thác, tô đắp và nâng cao thành các thiết chế văn hóa - chính trị, trở thành sợi dây thiêng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc để tạo ra giá trị đạo đức chung cho ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết bền vững mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ban Nghiên cứu Văn hóa

Tags:

Bài viết khác

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập (Tp.Hồ Chí Minh)

Di tích Dinh Độc Lập tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích là 12ha, bốn mặt là 4 trục đường bao quanh - phía Đông Bắc giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; phía Tây Nam giáp đường Huyền Trân Công Chúa; phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai; phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Du.

Di tích bến Vàm Lũng - đường Hồ Chí Minh trên biển

Bến tiếp nhận vũ khí Vàm Lũng (thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), nằm theo rạch Chùm Gộng hướng về trung tâm huyện Ngọc Hiển, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3996/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2010.

Thờ Tứ Bất Tử, tín ngưỡng độc đáo của người Việt

Trước khi các tôn giáo lớn định hình trên mảnh đất hình chữ S, người Việt đã phát triển tín ngưỡng của riêng mình. Ngoài thờ gia tiên, tổ nghề, các anh hùng chống ngoại xâm…, tục thờ bốn vị Thánh bất tử là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Bà Chúa Liễu có nhiều nét vô cùng độc đáo.

Hình tượng ‘Lưỡng long chầu nguyệt’ trong văn hóa Việt

Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền, không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Ngôi chùa Phật giáo Bắc tông ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa cổ sở hữu một kiến trúc Phật giáo Bắc tông nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, không gian thanh tịnh an yên giữa lòng Sài Gòn tấp nập.

Linh vật trong văn hóa truyền thống Việt Nam

Linh vật được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật thuật tạo hình Việt Nam.

Chantarangsay: ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Chantarangsay hay còn có tên gọi khác là chùa Candaransi, tọa lạc tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Gò tháp An Lợi: Dấu ấn kiến trúc cổ

Ẩn mình trong khung cảnh yên bình của ấp An Lợi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), Gò tháp An Lợi là một trong những di tích đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa Óc Eo, từng rực rỡ trong lịch sử Đông Nam Á.
Top