Trong các loại Thành hoàng của làng xã người Việt, có một loại Thành hoàng tương đối phổ biến và chiếm số lượng không phải quá ít, họ là nhân thần, nhưng không phải là anh hùng dân tộc, nhân vật lịch, người có công lao, người học rộng, tài cao… mà thường là những con người bình thường, thậm chí có địa vị xã hội thấp, nhân cách thấp hèn, nhưng họ lại chết một cách không bình thường, vào giờ phút “bất thường” mà dân gian gọi là “giờ thiêng”, nên linh hồn của họ chứa đựng một “sức mạnh” đặc biệt, siêu nhiên. Sức mạnh ấy có thể mang lại sự che chở cho cuộc sống bình an của cộng đồng, nếu như cộng đồng thỏa mãn những “ước vọng” rất đời thường lúc sinh thời của vị thần linh đó, ví dụ như thích dâm dục, ăn trộm, chơi đùa, ăn cắp… Nhưng sức mạnh ấy cũng có thể gây ra những tai họa nếu như cộng đồng làm trái các “ước vọng” ấy của thần linh. Vì vậy, việc thờ cúng các Thành hoàng này đều đi liền với các tục hèm, tức nghi thức nhằm tái hiện nét “riêng biệt”, “độc đáo” nhất của đời sống lúc sinh thời của vị thần linh đó. Chính các tục hèm này làm nên cái bí ẩn thiêng liêng, sức mạnh đặc biệt của vị thần linh mà do cái chết vào giờ thiêng của họ đã tạo ra.
Theo quan niệm nho giáo chính thống thì các triều đình phong kiến không thừa nhận loại Thành hoàng này, họ cho đó là các “tà thần”, “dâm thần”, không phong cấp sắc, thậm chí còn ra lệnh phá bỏ các đền, miếu thờ phụng các vị thần này ở làng xã. Tuy nhiên “phép vua thua lệ làng”, đời sống dân dã vẫn có khoảng tự trị riêng của nó mà nhà nước không thể đụng tới. Do vậy, việc thờ cúng kèm theo các tục hèm này vẫn được duy trì và ở đó chứa đựng nhiều ý nghĩa xã hội và tâm lý, thỏa mãn nhiều nhu cầu tâm linh của người dân ở thôn quê.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo