
Sáng sớm ra phố, trong làn gió cuối đông se lạnh, nhìn những chiếc áo ấm đầy màu sắc bỗng nôn nao nhớ những mùa đông xưa bên mẹ. Ngày ấy, mùa đông như lạnh hơn bây giờ, trẻ con nhà quê đứa nào môi cũng tím tái, chỉ có nụ cười hồn nhiên thường trực trên môi.
Thời bao cấp, chuyện ăn mặc của các gia đình công nhân đều trông chờ vào nguồn cung của các cửa hàng nhà nước, thế nên áo đẹp chỉ là thứ xa xỉ, kiếm đủ áo ấm để chống lại cái rét mùa đông cũng đã là chuyện khó. Còn nhớ, mỗi lần đông đến, lãnh đạo nông trường nơi tôi sống lại cho xe chở quần áo về tận đội sản xuất để bán cho các gia đình công nhân. Ngày xe về đội, cả làng cả đội vui như hội, kẻ ướm người thử râm ran tiếng nói cười. Hàng hóa khan hiếm nên cả làng mặc “đồng phục” là chuyện thường ngày ở huyện. Có năm, mẹ mua cho anh em chúng tôi những chiếc áo len, áo mút cùng kiểu dáng màu sắc, chỉ khác nhau về kích cỡ. Chạy sang nhà bạn định khoe vừa được mẹ mua áo mới, nhưng vừa đến sân, tôi bỗng tiu nghỉu vì thấy anh em nhà nó cũng mặc giống mình! Cũng chỉ vì áo quần giống nhau, nên thằng em út nhà tôi đã có lần chạy về mách mẹ vì ngỡ đứa bạn… ăn trộm áo của mình, đến giờ kể lại ai cũng cười mà nước mắt rưng rưng về một thời gian khó!

Mỗi lần có áo mới, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng xúng xính ra đường khoe với chúng bạn. Qua vài phút gìn giữ ban đầu, bọn trẻ lại hồn nhiên cùng nhau nghịch đất, vọc cát nên chẳng mấy chốc những chiếc áo ấm lấm lem bùn đất. Báo hại, chiều tối đi làm về, mẹ lại nhẫn nại giặt giũ, hong áo cho con. Đến giờ tôi vẫn nhớ chiếc áo len có họa tiết ca rô màu trắng đen hay chiếc áo mút cao cổ màu xanh da trời mặc suốt mấy năm liền, đến mức mẹ phải xẻ cổ áo ra vì con cái lớn lên theo thời gian, áo ngày càng bé lại! Lúc nhỏ tôi cứ ngúng nguẩy không chịu mặc áo len vì ngứa, lớn lên tôi mới biết để có chiếc áo ấy mẹ đã phải chắt chiu từng đồng, có khi phải mua nợ trừ lương về sau!
Năm tháng đi qua, những chiếc áo ấm thời thơ bé ấy đã trở thành kỷ niệm. Bây giờ, mỗi khi nhìn những tấm ảnh trẻ em miền núi co ro trong giá rét, tôi lại nhớ về những năm tháng còn gian khó mà nước mắt cứ chực trào. Những khuôn hình ấy đã đánh thức, nhắc nhớ về một tình mẹ bao la!
Hương Lan