banner 728x90

Tản văn: Nhớ mùa mía năm xưa

03/04/2025 Lượt xem: 2353

Ai đã từng sống ở vùng quê trồng mía chắc chắn sẽ biết đường non là gì, và bánh tráng nhúng vào đường non, khi ăn sẽ thấy nó ngon thế nào. Với tôi, mỗi lần đi qua những vùng trồng mía, trước mắt lại hiện ra hình ảnh cái chòi ép mía, nấu đường nằm trên mảnh đất nhỏ bên con đường ở đầu thôn cùng bao hình ảnh đầy yêu thương lúc mình còn bé.

Đất ở quê tôi rất hợp với mía nên cây nào cây nấy sau mấy tháng được trồng xuống đều vươn thẳng tắp. Ngày xưa, chưa có các nhà máy thu mua nên đến mùa thu hoạch, người trong làng thường dựng lên một cái chòi tranh, đặt lên đó bộ che để ép và bên cạnh, người ta đắp lò, đặt mấy cái chảo to để nấu nước mía vừa ép được, làm thành đường. Bộ che mía được làm bằng 3 khối gỗ to, cao khoảng 1m. Thông thường, một gia đình giàu có nào đó hoặc ba bốn gia đình trong làng thân nhau góp tiền lại mới sắm được một bộ. Để có che ưng ý, người ta chọn ngày lành, tháng tốt lên núi cao, tìm, đốn những khúc gỗ, thường là những loại gỗ quý rồi vận chuyển về làng, sau đó thuê những người thợ mộc có tay nghề giỏi đẽo gọt. Một bộ che ép mía hoàn chỉnh gồm có 3 trục quay được đặt sát vào nhau, phía trên có một thanh gỗ lớn để giữ cố định các ống che rồi cột vào thanh gỗ dài để buộc ách cho trâu kéo đi. Khi trâu đi vòng quanh, kéo theo thanh gỗ dài làm cho các trục chuyển động, và mía đưa vào bị ép chặt. Nước mía lấy được, người ta cho vào chảo to để đun sôi, bỏ thêm vài vá vôi bột, vớt sạch bọt rồi múc lên thùng cho lóng cặn, sau đó nấu tiếp. Đường trước khi nấu đến độ chín sẽ cho ra món đường non dẻo quánh, rất ngon. Đặc biệt, vào thời điểm này, nếu có bánh tráng nướng nhúng vào sẽ cho món ăn tuyệt vời, vừa giòn, vừa ngọt.

Với bọn nhỏ chúng tôi thuở ấy, vào những ngày nông dân thu hoạch mía, nấu đường là những ngày rất vui, vì được ăn mía thỏa thích. Mía chất thành đống, không có chủ mía nào lại không cho. Ăn mía ở ngoài ruộng. Ăn mía ở chòi nấu đường. Bã mía nhai xong bỏ trắng cả đất. Song có lẽ, đường non là thứ mà đã sống ở gần lò ép mía thì không ai có thể quên được. Thường thì các chủ lò cũng chẳng tiếc gì một ít đường non nên sai thợ đổ ra mấy cái bẹ chuối, và cứ thế chúng tôi lấy đũa mà vích. Có lúc chúng tôi còn giúp người lớn dắt trâu kéo che, và tất nhiên, món bánh tráng nhúng vào đường non cũng được người lớn mời mấy miếng…

Bao năm tháng đã đi qua, ngày nay, đến mùa thu hoạch, mía được chở về các nhà máy và những cái chòi ép mía, làm đường ở quê tôi cũng như ở nhiều vùng quê khác không còn nữa. Vừa rồi đến thăm một người quen ở quê cũ, nhìn bộ che gỗ đã cũ màu mà chủ nhà còn cất giữ phía sau hè, bỗng dưng bao ký ức êm đềm của thời thơ ấu gắn liền với cái chòi ép mía, nấu đường bỗng sống lại trong tôi. Vị chủ nhà có bộ che cũ nghe tôi nhắc đến món đường non đã tỏ ra thích thú, nói đủ thứ về chuyện nấu đường của nhà ông trước đây, rồi bảo: Hóa ra ông cũng giống tôi. Trời ơi, ông biết không, cứ đến mùa mía là tôi lại nhớ bao nhiêu điều… Nhớ hồi xưa

Kim Phụng

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Yêu thương đi cùng năm tháng

Hồi ấy, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhà anh nghèo lắm, nấu cơm toàn độn khoai lang, khoai mì và bo bo. Người lớn ăn phần khoai, trẻ con được ăn phần cơm nhưng không đủ, phải ăn lấn qua phần khoai. Ấy là cơm, còn thức ăn thường trực chỉ là món rau trồng và mọc tự nhiên xung quanh vườn: rau muống, rau lang, rau dền… Cả nhà thèm được ăn miếng thịt biết bao.

Tản văn: Hũ mẻ ngày xưa

Trong căn bếp mới tinh khôi, tất cả đều sáng loáng màu men đá, màu gỗ, lặng lẽ nơi góc bếp có một hũ nhỏ, anh vẫn nuôi mẻ từ hồi xưa. Con gái ngạc nhiên hỏi, nhà mình có mấy khi nấu món gì cần mẻ đâu mà ba nuôi cả hũ, để rồi đến khi đầy, ba lại xúc đổ đi? Anh chỉ cười hiền, trong bếp phải có hũ mẻ cho vui con à…

Tản văn: Giọt mồ hôi của mẹ

Sau mùa gặt, cánh đồng vàng thơm óng ánh. Đó là màu vàng ruộm của những sợi rơm cong mình trong nắng, là màu vàng xanh của những cây rạ còn tươi, giẫm chân lên gãy rạp, nghe giòn rụm. Đó là mùi thơm của rơm khô, của khói đốt đồng. Đứa con nào của đồng ruộng mà chẳng mê mẩn màu vàng của cánh đồng sau vụ gặt, mà chẳng hít no nê mùi thơm của rơm rạ quyện với mùi mồ hôi của ba, của mẹ trên cánh đồng.

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!
Top