Nét độc đáo trong văn hóa của người Dao đỏ ở Lào Cai là trong mỗi gia đình đều có một chiếc sừng trâu. Theo quan niệm, sừng trâu không chỉ là cầu nối tâm linh mà còn là vật thể hiện sự phù trợ may mắn trong lao động sản xuất.
Từ xa xưa, chiếc sừng trâu (tiếng Dao gọi là “ngồng chong”) là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình người Dao đỏ ở Lào Cai. Sừng trâu luôn được bà con treo hoặc cắm trên đầu một cây gậy gỗ và để cạnh bàn thờ - nơi trang trọng nhất trong nhà. Theo phong tục của dân tộc Dao đỏ, mỗi gia đình đều có một chiếc sừng trâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng làm lễ cúng thần linh, tổ tiên, mà phải là người đàn ông trong gia đình được cấp sắc 12 đèn mới được phép sử dụng và phát huy công dụng của nó.
Chiếc sừng trâu khắc tên người đàn ông làm chủ gia đình thể hiện quyền sở hữu, sử dụng của họ
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ chủ yếu sống bằng nghề nông, nên con trâu luôn được coi là “đầu cơ nghiệp” - tài sản quý giá nhất của các gia đình. Do đó, biểu tượng chiếc sừng trâu may mắn là nét văn hóa riêng trong tâm thức của mỗi người. Theo quan niệm từ xưa, mỗi gia đình phải nuôi một con trâu đực lớn, sau khi phục vụ sản xuất nông nghiệp mà mùa màng bội thu, con trâu sẽ được mổ để cúng thần linh, tổ tiên và chiếc sừng trâu được giữ lại làm cầu nối tâm linh, vật may mắn phù trợ trong lao động sản xuất. Chiếc sừng trâu được người chủ trong gia đình tự tay đục lỗ để có thể thổi thành tiếng và khắc tên lên thể hiện quyền sở hữu của mình.
Chiếc sừng trâu của người Dao đỏ còn được kết hợp với một cây gậy để treo hoặc cắm lên. Chiếc gậy chủ yếu được làm bằng gỗ sến đỏ. Màu đỏ theo phong tục của người Dao thể hiện sự trang trọng. Sau khi được cấp sắc 12 đèn, người Dao đỏ được sử dụng chiếc sừng trâu làm lễ cúng thần linh, tổ tiên bằng cách thổi sừng trâu kêu trước, trong và sau khi làm lễ. Ví dụ, trước khi làm lễ cúng thần linh vào các dịp lễ cơm mới, người chủ lễ sẽ thổi sừng trâu kêu 4 lần, sau khi cầu khấn thổi 2 lần và khi kết thúc thổi 4 lần để các thần linh ghi nhận lòng tành của người làm lễ, của dân bản cầu mong cho mùa màng năm sau tốt hơn năm trước.
Cứ như vậy, biểu tượng về sự may mắn của người Dao đỏ được lưu truyền từ đời này qua đời khác, là nét văn hóa đặc trưng thể hiện niềm tin của người dân trong lao động sản xuất và hướng tới một cuộc sống an lành, ấm no.
(Theo baolaocai.vn)