Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được ra đời và duy trì trong những điều kiện lịch sử – xã hội nhất định. Từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy đến hình thức liên kết gia đình sơ khai theo trục huyết thống nam đã là một chặng đường lịch sử khá dài, nhưng đến thòi điểm xác lập “quyền trưởng nam” còn muộn hơn.
Người ta thường chú ý tới ba yếu tố quan trọng xác lập quyền trưởng nam: giới tính (đương nhiên phải là con trai), thứ bậc (con trai trưởng) và cả vị trí của người mẹ (phải là mẹ đích – “đích mẫu”). Theo dã sử, quyền trưởng nam của người Việt có thể hình thành ở thời kỳ Bắc thuộc với sự kiện Phùng Hưng mất, em trai là Phùng Hải lên thay nhưng quân sĩ đã tìm cách phế bỏ, tôn con trai trưởng của Phùng Hưng là Phùng An kế vị. Cũng có giả thuyết, thời điểm này sớm hơn với chi tiết người con trai cả trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, được làm vua – vua Hùng. Thực ra câu chuyện này về họ Hồng Bàng được ghi chép lần đầu tiên trong “Lĩnh Nam chích quái”, tác phẩm của thế kỷ XIV, vậy liệu có chịu ảnh hưởng của ý thức hệ về quyền trưởng nam đã được xác lập thời nhà Trần? Còn theo chính sử, quyền trưởng nam ở Việt Nam xuất hiện chính thức vào thời Lý, sau 12 thế kỷ Bắc thuộc và muộn hơn thời điểm xác lập ở Trung Hoa 20 thế kỷ. Lý Thái Tổ đã phong con trưởng là Phật Mã làm thái tử. Có lẽ đến lúc này, người Việt mới hình thành rõ rệt ý thức về cội nguồn, ý thức duy trì nòi giống cũng như ý thức về địa vị gia đình trong cộng đồng xã hội và về quyền thừa kế tài sản. Dù rằng ở nước ta sở hữu kinh tế mang tính cộng đồng là chủ yếu, nhưng ít nhiều ý thức về quyền thừa kế cũng vẫn hình thành.
Mặt khác, theo con đường “chung tộc danh về phía bố”, các gia đình nhỏ liên kết lại với nhau thành họ. Đây là loại đơn vị ngoại hôn vì các thành viên trong họ liên kết với nhau bằng sợi dây huyết thống và cùng chung một vị thủy tổ. Trong quá trình hình thành và củng cố, kiểu tập họp gia đình theo tộc danh phụ hệ này thường không có mục đích kinh tế rõ ràng. Và theo Từ Chi, họ chỉ nhằm giải quyết hai vấn đề: đảm bảo chế độ ngoại hôn trong từng đơn vị chung tộc danh về phía bố và việc thờ cúng tổ tiên được rộng rãi nhất./.
Ban Tôn giáo phía Nam