Sáng nay, ngày 10/5/2024 đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã đến làm việc với Ban Quản trị Chùa Đại Tòng Lâm, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam làm việc với Ban Quản trị Chùa Đại Tòng Lâm
Tại buổi làm việc, Thượng tọa Thích Nhuận Nghĩa, Uỷ viên Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Trị sự GHPG tỉnh BR-VT, cùng Thượng tọa Thích Nguyên Thái, Phó Ban Trị sự GHPG tỉnh BR-VT _ Trưởng Ban Trị sự GHPG thị xã Phú Mỹ thay mặt Ban Quản trị Chùa Đại Tòng Lâm trao đổi một số nội dung xung quanh việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và bàn một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thượng tọa Thích Nhuận Nghĩa, thay mặt Ban Quản trị Chùa Đại Tòng Lâm phát biểu tại buổi làm việc
Thượng tọa Thích Nguyên Thái, Trưởng Ban Trị sự GHPG thị xã Phú Mỹ phát biểu
Thay mặt Ban Quản trị Chùa Đại Tòng Lâm Thượng tọa Thích Nhuận Nghĩa cho biết: “Chùa Đại Tòng Lâm nằm trên trục đường quốc lộ 51, thuộc địa bàn khu phố Quảng Phú, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự.
Trong khuôn viên Chùa Đại Tòng Lâm
Chùa Đại Tòng Lâm là một quần thể gồm 42 cơ sở chùa, chiền lớn nhỏ; là ngôi chùa xác lập 6 kỷ lục quốc gia: Chánh điện lớn nhất rộng 3.000 mét vuông; Một tượng Bồ Tát Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất, nặng hơn 40 tấn;
Chánh điện Chùa Đại Tòng Lâm
Là chùa có tượng Phật nhiều nhất với hơn 10.000 tượng Phật bên trong chánh điện và 18 vị La Hán, 49 tượng Phật A Di Đà bằng đá hoa cương an tọa ngoài trời.
Chùa có số sư, tăng ni nhiều nhất và số chúng sinh tham gia mùa An Cư Kiết Hạ đông nhất cả nước. Mỗi dịp lễ hội Phật giáo, chùa đón hàng chục ngàn khách du lịch, tín đồ, Phật tử đến tham quan lễ Phật.
Để nơi đây thực sự trở thành điểm đến du lịch tâm linh thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, rất cần có sự kết nối vùng, kết nối các điểm di tích và các điểm du lịch khác trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu, hướng tới xuất bản sách du lịch văn hóa tâm linh, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước để du khách biết và tham quan chiêm bái…”
Tháp Tam Bảo - Chùa Đại Tòng Lâm
Sau khi nêu thực trạng, những vấn đề đặt ra từ các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo ở nhiều địa phương trong cả nước, Nhà báo Đào Quốc Thịnh, Trưởng Đại diện Báo Thương hiệu và Công luận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Giám đốc Văn phòng Đại diện phía Nam _ Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam phát biểu nhấn mạnh:
“Việc phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên ngành, liên ngành và Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam với các tổ chức tôn giáo là vô cùng cần thiết và quan trọng. Nhằm đưa sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đi theo hướng phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức truyền thống, đúng với tinh thần nhân văn, nhân bản vốn có của Phật giáo. Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam sẽ là cầu nối giữa các tổ chức tín ngưỡng tôn giáo với chính quyền địa phương, trong việc tuyên truyền, thực thi các chính sách pháp luật, chính sách tôn giáo một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất theo tinh thần Chỉ thị số 18 ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25 ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Nhà báo Đào Quốc Thịnh, Giám đốc Văn phòng Đại diện phía Nam phát biểu tại buổi làm việc
Trước mắt cần triển khai một số giải pháp tuyên truyền thông qua các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, mở diễn đàn trên trang tin điện tử của viện, in ấn xuất bản phát hành sách du lịch văn hóa tâm linh, nhằm giới thiệu đến các du khách thập phương trong và ngoài nước biết, để đến tham quan du lịch, chiêm bái”.
Đoàn công tác Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam chụp hình lưu niệm với Ban Quản trị Chùa Đại Tòng Lâm thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Võ Thị Mai (Văn phòng Đại diện phía Nam)