Gia tộc cũng có những quy định tín ngưỡng cho việc thờ cúng Thủy tổ dòng họ. Mặc dù đã qua nhiều đời nhưng ngày giỗ họ vẫn được lưu truyền nhờ việc ghi chép gia phả. Đây là cuốn sổ biên theo thứ tự các vị tổ của các đời gồm tên tuổi, chức tước, công trạng, ngày sinh tử và nơi mộ táng. Gia phả được cất giữ tại nhà trưởng họ, nhiều họ còn sao chép thành nhiều bản cho các chi, ngành, nhánh.
Việc giỗ họ được thực hiện tại nhà họ (từ đường), hoặc với những dòng họ không có từ đường riêng thì việc cúng giỗ được tiến hành ngay tại nhà trưởng họ, hay tại một đài lộ thiên (có dựng bia đá ghi thủy hiệu các vị tổ). Trong ngày giỗ Thủy tổ, tất cả con cháu trưởng các chi, ngành, nhánh buộc phải có mặt. Các con cháu khác, tùy vào hoàn cảnh mà mang đồ tới góp giỗ, người bó nhang, nải chuối, người thì mang gạo, mang tiền. Với những dòng họ đông, chỉ đàn ông được dự lễ giỗ Tổ, còn phụ nữ có thể đến từ hôm trước để giúp việc bếp núc. Có dòng họ làm ăn phát đạt, vào ngày giỗ Tổ, thậm chí còn mời cả đội tế và phường bát âm đến làm lễ. Tại buổi giỗ, trưởng họ thay mặt cả họ vừa báo cáo công việc cũng như thành tích với tổ tiên, vừa ôn lại sự nghiệp, công trạng của các vị tổ để giáo dục cho lớp con cháu hiểu về tổ tiên mình và biết ơn cội nguồn. Ngoài ra, các thành viên – nhân dịp này – cũng bàn bạc các công việc trong họ (kiện tụng, ma chay, hôn nhân, hay giúp đỡ tương trợ lẫn nhau) và tộc trưởng có vai trò điều chỉnh, hòa giải tạo nên sự thống nhất trong thân tộc.
Lễ giỗ Tổ được tổ chức chu đáo và duy trì đều đặn hàng năm do nguồn kinh phí được chuẩn bị trước (của hương hỏa) và không ngừng được bổ sung qua các đời bằng việc phân bố qũy họ (chia theo đầu đinh). Tổng qũy này được sử dụng chủ yếu vào hai việc: hương khói thờ Tổ, cúng giỗ Tổ và sửa sang từ đường.
Hương hỏa là phần gia sản của cha mẹ để lại cho con cháu nhằm thờ phụng, cúng tế sau này. Nếu cha mẹ không có di chúc thì con trưởng có nhiệm vụ tách riêng một phần gia sản làm hương hỏa rồi sau đó mới phân chia cho các em. Phần hương hỏa này không được phép chia, không được mua bán, nhằm duy trì sự thờ cúng tổ tiên. Từ đó, đặt ra vấn đề thừa kế hương hỏa. Ở nước ta, tuy nhấn mạnh việc con trai trưởng (và sau đó là con thứ) thừa kế hương hỏa, nhưng trong trường hợp đặc biệt vẫn cho phép trưởng nữ có quyền ấy. Khi trưởng nữ chết, hương hỏa chuyển cho trưởng tử hoặc cháu đích tôn của mình. Luật pháp xưa đã quy định rằng: khi người trưởng họ chết, người con kế tục vai trò trưởng họ sẽ nhập phần hương hỏa của cha vào phần hương hỏa của mình rồi trích một nửa làm hương hỏa của đời mình. Người cháu tiếp tục công việc của trưởng họ cũng làm như thế. Trong trường hợp người chết không có người thừa kế thì gia sản được sung công bảy phần, ba phần còn lại giao cho một người hoặc một tổ chức (thường là làng) quản lý để lo cúng lễ cho người ấy. Tất cả mọi quy định của luật pháp, quy ước của phong tục đều nhằm giúp cho việc thờ phụng tổ tiên được duy trì nề nếp.
Bên cạnh các nghi lễ cúng tế trong gia đình và gia tộc, còn phải kể thêm vào hệ thống nghi thức tế lễ tổ tiên một hình thức nữa, đó là: tảo mộ. Ngoài việc đắp thêm mộ trong lễ ba ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ, cúng tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba (có nơi như làng biển Du Xuyên – Thanh Hóa lại đắp mộ tổ tiên vào rằm tháng chạp, nên ở đây gọi là lễ chạp mả). Việc cúng tế tại mộ thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người thân, người ta phải khấn cáo xin phép Thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên, một mặt, là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc. Và người Việt cho rằng, nếu vị trí đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể nào phát triển được.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo