Cũng như các tộc người khác, người Ba Na đều tin rằng mọi thứ xung quanh họ đều có sự hiện hữu của thần linh (yang), chi phối họ, quy định những suy nghĩ, hành động của họ. Tận sâu thẳm trong tâm thức của mình, người Ba Na rất sợ các vị thần linh và họ không hề bỏ qua những nghi lễ cúng tế để làm vừa lòng các vị thần.
Trong hệ thống tín ngưỡng của người Ba Na, sự sống hiển hiện như một thể thống nhất và là sự sắp đặt từ bàn tay của thể đôi thần linh tối cao Bok Kei Dei và Yă Kuh Keh. Họ đồng thời cũng là những vị thần chủ trì nhịp điệu nông nghiệp. Với người Ba Na, chỉ ở những vị thần ấy mới có đủ các đức tính: nhân từ, vĩnh hằng, tối cao tuyệt đối, là người sáng tạo ra tất cả và mọi sự sống đều từ đó mà có, coi sóc con người và mùa màng. Người vợ Yă Kuh Keh làm nên trời đất, còn chồng Bok Kei Dei làm ra mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú rồi đính chúng lên trời.
Ngoài thể sóng đôi Bok Kei Dei - Yă Kuh Keh, người Ba Na còn có thể sóng đôi khác là yang Măt Na - yang Măt Khei (thần mặt trời - thần mặt trăng). Người Ba Na có nhiều huyền thoại khác nhau để lý giải về sự nóng nảy của mặt trời hoặc sự dịu mát của mặt trăng. Thần mặt trời là nữ thần của sự sinh sản và phì nhiêu. Mặt trời sưởi ấm, ủ ấm, làm cho lúa ra bông chắc hạt; soi sáng cho con người thấy đường lên rừng, lên rẫy. Thần mặt trăng luôn gần gũi với người lao động, buớc đi của thần trở thành nhịp sống của con người, giúp con người nhận biết thời gian trôi chảy để cấy trồng hay tổ chức các nghi lễ. Sự sống của mặt trời và mặt trăng cũng là sự sống của muôn loài trên mặt đất.
Trong tín ngưỡng của người Ba Na, vị trí của thần lúa (yang sri) cũng như việc thờ cúng, cây lúa luôn chiếm một vị thế đặc biệt. Tín ngưỡng thờ thần Lúa có mặt khắp nơi trên thế giới, người ta gọi mẹ thần Lúa là mẹ Lúa, người ta gắn thần Lúa với hình ảnh của người phụ nữ.
Với người Ba Na, đáng sợ nhất là thần Sấm Sét (Bok Glaih). Thần được hình dung như một người khổng lồ, thân thể cao lớn với dáng vẻ bên ngoài dữ tợn, thần luôn mang bên mình chiếc rìu đá phóng sét. Trong tín ngưỡng của người Ba Na, bị sét đánh là một điều xui xẻo, một tai họa không chỉ cho người bị hại mà còn cho cả dân làng. Lúc ấy mọi người sẽ phải làm nghi lễ cúng tạ thần Sấm thật lớn để mong thần tha tội bởi họ nghĩ rằng đã làm điều phật ý thần.
Luôn thân thiện và được người Ba Na yêu mến là thần Nước (yang Đăk). Bởi cũng giống như họ, thần hiền hoà, yêu ca hát và thích hội hè của con người. Trong đời sống hằng ngày của người Ba Na có nhưng nghi thức kiêng cữ liên quan đến việc bảo vệ sự thuần khiết cho nguồn nước.
Với người Ba Na, lửa được xem là vị thần đầy quyền uy bởi khả năng phá huỷ ghê gớm của nó. Sự trừng phạt của ngọn lửa thường là nghiệt ngã trong ngôi nhà mà mọi thứ vật liệu được dùng là tre nứa. Cái chết cháy với người Ba Na được xem là cái chết dữ và đôi lúc người Ba Na buộc phải bỏ lại phía sau mình ngôi làng cũ để đến lập làng ở một nơi mới. Vì vậy, khi chuẩn bị đốt rẫy để bắt đầu cho mùa trồng tỉa, bao giờ người Ba Na cũng cầu khấn thần lửa (yang Unh) để mong thần ban cho con người ngọn lửa quý báu giúp rẫy cháy đều, có nhiều tro để cho mùa màng tươi tốt để cuộc sống con người luôn được bình yên, hạnh phúc.
Ngoài các vị thần kể trên, người Ba Na còn vô số các vị thần khác như thần Rừng (yang Bri), thần Đất (yang The), thần Đá (yang Tmo), thần Núi (yang Kông), thần Sông (yang Krong), thần Nồi (yang Go), thần Sắt (yang Mam), thần Chiêng (yang Ching). Mỗi thần có một công việc cụ thể, một sự sắp đặt, phân công sẵn của đấng tạo hoá Bok Kei Dei- Yă Kuh Keh.
Nguồn:quehuongonline