Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Lễ giỗ tổ nước chắc chắn có lịch sử muộn hơn rất nhiều so với các lễ giỗ trong thân tộc. Nó phải gắn với giai đoạn phát triển trong nhận thức của con người về vấn đề dân tộc. Chỉ sau đời Lê, khi ý thức về “vị Thánh vương ngàn đời” của dân tộc được khẳng định trong bộ máy vương triều, các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương được chính thức thành hình.
Mặc dù trong một số tác phẩm phong tục, ví dụ Việt Nam văn hóa sử cương, ở phần tế tự của quốc gia có nhắc đến các nghi lễ Nho giáo thuần túy: tế Trời ở lễ Nam giao, tế tổ tiên riêng của nhà vua ở Tôn miếu, tế Thổ thần và Cốc thần ở đàn Xã tắc…, nhưng không thấy nói gì đến lễ Tổ Hùng Vương. Điều này có thể lý giải rằng, việc giỗ Tổ Hùng Vương chủ yếu vẫn là hình thức tín ngưỡng dân gian, dù ở phạm vi toàn quốc.
Như đã nói ở trên, từ truyền thuyết bào thai trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, người Việt Nam đã dựng lên cho ông Tổ của mình một lý lịch hoàn chỉnh, có cả ngày mất (kỵ). Theo tư liệu của tác giả Toan Ánh, “trước đây hàng năm tại đền vua Hùng ở làng cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, có tổ chức quốc tế và có đại diện của triều đình tới đứng chủ tế trong ngày giỗ. Dân chúng các nơi kéo về đền Hùng lễ Tổ và ngay cả các tỉnh cũng có tế vọng vua Hùng. Vì thế, đó là ngày giỗ quan trọng nhất của người Việt Nam”.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng ba
Mồng Mười tháng ba hàng năm đã trở thành ngày giỗ của vua Hùng, thành ngày hội tụ con cháu khắp mọi miền đất nước hướng về đất Tổ.
Không chỉ đền Hùng ở làng cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao – được coi là “đất thánh”, mà theo thống kê, tính riêng 1000 xã vùng trung du Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Hà Bắc đã có khoảng 1200 di tích thờ cúng vua Hùng và các tướng lĩnh. Ngay từ xưa, “bộ Lễ đã thống kê trong sách thờ bách thần có tới 1026 đình đền ở 944 làng xã thờ Hùng Vương, thân nhân và các tướng lĩnh của các vua Hùng”.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo