banner 728x90

Người con yêu quý của đồng bào dân tộc Châu Ro

26/03/2024 Lượt xem: 2412

Chúng tôi về thăm đồng bào Châu Ro, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào một ngày đầu xuân mới. Trong hơi xuân ấm áp, những rẫy cà phê trổ hoa trắng muốt, những vườn tiêu xanh tốt tươi đang vào mùa thu hoạch, hương thơm hoa cà phê phảng phất, lan tỏa khắp không gian trong tiếng nhạc cồng chiêng với những điệu múa trang phục đẹp mắt của các chàng trai, cô gái Châu Ro xinh đẹp. 

Thầy giáo Đào Phước (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đón chúng tôi bằng nụ cười hào sảng, chất phác của người Châu Ro đậm chất Nam Bộ. Anh chính là người tham gia nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, bản sắc văn hóa dân tộc của người Châu Ro, bằng sáng kiến đưa tiếng dân tộc Châu Ro vào âm nhạc để phổ biến truyền dạy cho các em học sinh và đồng bào trong các thôn ấp. Đây chính là cách nhanh nhất, dễ nhớ, dễ thuộc nhất, trong việc lưu giữ bảo tồn tiếng dân tộc bản địa Châu Ro.

Sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ năm 1994, thầy Đào Phước luôn trăn trở, suy tư, làm sao để con em đồng bào Châu Ro nghèo không chỉ được cắp sách đến trường, học văn hóa, mà còn lưu giữ được tiếng bản địa Châu Ro cho các thế hệ mai sau...

Nhiều lần, thầy trực tiếp thâm nhập các địa bàn dân cư, gặp gỡ bà con trong thôn ấp, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của các gia đình dân tộc Châu Ro, từ đó vận động các tổ chức xã hội quyên góp giúp đỡ, vận động đưa trẻ đến trường. Phong cách gần gũi thân thiện, thầy luôn được các bà con đồng bào Châu Ro, cũng như các em học sinh yêu mến, trân trọng.

Nhận thấy cùng với sự phát triển rất nhanh của xã hội, thế hệ trẻ ngày nay thích nghi với môi trường sống hiện đại, đồng nghĩa với tiếng bản địa Châu Ro ngày càng mai một, trong khi việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ giáo viên, nhà trường chưa được thực hiện vì chưa có giáo trình, nên từ năm  2010 thầy đã chủ động đề xuất với lãnh đạo địa phương thành lập các câu lạc bộ hát múa dân tộc, tham gia các hội thi văn hóa các dân tộc do địa phương tổ chức nhằm lưu giữ tiếng bản địa cho các em mai sau.

Thầy được lãnh đạo địa phương hết lòng ủng hộ. Đến nay, các câu lạc bộ học tiếng Châu Ro, CLB hát múa dân tộc, đã hoạt động được trên 12 năm, mỗi năm thu hút từ 30 – 50 thành viên tham gia. Ngoài việc nghiên cứu, sưu tầm các bài hát dân ca Châu Ro, thầy Phước còn trực tiếp sáng tác các bài hát dịch ra tiếng Châu Ro để cùng bà con luyện tập, biểu diễn, phối hợp với Nhà Văn hóa Bàu Chinh, huyện Châu Đức tổ chức giảng dạy hát múa cồng chiêng cho bà con dân tộc và trực tiếp giảng dạy tại nhiều địa phương các huyện thị trong tỉnh như CLB hát múa tiếng dân tộc ở Long Tân (huyện Đất Đỏ), CLB Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ), CLB Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc)…

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Phước cho biết: “Chúng tôi muốn truyền lửa, tạo sự đam mê cho các em, từ đó các em sẽ là những hạt nhân để tiếp tục nhân rộng các bài múa hát của người Châu Ro đến các thôn ấp trong tỉnh. Hiện tham gia vào các CLB hát múa dân tộc do chúng tôi tổ chức hầu hết là các thanh niên trẻ (dưới 35 tuổi) nên rất nhiệt huyết…”   

Thầy giáo Đào Quốc Trung, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận xét: “Không chỉ là người thầy mẫu mực, Đào Phước còn là người anh cả có tấm lòng nhân hậu, tâm huyết, luôn quan tâm đến công việc và đời sống của giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khuyến khích giáo viên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Là người đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường, thầy không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đổi mới phương pháp giảng dạy, mà còn chú trọng giáo dục kỹ năng tự lập cho học sinh nội trú.

Tham mưu với các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh, tu sửa cơ sở vật chất, tôn tạo sân chơi vận động cho các em học sinh. Vì vậy, diện mạo của ngôi trường ngày một khang trang, sạch, đẹp ...”

Trong không khí vui xuân ấm áp, không gian Nhà Văn hóa Bàu Chinh luôn rộn ràng trong tiếng nhạc cồng chiêng, tiếng đàn goong cla, đàn goong chloq, cầm vuột (kèn bầu), tuyl (sáo) … như thác reo, gió thổi, cùng với những câu hát điệu múa mượt mà, tạo nên sắc màu âm thanh mộc mạc quyến rũ lòng người.

Chia tay bà con Châu Ro huyện Châu Đức, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, chất chứa bao ân tình sâu nặng của những con người Châu Ro thật thà, chất phác, nhân hậu, đã từng nhường cơm xẻ áo nuôi bộ đội ta những năm kháng chiến, chúng tôi  không khỏi lưu luyến, xúc động, bồi hồi…

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trong trang phục của đồng bào Châu Ro (Ảnh: CTV)

Mong sao, thầy Đào Phước và bà con đồng bào Châu Ro nơi đây luôn giữ nhiệt huyết và tình yêu quê hương đất nước. Chúc bà con Châu Ro một năm mới mùa màng bội thu và cuộc sống luôn tràn ngập tiếng hát, tiếng cười.

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top