banner 728x90

Món ngon miền biển: Còng gió Côn Đảo

21/02/2025 Lượt xem: 2383

Muốn thưởng thức còng gió năm bảy món, mời bạn ra Côn Đảo mùa nào cũng có. Còng chạy nhanh nhưng đã có cách bắt.

Bạn chuẩn bị ba bốn cái thùng cỡ một lít đem đào lỗ chôn bằng mặt với bãi biển, trong thùng để một ít mắm ruốc cho thơm. Gió đưa mùi thơm của mắm ruốc đi xa, các chú còng bò đi tìm rồi té xuống đáy thùng không leo lên được. Độ một hai giờ sau bạn có thể ung dung lấy thùng lên trút vào giỏ, ít nhất mỗi thùng cũng được khoảng nửa ký còng.

Nếu muốn nhanh và có sức chạy thì bạn cứ đuổi chụp bắt từng con hoặc đợi lúc thủy triều xuống, trên bãi cát có vô số còng gió chui ra khỏi hang phơi nắng, nhưng sẽ chạy thoăn thoắt để trốn vào hang hoặc các ngóc ngách khi nghe tiếng động. Bạn cầm cái gậy quơ ngang, lũ còng sẽ bị gãy càng chờ bạn thu nhặt.. hoặc đi dọc bờ biển sát mép nước, nơi nào cát ùn lên thì thò tay xuống bắt. Thường thì các bạn trẻ hay đi bắt còng vào ban đêm. Đêm mát trời chạy không mệt và còng cũng rủ nhau cả đàn đi chơi nhiều hơn.

Còng gió là loài giáp xác, kích thước to hơn ba khía khi đã trưởng thành, có đặc điểm chạy rất nhanh nhờ những cái chân cao lêu nghêu. Còng gió là loài nhanh nhẹn - nhanh từ khâu tự vệ, đào hang, bắt mồi, chạy trốn nhanh như gió, thế nên mới có tên gọi còng gió.

Còng gió sống nhiều ở ven sông, bãi bồi và dưới chân rừng ngập mặn, ăn các loại phù du trong sóng biển. Hang còng đào sâu ngoắt ngoéo trong lòng cát, có khi kéo dài vài mét.  Những con còng gió to thường khôn ngoan, ít khi đào hang theo đường thẳng, mà thường là đột ngột ngoặt rẽ nhánh. Khi bị bắt, có con còng còn ranh ma giả chết, nằm xuôi, buông rủ càng; nhưng hễ được đặt xuống cát, tay người vừa buông là thoắt cái còng vùng dậy, chạy biến. Muốn bắt còng phải chọn những ngày tối trời, thường là từ 25 đến mùng 5 âm lịch hằng tháng, đặc biệt là vào ngày mùng 5 tháng 5 là ngày hội còng lột, chúng bò lên các bãi bồi, hoặc vào sâu trong ruộng để lột xác. Những đêm trời có trăng, thịt còng gió ăn không ngon.

Ban đêm còng gió bỏ hang, xuống mép biển kiếm ăn những thứ tự nhiên của biển nên rất sạch. Bộ dạng còng gió nhỏ gọn, to nhất chỉ bằng 3 ngón tay. Còng có nhiều loại: Còng nha, còng quều, còng xanh… Da còng màu vàng pha trắng, có con nâu xám, cùng màu cát. Các đặc điểm này khiến còng khó bị phát hiện, dễ lẩn trốn trên nền cát. Còng gió sau khi bị bắt rất mau chết, nên khó vận chuyển đi xa được như ba khía.

Trước đây cuộc sống của người dân vùng biển còn khó khăn, gặp buổi tiết trời biển động, sóng to gió lớn, thức ăn không có gì ngoài mắm, rau, thì con còng gió trở thành món ăn chính trong bữa cơm gia đình. Còng thường đem kho mặn để lấy nước chấm rau, đem nướng hoặc nấu cháo ăn trừ bữa. Thế nhưng ngày nay, còng gió lại là món ăn đặc sản miền biển.

Thịt còng gió làm sạch có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo. Những ai thích ăn kiểu dân dã thì nướng chính là món nhanh nhất. Còng gió bỏ mai, bỏ yếm, sau đó đem nướng trên bếp than củi. Món còng nướng này sẽ rất tuyệt vời nếu được thưởng thức ngay tại bãi biển. Còng đem về xóc rửa cho sạch cát. Đợi bếp than hồng, mấy chú còng ngo ngoe trên vỉ nướng rất mau chín, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Một chén muối tiêu chanh, con còng mềm, dòn, ngọt hơn mọi thứ cua ghẹ nào trên đời, ăn ngay khi còn nóng rất hấp dẫn.

Trong lúc bạn lai rai món còng nướng thì một hỗn hợp trứng, bột, hành, tiêu, gia vị chờ sẵn. Còng lột bỏ mai, bẻ bớt chân cho gọn, bắc chảo mỡ nóng nhúng còng vào bột chiên từng con cho vàng ăn với tương ớt ngọt cà chua. Cắn nhẹ một miếng còng chiên nóng dòn nhai chầm chậm, bạn sẽ không thể phân biệt được đâu là bột trứng, hay thịt còng, nó lẫn quyện vào nhau thấm dần vào vị giác tinh tế của bạn thành một cảm nhận tuyệt vời. Còng gió có thể đơn giản chỉ là rang với nước mắm cốt cho ngấm vào thịt, đến khi khô lại là ăn được. Món còng gió rang nước mắm vô cùng lạ miệng. Còng gió rang cả mai nhưng vỏ mỏng và giòn tan, nhai cả con để tận hưởng vị ngọt mằn mặn thơm lừng. Càng nhai vị ngọt càng ngon cho đến khi còng gió tan hết trong miệng.

Mai còng được khều hết gạch béo phi hành tỏi mỡ cho thật thơm, mớ chân còng còn đó quết nhuyễn với số còng còn lại đã được lặt bỏ yếm đem lược lấy nước như lược cua rồi đun lửa cho nổi thịt lên từng mảng trắng hồng ẩn hiện trong nồi nước súp trong vắt, hứa hẹn món bún riêu chứ danh. Bạn muốn nấu còng với cháo hành răm hay làm bát canh cải xanh với gừng cũng ngon không chê vào đâu được. Còng gió cũng có thể ướp làm mắm rất ngon.

Còng gió có ở tất cả các bãi biển: Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Gò Công (Tiền Giang); Đất Mũi (Cà Mau)… nhưng còng gió Côn Đảo ngon hơn và dễ bắt hơn bởi thiên nhiên hoang sơ và hệ sinh thái đa dạng./.

Quốc Thịnh

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Món ngon mùa nước nổi: Cá Linh miền Tây

Cá linh - loài cá được coi là món ngon mùa nước nổi miền Tây. Cá linh cũng trở thành đặc sản, một phần tinh túy trong văn hóa ẩm thực phong phú của đồng bằng châu thổ.
Top