Không có ý thức cao siêu về thiên đàng hay địa ngục của Kitô giáo hay thuyết luân hồi chuyển kiếp đầu thai của đạo Phật, trong nhận thức dân gian, thể xác và linh hồn vừa gắn bó, vừa tách biệt. Chúng gắn bó khi sống và phân tách khi chết: thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại – chuyển sang “sống” ở một thế giới khác. Thế giới ấy có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau: là cõi ma theo người Mường, hay là âm phủ (cõi âm) theo cách nói của người Việt. Cõi âm ấy cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Các tài liệu khảo cổ cho biết, tục chôn của cải theo người chết đã có từ văn hóa Sơn Vi. Trong các khu mộ táng, người ta tìm thấy các công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt mà đoán chừng đó là những thứ cung cấp cho người chết sử dụng khi sang thế giới bên kia. Thậm chí, ở các nhà mồ Tây Nguyên, ngoài đồ dùng còn có các tượng người hầu. Người ta cho rằng các pho tượng này thay thế cho việc chôn nô lệ làm người hầu cho chủ nhà khi họ chết. Như vậy, theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” trong một môi trường khác.
Việc cung cấp vật dụng cho người chết có thể được làm một lần (nhiều tộc người ở Tây Nguyên có lễ bỏ mả), nhưng cũng có thể làm thường xuyên theo chu kỳ ngày, tuần, tháng, năm dưới hình thức cúng tế. Người ta cho rằng nếu người chết không được cung cấp đầy đủ sẽ trở thành “ma đói” lang thang, quấy nhiễu sự yên bình của người sống. Các am chúng sinh lập ở cuối làng, hay lễ Vu lan (rằm tháng bảy) dành cho “thập chúng sinh” là những biểu hiện mong muốn chia sẻ, an ủi những linh hồn bơ vơ, thiếu đói do không có người cúng tế. Một hiện tượng khá bí ẩn nhưng rất được con người tin tưởng: đó là âm phủ – người chết phù trợ cho người sống. Trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam, không thiếu những chuyện các ông vua đánh thắng trận nhờ có sự mách bảo của thần linh, và sau đó họ đều làm lễ tạ một cách thành kính.
Mối quan hệ giữa những người sống và người chết cùng chung huyết thống lại càng gắn bó hơn. Trong vòng hai, ba đời thì đó còn là những kỷ niệm rất cụ thể và sâu sắc. Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng của con cháu, và con cháu luôn cảm thấy trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với họ: một nén nhang thơm, một bông hoa đượm mùi hương, một chén nước tinh khiết và cả tiền vàng để họ tiêu dùng. Bên cạnh ý thức trách nhiệm, có lẽ phần nào còn bởi yếu tố sợ bị trừng phạt. Nhà dân tộc học Tôkarép đã cho rằng: sự sợ hãi bị trừng phạt là một trong những cơ sở của tục cúng này./.
Ban Tôn giáo phía Nam